Tin Hà Tĩnh

Hương Khê, Hà Tĩnh: Cả thị trấn mất ngủ vì… rác

Khoảng một tháng nay, trên địa bàn thị trấn Hương Khê (Hương Khê, Hà Tĩnh) “nóng rát” với vấn đề rác thải. Rác tấp đầy dưới cột điện, hành lang vỉa hè, rác phơi ở bùng binh, trên giải phân cách tuyến đường Hồ Chí Minh, ùn tắc khe Leo. Một số con đường nội thị, rác chiếm cả lòng đường, bốc lên mùi hôi thối nồng nặc khiến người dân “mất ăn mất ngủ”

Rác ngập ngụa ở những nơi có biển “cấm đổ rác” tại thị trấn Hương Khê. Ảnh: LVV

Ngập trong rác

Ông Hồ Q. (cán bộ hưu trí, khối 1, thị trấn Hương Khê) phàn nàn: “Rác ngập thị trấn, chúng tôi ăn không ngon, ngủ không yên. Trước đây, sáng chiều còn đi bộ thể dục quanh hồ Bình Sơn, nhưng bây giờ không thể vì hôi thối quá. Nếu tình trạng như thế này kéo dài không được xử lý thì sẽ kéo theo dịch bệnh cũng chưa biết chừng”.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, rác ở đây chủ yếu là rác thải sinh hoạt . Được biết, thị trấn Hương Khê có 3.042 hộ dân, ước tính mỗi ngày 1 hộ thải ra 3 kg rác sinh hoạt, cả thị trấn sẽ có hơn 9 tấn và mỗi tháng sẽ thải ra 270 tấn rác sinh hoạt.

Chị Nguyễn Thị Châu (Khối 1) cho biết: “Mỗi tháng mỗi hộ chúng tôi nộp cho Hợp tác xã môi trường 20.000đ. Sáu tháng vừa rồi, mỗi hộ chúng tôi đã nộp 120.000đ. Nhưng một tháng nay, do không có bãi đổ, nên rác phải tấp ở góc đường, góc vườn, bốc mùi hôi thối rất khó chịu”.

Trao đổi qua điện thoại với PV Báo GĐ&XH, ông Phan Công Thức - Chủ nhiệm HTX môi trường thị trấn Hương Khê cho hay: “Một tháng nay do không có chỗ đổ rác nên 17 công nhân HTX mỗi người một việc, người chạy chợ, người đi xây, người đi phụ hồ, hay giúp việc tại gia kiếm kế mưu sinh. Bế tắc hiện nay chính là không có bãi tập kết hay xử lý rác”.

Một cán bộ (đề nghị giấu tên) phàn nàn: “Vấn đề xử lý rác thải là vấn đề chung của rất nhiều địa phương nhưng tại thị trấn Hương Khê trở thành vấn đề nóng vì một số người dân chưa đồng hành với địa phương để tự xử lý. Họ mang rác ra cả những nơi công cộng như hành lang, cổng trường, cổng cơ quan, dải phân cách đường quốc lộ đổ rác. Nơi nào có biển “ Cấm đổ rác” họ lại đổ nhiều hơn”.

Theo ông Hoàng Công Lý, Phó Chủ tịch UBND huyện Hương Khê, lâu nay rác thải sinh hoạt của thị trấn được thu gom đổ ở trại lợn gần đó. Tuy nhiên, UBND huyện có cam kết với các hộ dân xã Gia Phố (vùng quanh khu vực bãi rác) là sẽ kết thúc đổ rác từ tháng 5/2017. Vì vậy, tháng 6 vừa rồi, người dân không đồng tình để tiếp tục đổ rác ở khu vực này, nên lượng rác không biết đổ đi đâu mới tràn ngập thị trấn.

Dự án tiền tỷ, rác vẫn “không lối thoát”

Được biết, ngày 13/8/2014, UBND tỉnh Hà Tĩnh có Quyết định số 2294/QĐ-UBND phê duyệt: “Đề án quy hoạch chi tiết xây dựng khu xử lý chất thải rắn huyện Hương Khê” đặt tại xã Hương Thủy với diện tích 5,6 ha và tổng kinh phí 22 tỷ đồng (đã cấp 10 tỷ đồng). Nhưng cho đến nay vẫn chưa tiến hành xong Báo cáo đánh giá tác động môi trường bởi có những bất cập nên 33 hộ dân xã Hương Thủy không đồng tình. Nếu giải tỏa mặt bằng thì bế tắc không có nguồn đền bù tiền giải phóng mặt bằng cho 33 hộ dân, dẫn tới tiến độ thi công chậm trễ.

