Theo đánh giá của các chuyên gia, đào tạo chương trình trung cấp, CĐ cho học sinh tốt nghiệp THCS gặp nhiều khó khăn. MỸ QUYÊN |
Đại diện Bộ LĐ-TB-XH cũng đã đề xuất để đưa điểm mới này vào luật Giáo dục tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV. Nhưng thực tế cho thấy chương trình này rất khó thành công.
Đầu vào thấp, bỏ học nhiều
Từ năm 2011, Chỉ thị 10 của Bộ Chính trị đã có nội dung về tăng cường phân luồng học sinh (HS) sau THCS. Theo đó, đưa ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 có ít nhất 30% HS sau khi tốt nghiệp THCS đi học nghề. Trong 7 năm qua, nhiều trường trung cấp đã thực hiện mô hình 9+3, HS tốt nghiệp THCS sẽ học 3 năm gồm chương trình văn theo hóa theo quy định của Bộ GD-ĐT dành cho đối tượng này và chương trình đào tạo nghề, đủ điều kiện sẽ được cấp bằng trung cấp.
Sau nhiều năm, kết quả cho thấy tỷ lệ HS bỏ học ở đối tượng này lên tới 60 - 70%, chỉ còn khoảng 30 - 40% nhận được bằng tốt nghiệp. Như vậy tỷ suất đào tạo là rất thấp.
Mới đây, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cũng đã có văn bản khuyến khích các trường cao đẳng (CĐ) triển khai mô hình đào tạo 9+ dành cho HS tốt nghiệp THCS. Người học sẽ được nhận bằng trung cấp sau 3 năm và tiếp tục học chuyển tiếp ngay mà không cần phải học lại những nội dung đã học để nhận bằng CĐ cùng ngành, nghề. Trong thời gian qua, một số trường CĐ đã được Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cho phép đào tạo thí điểm chương trình 9+4, 9+5.
Trường CĐ Kỹ thuật Lý Tự Trọng là trường đầu tiên thí điểm tuyển sinh và đào tạo chương trình 9+4 từ năm 2017. Tiến sĩ Phạm Hữu Lộc, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “HS tốt nghiệp THCS sau 4 năm học sẽ được cấp bằng CĐ. Thời gian đào tạo chia làm 2 giai đoạn. Sau khi học chương trình 9+3 để được cấp bằng trung cấp, các em sẽ học chuyển tiếp một năm lên trình độ CĐ. Năm 2017 chúng tôi tuyển được 1.300 em, năm 2018 được 1.500. Tuy nhiên, do đầu vào thấp và HS đang ở lứa tuổi có những thay đổi về tâm sinh lý nên rất khó khăn trong đào tạo. Các em bỏ học khá nhiều”.
Vì thế, giải pháp mà Trường CĐ Kỹ thuật Lý Tự Trọng đưa ra là huấn luyện đội ngũ giáo viên về tâm lý HS, trong quá trình dạy thì “dỗ” nhiều hơn “phạt”, kết nối liên tục với phụ huynh, bố trí học nghề cơ bản trước rồi mới xen kẽ các môn văn hóa cho HS khỏi chán...
Lo ngại về chất lượng
Tiến sĩ Nguyễn Đức Minh, Hiệu trưởng Trường CĐ Kinh tế đối ngoại, cho rằng việc các trường đào tạo chương trình 9+ thực chất là mở rộng đối tượng để tăng cơ hội tuyển sinh. “Đối với một số trường CĐ tuyển sinh tốt, thì đào tạo HS tốt nghiệp THPT chất lượng sẽ tốt hơn nhiều và tỷ lệ bỏ học ít hơn hẳn do đầu vào tốt”, tiến sĩ Minh nhận định.
Trong khi đó, tiến sĩ Lê Đình Kha, Phó hiệu trưởng Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng, cho rằng mô hình 9+ hoàn toàn phù hợp với giáo dục nghề nghiệp của VN, giúp người học tiết kiệm thời gian so với chương trình hiện tại.
“Tuy nhiên vấn đề khó khăn là nhận thức của xã hội về việc này. Hiện đa số HS tốt nghiệp THCS không đủ điều kiện học tiếp THPT mới rẽ sang học nghề, việc này khiến cho các trường nghề vô cùng khó khăn trong đào tạo. Nếu không có phương pháp tổ chức tốt thì không những HS bỏ học mà chất lượng cũng không đáp ứng được thị trường lao động”, tiến sĩ Kha lo ngại.
Theo tiến sĩ Kha, ở lứa tuổi 15, 16, do chưa trưởng thành, chưa xác định được mục tiêu nên các em không chú tâm vào học tập. “Phải có phương pháp chăm sóc, đào tạo khác so với đối tượng tốt nghiệp THPT. Vừa dạy vừa dỗ nên rất cần có giáo viên đủ kinh nghiệm, truyền được cảm hứng cũng như hiểu được tâm lý của các em”, tiến sĩ Kha chia sẻ thêm.
Vì vậy, tiến sĩ Bùi Mạnh Tuân, Hiệu trưởng Trường CĐ Công thương TP.HCM, đề xuất nếu trường CĐ nào muốn thực hiện mô hình này thì chỉ tập trung vào một đối tượng duy nhất là HS tốt nghiệp THCS vì lứa tuổi này cần có phương pháp đào tạo riêng, đòi hỏi thời gian và tâm sức nhiều hơn.
Thách thức lớn Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh, Phó chủ tịch Hiệp hội Giáo dục nghề nghiệp và nghề công tác xã hội VN, nhìn nhận đào tạo HS tốt nghiệp THCS trở thành nhân lực kỹ thuật là một thách thức lớn.“Việc phát triển chương trình cho hệ này theo đúng bài bản còn khó khăn do chưa tích hợp được kiến thức nền tảng với kiến thức chuyên môn, chưa gắn với tiêu chuẩn kỹ năng nghề và khung trình độ quốc gia nên chất lượng đầu ra vẫn là một dấu hỏi. Nhật Bản hay Trung Quốc cũng có mô hình 9+5 nhưng việc tuyển chọn vào học CĐ khá khắt khe, sự hợp tác giữa trường và doanh nghiệp hiệu quả nên có thể yên tâm về chất lượng. Việc tuyển sinh sau THCS vào học nghề là hướng đi đúng đắn. Tuy nhiên, một số trường làm tốt, sàng lọc tốt nhưng có một số trường dạy theo kiểu liên kết với trung tâm giáo dục thường xuyên để có hai văn bằng vừa THPT vừa trung cấp nghề thì rất khó đảm bảo chất lượng”, ông Vinh chia sẻ. Theo tiến sĩ Vinh, không nên đưa mô hình sau lớp 9 cộng thêm 5 năm nữa thành CĐ (gọi là mô hình 9+5) vào luật Giáo dục để tránh làm phức tạp hệ thống giáo dục. Trước mắt nên quy hoạch phát triển giáo dục nghề nghiệp, thiết kế chương trình giáo dục nghề nghiệp đa dạng, linh hoạt và có một hệ thống đánh giá kỹ năng, đảm bảo chất lượng công nhận năng lực nghề nghiệp ở mỗi chương trình. Ai có điều kiện kinh tế và năng lực học tập sẽ được công nhận và tiếp tục học đến các chương trình CĐ hay ĐH. |
Tác giả: Mỹ Quyên
Nguồn tin: Báo Thanh niên