Khu kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo
Hương Sơn là huyện miền núi, nhưng phải khẳng định rằng: đây là huyện miền núi không cam chịu phận nghèo. Hương Sơn có ba thế mạnh: Thế mạnh thứ nhất tiềm năng đất đai rộng và màu mở, rừng nguyên sinh và rừng trồng phong phú. Là huyện có đường quốc lộ 8A xuyên sang nước bạn Lào, cửa khẩu Cầu Treo thuận lợi cho Hương Sơn giao thương hàng hóa. Thế mạnh thứ hai nhân dân Hương Sơn cần cù, sáng tạo và đoàn kết, tin tưởng tuyệt đối sự lãnh đạo của Đảng, chấp hành triệt để mọi chủ trương chính sách pháp luật của nhà nước.Thế mạnh thứ ba Hương Sơn có một nền văn hóa mang đậm đà bản sắc dân tộc lâu đời, tác động của văn hóa không chỉ giáo dục nhân cách sống, kỷ năng sống và kỷ năng làm việc của Hương Sơn, nó còn là động lực tạo nên sự kết nối bền chặt về tình làng nghĩa xóm, góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy kinh tế và đảm bảo an ninh chính trị xã hội.
Từ tiềm năng đất đai nhân dân Hương Sơn đã biết tận dụng tốt nguồn quỹ đất, trong phát triển kinh tế Hương Sơn vẫn xác định: mặt trận nông nghiệp vừa là chiến lược vừa là nền tảng để thúc đẩy công nghiệp và thương mại dịch vụ phát triển. Với truyền thống trồng trọt chăn nuôi lâu đời, người dân Hương Sơn đã biết linh hoạt lựa chọn cơ cấu cây trồng phù hợp với chất đất, thích ứng với khí hậu, vật nuôi phù hợp với khả năng vốn liếng và đầu ra của thị trường. Hương Sơn được khách hàng cả nước biết tới các loài cây ăn quả vừa có chất lượng thơm ngon nổi tiếng, vừa có sản lượng thu hoạch lớn như cam, chanh, bưởi, mít, chuối.. Đặc biệt là sản phẩm cam bù. Ngoài các loại cây ăn quả thì cây chè, một loại cây công nghiệp mang tính phát triển bền vững lâu dài đang được quy hoạch mở rộng tại các xã: Sơn Tây, Sơn kim 1, Sơn Kim 2. Cây cao su đang phát triển tại các xã Sơn Hồng, Sơn Thủy, Sơn Mai.. Sau hai mươi năm đổi mới, huyện Hương Sơn đã tạo ra những bước đột phá về cây trồng. Nhờ nắm được thông tin về các điển hình nhiều nơi trong cả nước, nhờ tham quan và học tập kinh nghiệm , nhờ chính sách thông thoáng của cơ chế, sự khuyến khích của chính quyền địa phương, Hương Sơn đã đi từ sự làm ăn manh mún nhỏ lẻ đến phát triển khá quy mô lớn trong lĩnh vực “ trồng trọt kết hợp với chăn nuôi ”. Nhiều mô hình trồng cam bù tại các xã Sơn Mai, Sơn Thủy, Sơn Trường… cho lợi nhuận mỗi năm từ 300 – 500 triệu đồng. Các hộ nhận khoán diện tích đất rừng, để trồng keo từ 20 héc – 30 ha trong những năm gần đây, không chỉ làm đẹp cảnh quan và môi trường sinh thái, còn tăng thêm nguồn thu nhập đáng kể cho mỗi gia đình. Năm 2013 phong trào phát triển cây ăn quả, chè công nghiệp có những bước chuyển biến mạnh, các địa phương đã trồng mới trên 120 ha cây ăn quả (riêng cam 105 ha) sản lượng quả đạt 15.275 tấn). Diện tích chè công nghiệp 325 ha, trong đó trồng mới 30ha, sản lượng búp tươi 4.320 tấn. Trồng 700 ha rừng tập trung, trồng mới 106 ha cao su, đưa tổng số diện tích cao thu toàn huyện lên 650 ha.
Nhiều mô hình nuôi hươu trên 50 con
Cùng với trồng trọt, Hương Sơn có thể là huyện đứng đầu của tỉnh về lĩnh vực chăn nuôi. Trâu bò, hươu, dê, lợn và các loại gia súc gía cầm khác đã tạo nên sản phẩm có chất lượng cao. Một trong những yếu tố quan trọng góp phần cho nền kinh tế huyện Hương Sơn tăng trưởng khá. Đến nay toàn huyện đã có 475 mô hình, doanh thu trên100 triệu đồng/năm, trong đó có 255 mô hình chăn nuôi, đặc biệt một số mô hình điển hình như mô hình lợn nái ngoại 450 con, 29 mô hình lợn thịt trên 500 con, 9 mô hình hươu trên 50 con.
