Có nhiều việc tạo dư luận tốt
Phiên họp báo còn có sự tham dự của đại diện lãnh đạo các Bộ: Công an, Nội vụ, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Công Thương, Y tế, Tài nguyên và Môi trường, và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Mở đầu buổi Họp báo, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng khẳng định Chính phủ và các Bộ ngành đã đạt được những kết quả tích cực, tạo được sự đồng thuận cao trong xã hội như: quy định không tặng quà Tết, công chức không đi lễ hội, không uống rượu bia trong giờ làm việc… được thực hiện nghiêm túc, tạo dư luận tốt trong xã hội.
“Đặc biệt, sau khi có ý kiến của Thủ tướng Chính phủ, công tác tổ chức lễ hội đã có chiều hướng tốt hơn so với trước đây. Những vấn đề trục lợi từ các lễ hội đã được các địa phương chấn chỉnh kịp thời”, Bộ trưởng – Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng khẳng định.
Theo Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về tình hình kinh tế – xã hội tháng Hai và 2 tháng đầu năm 2017, chỉ số sản xuất công nghiệp 2 tháng đầu năm tăng 2,4%. Tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 2 tháng đầu năm tăng 8,7% so với cùng kỳ năm 2016. Hoạt động du lịch tiếp tục khởi sắc với hơn 2,2 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam, tăng 33% so với cùng kỳ năm trước.
Trong 2 tháng đầu năm, tổng số doanh nghiệp thành lập mới là 14.451 doanh nghiệp với số vốn đăng ký là 152,6 nghìn tỷ đồng, tăng 3,9% về số doanh nghiệp và tăng 35% số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước; vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp đạt 10,6 tỷ đồng, tăng 29,9% so với cùng kỳ.
So với cùng kỳ năm ngoái, số doanh nghiệp tạm dừng kinh doanh quay trở lại hoạt động tăng 7,6%; số doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn tăng 20,1%; số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể tăng 14,9%.
Tại buổi Họp báo, Bộ trưởng – Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng khẳng định lại quan điểm của Chính phủ: Chỉ có nợ Chính phủ bảo lãnh và nợ của chính quyền địa phương mới được tính vào nợ công, các doanh nghiệp nhà nước tự vay tự trả, khoản vay của các doanh nghiệp không được tính vào nợ công.
Đối với câu hỏi của phóng viên về kết quả của việc rà soát các điều kiện kinh doanh và việc thành lập Cơ quan quản lý, giám sát vốn Nhà nước, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đào Xuân Thu cho biết đến nay chưa có chủ trương thành lập hay không thành lập Cơ quan quản lý, giám sát vốn Nhà nước. Tuy nhiên, thời gian qua việc quản lý, giám sát vốn Nhà nước tại doanh nghiệp có nhiều bất cập.
“Vừa qua Chính phủ có giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, khảo sát, tham khảo các mô hình quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp. Từ đó đề xuất một mô hình về quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp. Hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có tờ trình lên Chính phủ kiến nghị thành lập một Ủy ban quản lý, giám sát vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, Ủy ban này trực thuộc Chính phủ. Chính phủ dự kiến sẽ trình các cơ quan có thẩm quyền cao hơn, và chưa có quyết định về việc này.” Thứ trưởng Đào Xuân Thu trả lời.
Về việc rà soát các điều kiện kinh doanh, sau khi làm đợt 1 vào năm 2016, hiện nay Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang cùng
các bộ liên quan tiếp tục rà soát để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp.
Quang cảnh buổi họp báo.
Không có vùng cấm trong các sai phạm
Trả lời câu hỏi của phóng viên về quan điểm của Chính phủ sau khi có thông báo của Ủy ban Kiểm tra Trung ương đối với những sai phạm của các cá nhân liên quan đến việc Formosa xả thải gây ô nhiễm môi trường, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng khẳng định việc này được nhân dân ủng hộ nhiệt tình, thể hiện đúng tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư là không có ngoại lệ, không có vùng cấm. Thủ tướng Chính phủ cũng đang chỉ đạo các cơ quan tiếp tục làm rõ trách nhiệm của từng cá nhân trong việc này.
