Hàng nghìn khối gỗ trắc, cẩm lai, hương được các doanh nghiệp ở Hương Khê nhập về hợp pháp muốn bán ra phải có thêm giấy phép Cites. |
Theo đơn phản ánh của Hội doanh nghiệp huyện Hương Khê (Hà Tĩnh), nhiều doanh nghiệp đã nhập khẩu hợp pháp với số lượng gỗ trắc, cẩm lai, gỗ hương... về Việt Nam không bán được theo đường xuất khẩu chính ngạch mà buộc phải bán cho một số tổ chức, cá nhân buôn lậu qua biên giới dẫn đến chi phí cao mà bị ép giá.
Thực trạng này đẩy doanh nghiệp vào việc muốn thực hiện đúng pháp luật cũng không được vì phải trả lãi suất ngân hàng, muốn cứu vớt một phần vốn thì buộc phải bán hàng. Điều này bị tác động bởi Thông tư 4/2017, ngày 24/2/2017 của Bộ NN&PTNT về Ban hành danh mục các loài động vật, thực vật hoang dã đã quy định trong các Phụ lục công ước Cites (thay thế Thông tư 40/2013 của Bộ NN&PTNT).
“Thông tư 40 trước đó của Bộ NN&PTNT đưa gỗ trắc vào danh mục quản lý đã không phù hợp với Danh mục của Công ước quốc tế Cites. Nay Thông tư 04 lại tiếp tục đưa gỗ cẩm, gỗ hương... vào quản lý mà không thể hiện trong danh mục Công ước quốc tế Cites là không đúng”, ông Trần Phát Đạt, Chủ tịch Hội doanh nghiệp Hương Khê nói.
Theo ông Đạt, gỗ đã được nhập về có đầy đủ thủ tục, hồ sơ, đã thực hiện nghĩa vụ thuế với nhà nước. “Thời điểm nhập về luật quy định không bị hạn chế bởi giấy phép Cites nay lại không bán được bởi Thông tư 04.
Đây là điều vô cùng bất hợp lý vì khi gỗ đã trở thành hàng hóa hợp pháp thì việc cấp giấy phép Cites không còn đúng mục đích quản lý động thực vật hoang dã nguy cấp nữa. Việc quản lý đó phải thực hiện khi động thực vật còn sống, còn ở rừng theo quy hoạch, kế hoạch, khảo sát của nhà nước liên quan”, Chủ tịch Hội doanh nghiệp Hương Khê nói.
Quy định không thực tế
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Đặng Tất Đạt, Trưởng bộ phận pháp chế, Hạt Kiểm lâm huyện Hương Khê cho biết, qua kiểm tra, theo dõi các doanh nghiệp trên địa bàn nhập khẩu gỗ trắc, cẩm lai, hương… từ Lào về có đầy đủ thủ tục, hồ sơ hợp pháp. “Thực tế các doanh nghiệp phản ánh là có cơ sở. Gỗ nhập về cách đây mấy năm có hồ sơ đầy đủ. Nay lại phải có thêm giấy phép mới được bán ra sẽ tạo thêm khó khăn cho doanh nghiệp”, ông Đặng Tất Đạt nói.
Phó Cục trưởng Cục Hải quan Hà Tĩnh Đinh Văn Hòa cho biết, vừa nhận được văn bản phản ánh của doanh nghiệp và đơn vị sẽ có đề xuất với các cơ quan chức năng liên quan. “Thực tế trong thời gian vừa qua doanh nghiệp kinh doanh gỗ gặp nhiều khó khăn do nhập hàng về không tiêu thụ được. Quy định là vậy nhưng nhiều khi trong quá trình thực hiện lại xảy ra nhiều bất cập”, ông Hòa nói.
Chủ tịch Hội doanh nghiệp huyện Hương Khê cho rằng, cứ mỗi lần bán gỗ (hàng đã nhập hợp pháp), doanh nghiệp lại phải mất công ra Hà Nội xin giấy phép. Việc cấp giấy này không có ý nghĩa trong công tác quản lý.
“Hàng nhập về có nguồn gốc từ Lào, nước bạn không cấp giấy phép Cites nhưng khi doanh nghiệp Việt Nam xuất hàng lại buộc phải có Cites thì có đúng không. Nếu cứ bắt buộc có các loại giấy phép này thì đề nghị các cơ quan hữu quan phải có văn bản hướng dẫn cụ thể và phải cấp tại cửa khẩu hoặc tại địa bàn có doanh nghiệp chứ không thể cấp ở Hà Nội”, ông Trần Phát Đạt nói.
Tác giả: Minh Thùy
Nguồn tin: Báo Tiền phong