Tấm bia đá cổ vừa được phát hiện trên địa bàn xã Sơn Bằng. |
Tấm bia đá cổ nói trên được phát hiện trong vườn nhà gia đình ông Lê Duy Kỷ, thuộc xóm Đông Sơn.
Bia được đặt trong nhà bia có kết cấu kiến trúc thời Nguyễn; phía trên đỉnh nóc mái trang trí họa tiết đắp nổi hình hoa sen cách điệu, mặt trước hình hổ phù, 4 phía trổ cửa vòm.
Toàn bộ tấm bia là một khối đá thanh màu xanh đen nguyên khối hình chữ nhật, gồm 3 phần: trán bia, thân và bệ bia. Phía trên trán bia và diềm bia trang trí các họa tiết hình hoa cúc cách điệu.
Mặt trước trán bia và thân bia ghi dòng chữ Hán cổ |
Bia cao 1,2 m, rộng 0,6 m, dày 0, 15 m. 4 mặt bia đều khắc chữ Hán cổ sâu và rõ nét. Mặt trước trán bia và thân bia ghi dòng chữ Hán cổ: Phúc Định Tự Bi (Bia chùa Phúc Định), Đức Quang Phủ, Hương Sơn huyện, Hữu Bằng xã, Phan Định thôn (thôn Phan Định, xã Hữu Bằng, huyện Hương Sơn, phủ Đức Quang, trấn Nghệ An). Đời vua Gia Long năm thứ 10 (1811) chọn ngày lành tháng tốt mùa xuân dựng bia. Mặt sau ghi: Vạn Đại Như Kiến (muôn đời đều thấy).
Qua nghiên cứu bước đầu cho thấy, đây là tấm bia đá cổ có niên đại năm Gia Long thứ 10 (1811), thời Nguyễn, cách ngày nay trên 200 năm của một ngôi chùa cổ có tên là chùa Phúc Định ở làng Phan Định xưa, nay thuộc xã Hữu Bằng, huyện Hương Sơn. Ngôi chùa này đã bị phế tích, hiện chỉ còn lại nhà bia và tấm bia đá cổ trên.
Đây là tấm bia đá cổ của một ngôi chùa cổ đã phế tích dưới triều vua Gia Long lần đầu tiên được phát hiện trên địa bàn Hà Tĩnh. Di sản văn hóa vật thể độc đáo, quý hiếm này góp phần quan trọng minh chứng cho địa danh làng cổ Hữu Bằng xưa của huyện Hương Sơn và việc phục dựng chùa Phúc Định nhằm bảo tồn các giá trị văn hóa Phật giáo trong tiến trình phát triển của lịch sử dân tộc.
Lê Bá Hạnh/Baohatinh.vn