Trước vấn đề bức xúc về rác thải ngập thị trấn hiện nay, nhiều ý kiến cho rằng, khi không có bãi đổ rác và công nghệ xử lý rác, Hương Khê cần phân loại rác để xử lý tạm thời. Cụ thể, những rác thải sinh hoạt như bã chè, bã mía, vỏ ngô, cồi ngô vv.. có thể phơi khô đốt cháy.

Rác thải nhựa như vỏ chai nhựa, túi ni lông gom lại nhập cho chủ phế liệu. Rác thải rắn như gạch, thủy tinh có thể đóng tap lô, còn rác thải hữu cơ có thể ủ để làm phân bón cho cây trồng. “Chúng tôi đã có nhiều cuộc họp, tập trung tìm các giải pháp xử lý rác thải, nhưng có lẽ trước mắt phải làm tốt công tác truyên truyền, khuyến khích nhân dân tự xử lý những rác thải sinh hoạt khô có thể đốt cháy ở khu dân cư.

Còn những rác thải hữu cơ như xương động vật có thể bốc mùi hôi thối, chúng tôi bàn bạc với một số trang trại ủ làm phân. Chúng tôi sẽ hỗ trợ kinh phí vận chuyển và một số hóa chất cần thiết để xử lý. Mặt khác, chúng tôi tích cực tìm kiếm đối tác, triển khai đồng bộ, hiệu quả ba khu vực xử lý rác trên địa bàn Hương Khê”. Ông Lê Ngọc Huấn - Chủ tịch UBND huyện Hương Khê phân trần.

Được biết, ngày 19/6/2017, UBND huyện Hương Khê đã có Công văn số 897/UBND - KTHT gửi Thường trực Huyện ủy Hương Khê “về việc xin ý kiến bổ sung quy hoạch vị trí xử lý rác thải sinh hoạt bằng lò đốt”, đồng thời có văn bản gửi Sở TNMT và UBND tỉnh Hà Tĩnh.

Tiếp đó, ngày 11/7/2017, Sở TNMT Hà Tĩnh có Công văn số 2006/STNMT gửi UBND tỉnh này“Về việc báo cáo kết quả rà soát, kiểm tra vị trí lắp đặt lò đốt không sử dụng nhiên liệu trên địa bàn tỉnh”. Theo đó, tại huyện Hương Khê, Sở TNMT sau khi đã cùng huyện khảo sát 3 vị trí tại ba địa điểm: xã Hương Thủy, Phúc Trạch, Gia Phố đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh phê duyệt 3 vị trí. Vị trí thứ nhất: Vùng Trạng Nẹo xóm 6 xã Phúc Trạch dự kiến lắp đặt lò đốt công suất 1000kg/h.

Vị trí 2: Xóm 7 xã Hương Thủy, dự kiến lắp đặt lò đốt công suất 1000kg/h (vị trí này đã được quy hoạch làm bãi chôn lấp rác thải sinh hoạt theo Quyết định 418/QĐ-UBND ngày 04/02/ 2013 của UBND tỉnh Hà Tĩnh). Vị trí 3 vùng Khe Nác, xã Gia Phố dự kiến lắp đặt lò đốt công suất 1.000kg/h và công trình phụ trợ trên diện tích 30.501m2. Tuy nhiên, ba vị trí xử lý rác thải trên cũng chỉ mới là “dự kiến” đang nằm trên giấy.

Từ giấy trắng mực đen đến hiện thực còn là một khoảng cách rất xa.

Theo ông Lê Ngọc Huấn, năm 2013, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã có Quyết định 418, tuy nhiên, huyện chưa tìm kiếm được nhà đầu tư theo hướng xã hội hóa. Gần đây, Công ty cổ phần năng lượng và môi trường Việt Nam đã có Hồ sơ đề xuất đầu tư Khu liên hợp xử lý môi trường huyện Hương Khê. Tuy nhiên Hồ sơ này cũng đang ở trên… giấy.

Tác giả: Lê Văn Vỵ

Nguồn tin: Báo Gia đình & Xã hội

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP