Bố con em Đặng Thị Huyền (SN 1998, dân tộc Hoa) không có niềm vui trọn vẹn ngày lễ tuyên dương. Ảnh: Quang Lộc.
Huyền là học sinh giỏi quốc gia, đạt giải Ba môn Địa lý. Thi tốt nghiệp THPT xét tuyển vào đại học, em đạt 27,5 điểm. Nhưng trớ trêu thay, khi các bạn cùng khóa đã vào giảng đường đại học hơn nửa học kỳ, Huyền vẫn phải ở nhà.
Sáng 5/11, một tờ báo điện tử đưa câu chuyện của Huyền. Một quan chức của Cục Khảo thí – Bộ GD&ĐT liên lạc với Huyền qua điện thoại, hướng dẫn em viết đơn trình bày lên Cục để tìm hướng giải quyết.
Qua phóng viên báo Tiền Phong, Đặng Thị Huyền gửi tâm thư cầu cứu lên Bộ trưởng GD&ĐT và Cục Khảo thí. Huyền viết: “Cháu là con em dân tộc ít người ở vùng cao nguyên đá Hà Giang. Sinh ra trong gia đình nghèo, đông anh, chị, em nên từ nhỏ cháu luôn cố gắng vươn lên trong học tập để vươn lên thoát nghèo. Trong các năm học ở cấp 2, cấp 3 cháu luôn đạt danh hiệu học sinh giỏi. Năm học 2015 – 2016, trong Kỳ thi học sinh giỏi cấp Quốc gia, cháu đạt giải Ba môn Địa lý. Trong kỳ thi THPT Quốc gia năm 2016, cháu đạt: Văn 7,5 điểm; Sử 7 điểm, Địa 9 điểm. Tính thêm điểm cộng ưu tiên là 27,5 điểm.
Nhận giấy báo điểm, cháu làm hồ sơ gửi xét tuyển vào Trường ĐH Luật Hà Nội (nguyện vọng 1 vào ngành Luật Kinh tế, nguyện vọng 2 vào ngành Luật). Đến khi biết điểm chuẩn NV1 Trường ĐH Luật Hà Nội không đủ (trường lấy 28 điểm) nhưng thừa điểm NV2 (trường lấy 26,25 điểm), cháu đinh ninh là mình đỗ nhưng chờ mãi không thấy giấy báo. Vì gia đình cháu nằm ở vùng sâu, vùng xa, kinh tế khó khăn, đi lại vất vả, mạng lưới công nghệ thông tin không phát triển nên cháu không kịp thời cập nhật thông tin để gửi giấy báo điểm cho Trường ĐH Luật. Do vậy, Trường ĐH Luật Hà Nội coi cháu là “thí sinh ảo”. Cháu đã làm mất cơ hội học tập duy nhất của bản thân…
Gia đình cháu nghèo, bố mẹ quanh năm làm nương, làm rẫy cũng chỉ đủ nuôi 3 anh em bữa no, bữa đói. Cả bố và mẹ đều biết rất ít chữ và chưa từng ra khỏi thôn làng. Nếu không được tiếp tục đi học, cháu sẽ bị gia đình bắt lấy chồng rồi sinh con như bạn bè cùng trang lứa ở nơi cháu sinh sống. Giờ cháu không biết phải làm thế nào cả. Chỉ mong có một phép màu để thời gian quay ngược trở lại… Cháu cũng không biết nhờ ai giúp đỡ. Cháu xin gửi đơn cầu cứu này đến Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Cục Khảo thí Bộ Giáo dục và Đào tạo mong được xem xét, tạo điều kiện cho cháu thêm một cơ hội để cháu tiếp tục được theo học… Cháu xin hứa sẽ cố gắng hết sức để học tập tốt, sau này góp phần sức lực nhỏ bé của mình vào công cuộc xây dựng đất nước, đặc biệt là tỉnh Hà Giang – một tỉnh nghèo nhất cả nước và gặp rất nhiều khó khăn”.
Ngoài kênh Cục Khảo thí, lãnh đạo báo Tiền Phong cũng đã trao đổi và đề nghị lãnh đạo Văn phòng Bộ GD&ĐT giúp đỡ. Lãnh đạo Văn phòng Bộ hứa sẽ báo cáo Bộ trưởng về trường hợp của em Huyền ngay khi nhận được đơn thư.
Quang Lộc