Chủ động tiếp cận chính sách
3 năm thực hiện chính sách HTLS cho phát triển sản xuất, UBND tỉnh đã 2 lần bổ sung, điều chỉnh với những nội dung phù hợp với yêu cầu của thực tiễn. Điều đáng ghi nhận ở Agribank Cẩm Xuyên là sự chủ động của Ban Giám đốc trong việc tiếp cận chính sách và nhanh nhạy nắm bắt những điểm mới trong quá trình điều chỉnh chính sách để tổ chức thực hiện một cách hiệu quả.
Cán bộ tín dụng Agribank Cẩm Xuyên hỗ trợ khách hàng thực hiện thủ tục vay vốn. |
“Việc giảm chi phí lãi suất sẽ tăng hiệu quả cho dự án SXKD của họ. Đặc biệt lần này, với việc tỉnh tăng mức HTLS, khách hàng chỉ phải trả lãi bằng 50% lãi suất thông thường. Nhiều năm nay, chưa có chính sách khuyến khích đầu tư tín dụng cho sản xuất nào có mức hỗ trợ lớn như thế này. Ngân hàng đang cố gắng tạo điều kiện thuận lợi nhất để những người bạn đồng hành tiếp cận được nguồn lực hỗ trợ lớn” – Phó Giám đốc Agirbank Cẩm Xuyên – Đặng Xuân Hải cho biết.
Quan điểm này được Ban Giám đốc quán triệt trong toàn thể cán bộ, nhân viên, đặc biệt là những người làm công tác tín dụng với yêu cầu phải nắm chắc những quy định cụ thể, điểm mới của QĐ để tuyên truyền, tư vấn cho khách hàng. Với sự chủ động tiếp cận QĐ mới, ngay khi chưa có hướng dẫn cụ thể của các sở, ngành liên quan, Ngân hàng No&PTNT Cẩm Xuyên đã chỉ đạo cán bộ tín dụng chủ động thực hiện các khâu thẩm định và hồ sơ thủ tục vay vốn cho khách hàng. Nhờ đó, từ đầu tháng 6, các món vay HTLS đã được giải ngân và trong hơn 1 tháng rưỡi triển khai cho vay, doanh số cho vay theo QĐ 23 ở Cẩm Xuyên đã đạt trên 18 tỷ đồng. Sau 3 năm thực hiện chính sách HTLS theo các QĐ của UBND tỉnh, hiện nay, đã có gần 3.000 khách hàng của Agribank Cẩm Xuyên (chiếm 1/4 tổng số khách hàng) được vay vốn lãi suất thấp để phát triển SXKD.
Cơ hội tăng cường “sức khỏe” cho khách hàng
Trong quá trình chuyển tải nguồn vốn đến với các địa phương, Agribank Cẩm Xuyên đã phối hợp với Hội Nông dân huyện xây dựng mạng lưới tổ vay vốn rộng khắp tới tận thôn xóm, đồng thời tranh thủ sự quan tâm chỉ đạo của chính quyền địa phương. Đây là nền tảng để ngân hàng triển khai chính sách mới tới hộ nông dân một cách thuận lợi.
Tổ hợp tác chăn nuôi lợn thôn Đông Trung – Cẩm Bình mở rộng sản xuất nhờ được tiếp cận nguồn vốn lãi suất rẻ. |
Trưởng phòng Kinh doanh Agribank Cẩm Xuyên Lê Quốc Khánh cho biết: “Tại các cuộc giao ban, đánh giá công tác phối hợp 6 tháng đầu năm, chúng tôi đã đưa nội dung QĐ 23 phổ biến đến hội nông dân cấp xã và tổ vay vốn. Từ đó, các tổ chức hội cơ sở đã nắm bắt nhanh và triển khai khá cụ thể những điểm mới tới các thành viên vay vốn”.
Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Cẩm Quan – Lê Quang Phương phân tích: “Muốn tranh thủ tốt cơ hội nguồn vốn rẻ, trước hết phải nghiên cứu những điểm mới của chính sách. QĐ 23 sửa đổi, bổ sung các QĐ trước đây đã đưa ra mức hỗ trợ hấp dẫn hơn, đối tượng mở rộng thêm. Tuy nhiên, lại quy định rõ vai trò của chính quyền cấp xã trong việc xem xét, thẩm định đối tượng vay vốn cũng như quá trình sử dụng nguồn vốn. Bởi vậy, Hội Nông dân được UBND xã giao trách nhiệm phối hợp với Ban quản lý NTM xã kiểm tra cụ thể từng hộ đăng ký vay vốn qua thôn, sau đó tham mưu UBND xã xác nhận đối tượng được vay vốn HTLS. Bước đi này đã được xã thực hiện ngay sau khi QĐ 23 có hiệu lực”.
Với sự chủ động đó, sau hơn 1 tháng rưỡi triển khai, doanh số cho vay theo QĐ 23 ở Cẩm Quan đã đạt gần 2 tỷ đồng. Nếu tính lũy kế từ khi triển khai chính sách HTLS thì qua 3 năm, doanh số cho vay ở đây đạt trên 6 tỷ đồng.
Dựa vào mạng lưới tổ vay vốn và sự vào cuộc của chính quyền địa phương cùng với sự “cắm chốt” thường xuyên của cán bộ tín dụng, Ngân hàng No&PTNT Cẩm Xuyên đã khơi thông kênh vốn HTLS, giúp nhiều hộ nông dân xây dựng thành công các mô hình SXKD hiệu quả. Anh Phan Trọng Lý (thôn 9, xã Cẩm Quan) vừa vay 50 triệu đồng theo QĐ 23 để nhân rộng đàn bò, cho biết: “Lãi suất sau khi được tỉnh hỗ trợ, tôi chỉ phải trả khoảng 5%/năm, thấp hơn so với lãi suất vay vốn của Ngân hàng CSXH là 7,8%/năm. Vì vậy, tôi đã mạnh dạn vay vốn phát triển đàn trâu, bò lên 25 con; nhận thầu 4,5 ha đất bỏ hoang để trồng lúa và làm bãi chăn thả gia súc”.
Còn anh Nguyễn Văn Duẩn – Tổ trưởng Tổ hợp tác chăn nuôi lợn ở thôn Đông Trung (Cẩm Bình) nói: “Cả 5 hộ trong tổ hợp tác đều chưa có tài sản thế chấp, nhưng dựa trên thực tế sản xuất và hiểu rõ năng lực của khách hàng, mỗi hộ đã được vay 200 triệu đồng vốn HTLS để phát triển chăn nuôi. Đây thực sự là nguồn lực quý để các hộ chăn nuôi giảm bớt áp lực chi phí đầu tư ban đầu, tổ chức sản xuất hiệu quả”.
M.T/Baohatinh.vn