Đi từ quy mô nhỏ đến quy mô lớn, nhất là là khi có chủ trương xây dựng nông thôn mới, một mục tiêu lớn của quốc gia thì động lực phát triển chăn nuôi của người dân Hương Sơn được nhân lên gấp bội. Dân tin tưởng và hăng hái làm ăn, nhiều người có khả năng làm giàu đã đứng ra vay vốn ngân hàng, thành lập và xây dựng các chuồng trại chăn nuôi hiện đại. Mô hình hợp tác xã kiểu mới bắt đầu ra đời, trong thời gian qua hình thành thêm 7 HTX và 1 tổ hợp tác, đưa tổng số HTX trên toàn địa bàn huyện lên 76 HTX.
Bài học kinh nghiệm về thành công trong chăn nuôi ở Hương Sơn được rút ra đó là: Khuyến khích nhân dân tích cực tham gia trồng trọt, chăn nuôi bằng những cơ chế, chính sách phù hợp chủ trương, chính sách pháp luật của nhà nước. Địa phương tạo điều kiện hổ trợ về vốn, về vật nuôi, cây giống, tư vấn tốt về nghiệp vụ kỷ thuật. Ngân hàng tạo điều kiện cho các hộ gia đình nghèo vay vốn với lãi suất ưu đãi.. Bảo toàn sản phẩm, nhạy bén tìm kiếm đầu ra trong từng cá nhân, để tái tạo và phát triển vốn.. Đảm bảo về công tác an ninh và môi trường cho mọi người tự tin trong sản xuất.
Phát triển kinh tế trong nông nghiệp đã từng bước tạo nên bộ mặt nông thôn từ miền xuôi đến miền ngược thay da đổi thịt. Đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện, đời sống văn không ngừng phát triển.
Trên lĩnh vực văn hóa Hương Sơn chú trọng từ xây dựng con người có lối sống văn hóa, đến việc xây dựng gia đình văn hóa. Văn hóa được thể hiện từ công sở, đến làng xã văn hóa. Bởi bộ mặt xã hội đẹp hay xấu đều xuất phát từ ý thức con người. Vì vậy muốn duy trì được bản sắc văn hóa dân tộc, trước hết phải giáo dục con người tôn trọng gìn giữ và phát huy những di sản của cha ông để lại (kể cả văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể). Hương Sơn là mảnh đất địa linh nhân kiệt, nơi hội tụ hồn thiêng sông núi và hồn cốt cha ông, nên từ lâu người Hương Sơn rất tôn trọng và bảo vệ những di tích lịch sử, những đền chùa miếu mạo thờ phụng các bạc danh nhân tiền bối… Khu di tích nhà thờ Hải Thượng Lãn Ông, sau khi được xây dựng không chỉ thu hút khách trong nước và quốc tế về thăm mà khu di tích này một điểm sinh hoạt văn hóa bổ ích cho nhân dân Hương Sơn. Một nơi giáo dục nhân cách, giáo dục về lối sống về trách nhiệm, tình cảm giữa con người và con người của danh nhân Hải Thượng Lãn Ông. Xây dựng nếp sống trong mỗi gia đình, mỗi con người đã được cấp ủy chính quyền địa phương cùng các tổ chức đoàn thể đưa ra các chương trình mới hành động mới.
Khu di tích nhà thờ Hải Thượng Lãn Ông
Nhằm tạo được những nét mới trên lĩnh vực văn hóa hiện nay, ngành văn hóa thông tin huyện đã phối hợp với các cơ quan hữu quan ra sức tuyên truyền những nhân tố điển hình về văn hóa trong huyện, trong tỉnh, trong nước để nhân dân học tập. Với đa dạng các kênh thông tin từ loa đài, băng gôn, khẩu hiệu pa nô áp phích, ngành văn hóa Hương Sơn có vai trò quan trọng trong công tác truyền bá, giáo dục nhân dân thấm sâu công lao to lớn của Đảng và Bác Hồ, công lao các anh hùng liệt sĩ. Thông qua đó giáo dục truyền thống yêu nước thương dân, đoàn kết phấn đấu xây dựng quê hương, xây dựng đất nước. Mặt khác ngành văn hóa cùng với các cơ quan chức năng, tăng cường công tác kiểm tra, răn đe giáo dục đối với những phần tử xấu lợi dụng dân chủ kích động quần chúng trên diễn đàn, trên Blog cá nhân, trên mạng internet, gây nên sự hoài nghi trong quần chúng. Tăng cường kiểm tra thu giữ và xử phạt những đại lý, nhà hàng tàng trữ mua bán các băng, đĩa văn hóa phim ảnh đồi trụy, kích thích bạo lực làm suy thoái nhân cách lớp trẻ.
Một vấn đề cấp bách hiện nay, trong lĩnh vực văn hóa đó là giáo dục nhân cách lối sống hiện nay, ngăn chặn và đẩy lùi tệ nạn cờ bạc, ma túy, và tai nạn giao thông.. Bởi ba vấn nạn này không chỉ gây tổn thất lớn tới tiền của, sức khỏe và sinh mạng con người mà nó là “ nọc độc” băng hoại cả thuần phong mỹ tục của cha ông đã dày công vun đắp.
Hy vọng rằng bước sang năm 2014, Hương Sơn sẽ tạo được một bức tranh đa sắc trên mọi lĩnh vực kinh tế và văn hóa. Năm mới hành động mới.
Lê Đức Hùng