“Các cơ quan đã thực hiện hết sức nghiêm túc, Ban Cán sự Đảng Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã kiểm điểm cá nhân liên quan và cung cấp hồ sơ đầy đủ cho Ủy ban Kiểm tra Trung ương.
Những thông báo, kết luận liên quan đến tổ chức, cá nhân có vi phạm và bị kiểm điểm được nhân dân rất đồng tình. Nói cách khác, đúng như lời của đồng chí Tổng Bí thư, đó là không có ngoại lệ, không có vùng cấm.
Việc thông báo khuyết điểm của đồng chí Phạm Khôi Nguyên, nguyên Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường và đồng chí Võ Kim Cự, nguyên Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh và một số đồng chí khác được tiếp tục thực hiện theo chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư, đó là xem xét lại tất cả các nội dung thuộc thẩm quyền và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức. Nếu có vi phạm sẽ tiếp tục xem xét xử lý theo quy định của pháp luật.” Bộ trưởng – Chủ nhiệm VPCP nói.
Cũng liên quan đến việc chống tiêu cực không có vùng cấm, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cho rằng ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư liên quan đến khối tài sản của Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa là một ý kiến rất quan trọng trong vấn đề chống tham nhũng, chống lợi ích nhóm, lợi dụng chức vụ quyền hạn.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng khẳng định, Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương và Thanh tra Chính phủ khẩn trương thực hiện theo ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư.
“Các cơ quan liên quan sẽ làm việc cụ thể như báo chí đã nêu. Vấn đề liên quan đến tái cơ cấu doanh nghiệp nơi đồng chí Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa công tác trước đây, liên quan đến cổ phần hóa, thực hiện bổ nhiệm, quản lý tài chính, quản lý tài sản theo quy định của Luật Doanh nghiệp, Luật Công chức viên chức sẽ được các cơ quan tiến hành kiểm tra, báo cáo Thủ tướng. Trên cơ sở đó sẽ báo cáo Tổng Bí thư”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng khẳng định.
Chính phủ cũng giao cho Bộ Tài chính chủ trì, cùng với Bộ Tư pháp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thanh tra Chính phủ, Ban Đổi mới Doanh nghiệp Nhà nước rà soát toàn bộ lại quy định liên quan đến thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, tránh thất thoát tài sản của Nhà nước trong quá trình cổ phần hóa.
Về vấn đề doanh nghiệp tặng xe UBND tỉnh Cà Mau và UBND thành phố Đà Nẵng, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho rằng có nhiều quan điểm và tư tưởng đánh giá khác nhau, Thủ tướng đã có văn bản giao Bộ Tài chính phối hợp với Thanh tra Chính phủ và Bộ Tư pháp kiểm tra, làm rõ, nếu có vi phạm thì báo lên Thủ tướng.
Đối với việc thành phố Hồ Chí Minh đang quyết liệt dẹp nạn lấn chiếm vỉa hè, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng bày tỏ ủng hộ việc làm này khi cho rằng các địa phương từ trước đến nay đã nhiều lần dẹp nạn lấn chiếm vỉa hè nhưng rồi đâu lại vào đấy. Do vậy, cần phải có sự vào cuộc quyết liệt hơn, như thành phố Hồ Chí Minh đã và đang làm.
Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc quản lý Quỹ Bảo hiểm xã hội, người phát ngôn của Bảo hiểm Xã hội khẳng định vấn đề về chi phí quản lý Quỹ BHXH và việc kéo dài tuổi nghỉ hưu không liên quan gì với nhau. BHXH Việt Nam và Bộ LĐ-TB và XH đang trình Chính phủ để trình Quốc hội xem xét việc kéo dài tuổi nghỉ hưu thực chất là đảm bảo cho vấn đề an toàn lâu dài cho Quỹ BHXH mà thôi.
Nguyễn Tuân