Bài 1: Khai thác đất đe dọa rừng phòng hộ
Hồ thủy lợi phục vụ nông nghiệp bị trơ đáy; rừng phòng hộ cháy liên tục; nguồn nước sinh hoạt khan hiếm; nhà dân lún nứt; hệ thống đường sá bị xuống cấp… đó là những nguyên nhân bắt nguồn từ việc khai thác đất đá tại khu vực núi Khe Su (Mồng Gà), thuộc xã Sơn Bình, huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) trong thời gian gần đây.
Khai thác đất là nguyên nhân làm hồ thủy lợi trơ đáy vì thiếu nguồn nước |
Hàng ngàn m3 đất đá đã và đang bị đào bới nham nhở ngay khu vực rừng phòng hộ Ngàn Phố trước sự bất lực của người dân và sự lúng túng của nhiều cơ quan chức năng tại địa phương. Tại hiện trường, hàng ngày, có 2 – 3 chiếc máy múc và hàng chục xe ben quần thảo tại khu rừng Khe Su, xã Sơn Bình.
Bụi bặm vương vãi, không trùm bạt khi lưu thông |
Theo người dân địa phương, các thiết bị máy móc này là của một doanh nghiệp đóng ở TP Vinh (Nghệ An). Tuy nhiên, một cán bộ thuộc UBND xã Sơn Bình tiết lộ, số máy móc đó là của Công ty TNHH Thương mại & Khai thác khoáng sản Phú Lộc An (gọi tắt là Công ty Phú Lộc An).
Tờ trình không số, không ngày tháng |
Tìm hiểu tại Phòng Tài nguyên – Môi trường (TN – MT) huyện Hương Sơn, chúng tôi phát hiện, hồ sơ xin khai thác đất của Công ty Phú Lộc An có nhiều mập mờ. Tờ trình gửi các cơ quan chức năng không có ngày tháng ban hành, không có số văn bản lưu trữ; địa chỉ của công ty cũng không ổn định.
Hai văn bản cho 2 địa chỉ hoàn toàn khác nhau |
Văn bản hành chính ghi địa chỉ công ty: xã Nghi Phong, huyện Nghi Lộc (Nghệ An); giấy phép đăng ký kinh doanh ghi địa chỉ ở: xóm 15, xã Sơn Bình, huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh). Tuy nhiên, khi chúng tôi tìm đến xóm 15, xã Sơn Bình như trong giấy phép thì không có một trụ sở doanh nghiệp nào như đã ghi.
Khu vực mà Công ty Phú Lộc An đang khai thác đất nằm ngay khu vực rừng phòng hộ Ngàn Phố. Việc đào bới đất như hiện nay, không những tạo nguy cơ sạt lở, sói mòn toàn bộ khu rừng Mồng Gà mà còn ngăn phá 2 dòng chính cung cấp nguồn nước cho hồ thủy lợi Khe Su.
Thực tế: Khu vực khai thác đã khoét sâu vào chân rừng thông phòng hộ |
Ngoài ra, theo người dân, khi mỏ đất này bị khai thác, dân đã có ý kiến với chính quyền nhiều lần về việc để xe quá tải qua lại làm hư hại đường sá, gây dư chấn làm sụt lún nhà dân. Xã và doanh nghiệp hứa sẽ sớm khắc phục, hỗ trợ nhưng đến nay vẫn chưa thấy có biến chuyển gì.
Trên hồ sơ: Khu vực khai thác được cho là nằm trong rừng phòng hộ và chặn nguồn nước chính vào đập thủy lợi
Trao đổi với chúng tôi, ông Cù Văn Điền, Chủ tịch UBND xã Sơn Bình phân giải: “Sinh ra khai thác đất đá sẽ có những chỗ nọ chỗ kia khó tránh khỏi”. Ông Nguyễn Đình Công, Trưởng phòng TN – MT cho biết: Trước đây, do cấp bách việc san lấp mặt bằng mở rộng QL8A, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã cho Công ty Phú Lộc An khai thác với một khối lượng vừa phải tại khu vực trên trong vòng 45 ngày (từ 21/5 – 4/7/2013). Đến nay, giấy phép đã hết hạn. Gần đây, công ty này đột nhiên khai thác trở lại. “Khi cán bộ của chúng tôi hỏi, công ty cho biết, đã được gia hạn giấy phép nhưng vẫn chưa thấy họ xuất trình. Sắp tới, chúng tôi sẽ cho kiểm tra”, ông Công nói.
Người dân địa phương cho rằng, đứng phía sau, bảo hộ cho doanh nghiệp khai thác đất là một cán bộ làm công tác xây dựng, giao thông lâu năm của UBND huyện Hương Sơn!? Thông tin này, chúng tôi đang trong quá trình điều tra, kiểm chứng.
Những khuất tất phía sau các dự án xây dựng, giao thông tại Hương Sơn do vị cán bộ này thẩm định, phê duyệt, can thiệp… sẽ được phóng viên Báo ĐS&PL điều tra, phán ánh trong các bài viết tiếp theo.
(còn nữa)
NHÓM PV