Họ tộc tại Hà Tĩnh

Họ Hà Nghệ Tĩnh: Nguồn lớn, dòng mạnh…

Hai sự kiện quan trọng nói trên được tiến hành để chuẩn bị cho một sự kiện đặc biệt diễn ra hôm nay (20/9): Hội thảo “Một số nhân vật tiêu biểu họ Hà ở Nghệ Tĩnh thời kỳ trung – cận đại” do Viện Sử học Việt Nam, Ban Liên lạc họ Hà toàn quốc và Sở VH-TT&DL chủ trì.

Ngày 16/9/2014, tại xã Tùng Lộc (Can Lộc), họ Hà làng Tỉnh Thạch phối hợp với cấp ủy và chính quyền địa phương long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 680 năm sinh Phụ quốc Thượng tướng quân Hà Mại (1334-1410) và 580 năm sinh Thượng thư, Tế tửu Quốc tử giám, Tiến sĩ Hà Công Trình (1434-1511); ngày 17/9, tại trụ sở phường Nguyễn Du (TP Hà Tĩnh) diễn ra lễ đón bằng xếp hạng di tích lịch sử – văn hóa cấp tỉnh Khu mộ Hoàng Bảng Đại tướng quân Hà Tông Chính (1366-1413)…
Họ Hà Nghệ Tĩnh - Nguồn lớn, dòng mạnh...

Khu lưu niệm Tổng Bí thư Hà Huy Tập (Cẩm Hưng – Cẩm Xuyên). Ảnh: Sỹ Ngọ

Trong suốt hàng ngàn năm lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước hào hùng của dân tộc, các dòng họ đã đóng góp cho đất nước nhiều công trạng với nhiều danh nhân nổi tiếng. Họ Hà là một dòng họ lớn và nổi bật với những đóng góp lớn lao cho đất nước. Trải qua quá trình lịch sử, cũng như nhiều dòng họ khác, việc xác định thủy tổ họ Hà chỉ mới biết đến vị tiên tổ xa đời nhất là Thượng tướng quân Hà Mại – người đã từ Thăng Long vào trấn thủ Nghệ An, rồi định cư ở huyện Thiên Lộc và sinh ra dòng họ Hà nổi tiếng ở làng Tỉnh Thạch (nay là xã Tùng Lộc) với những hậu duệ kiệt xuất như Hà Tông Chính, Hà Công Trình, Hà Tông Mục.

Từ làng Tỉnh Thạch, con cháu họ Hà tỏa đi nhiều nơi, lập ra những chi họ lớn, sản sinh cho đất nước nhiều nhân tài, danh nhân. Trong tỉnh, có các nhánh ở Cẩm Xuyên (cử nhân Hà Huy Quang, Tổng Bí thư Hà Huy Tập,…); Hương Sơn (cử nhân Hà Học Hải, Hà Học Văn, nhà cách mạng Hà Huy Giáp,…); Đức Thọ (Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh năm 1941 Hà Quang Tập, nguyên Trưởng ban Văn hóa – Văn nghệ Trung ương Hà Xuân Trường, GS. TS Hà Học Trạc,…); Nghi Xuân (Phó bảng Hà Văn Đại, GS. NGND Hà Văn Tấn,…).

Qua các đời có nhiều nhánh thiên cư ra ngoài tỉnh, đặc biệt, có một nhánh ra định cư tại làng Kim Thành (Yên Định, Thanh Hóa) sinh ra Tham tụng, Bảng nhãn Hà Tông Huân (1697-1766). Từ Thanh Hóa, nhánh họ Hà lại phân chi ra định cư tại làng Cát Động (nay thuộc thị trấn Kim Bài, huyện Thanh Oai, TP Hà Nội) và sinh ra Tiến sĩ Hà Tông Quyền (1798-1839), Tham tri bộ Lại, đại thần Cơ mật viện, truy tặng hàm Thượng thư.

Sơ lược một số nhánh lớn với những tên tuổi hậu duệ tiêu biểu, đã cho thấy, đây là một dòng họ có sức sống và sự phát triển mang tầm dân tộc. Sức sống của họ Hà Xứ Nghệ, trước hết là ở cái gốc xa xưa tại làng Tỉnh Thạch. Các vị tổ tiên ở đây đã nỗ lực tu dưỡng bản thân, vươn lên tạo phúc cho dân, lập công cho nước. Đặc điểm dễ nhìn thấy nhất ở dòng họ này là văn võ song toàn. Ngoài ra, có thể thấy, đây là một dòng họ có truyền thống thức thời, hậu duệ các đời luôn biết hướng thiện, hướng theo sự tiến bộ của thời đại. Sức sống của dòng họ còn được thể hiện ở tinh thần đoàn kết chặt chẽ giữa các thành viên, các chi nhánh theo một lực hướng tâm mãnh liệt về cội nguồn và một quan điểm xã hội khoáng đạt trong quan hệ với thiên hạ. Đấy là những nguyên nhân quan trọng khiến qua bao nhiêu lần “vật đổi sao dời”, họ Hà vẫn giữ được nhiều di tích, thư tịch, tài liệu để củng cố mối liên lạc giữa các chi nhánh, thế thứ; đồng thời có được nội lực lớn để thích ứng và phát triển trong mọi hoàn cảnh.

Ngày nay, Đảng và Nhà nước ta đang ra sức đề cao chủ trương xây dựng và phát triển một nền văn hóa “tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, trong đó, việc khôi phục lại truyền thống văn hóa dòng họ được chú trọng. Đại tá Hà Văn Sỹ cùng các thành viên khác trong Ban Liên lạc dòng họ Hà Xứ Nghệ đã truy tìm thư tịch, di tích, nhân vật, chi phái của dòng họ trong và ngoài nước để phục hưng tông tộc, dương danh dòng phái, khích lệ cháu con làm nên một cuộc “tôn tộc đại quy” (châm ngôn của Hoàng giáp Nguyễn Khắc Niêm) nhằm đóng góp nhiều nhất cho dân tộc trong bối cảnh có nhiều thời cơ và thách thức mới.

Có thể nói, những dòng họ lớn như họ Hà thật sự tiêu biểu cho lịch sử sinh tồn và phát triển của dân tộc Việt Nam và chứng minh một cách thuyết phục chân lý “nguồn lớn thì dòng mạnh, gốc cả thì cành to” trong quan niệm của người xưa về quy luật phát triển cộng đồng xã hội.

Phạm Quang Ái

Phó Tổng biên tập Tạp chí Văn hóa Hà Tĩnh

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP