Văn hoá Dân gian

Hát ví O Nhẫn- Mộc mạc và Ân tình

Người ta thường nói “ Kẻ Dua ăn nói giọng dằn. Đồng chua nước mặn lấy chi ăn mà về”, đó là những lời hát ví về làng Đan Du –Kỳ Thư ( huyện Kỳ Anh) xưa. Bởi xa xưa, Kỳ Anh là vùng đất phên dậu phía Nam của Hà Tĩnh song lại vùng quê được thiên nhiên ưu đãi ban tặng cho nhiều danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử nổi tiếng. Đồng thời, là nơi có những làn điệu hát ví O Nhẫn nổi tiếng một thời.

Kỳ Anh –một vùng quê giàu truyền thống văn hóa nổi tiếng với hát ví O Nhẫn ở làng Đan Du -ở xã Kỳ Thư:  Làng Đan Du (Kẻ Đua) là một vùng quê thuần nông, người dân nơi đây bao đời lam lũ với  đồng ruộng với những làng nghề truyền thống nổi tiếng.  Là một vùng đất nghèo, đồng chua nước mặn, đất  đai bạc màu, con người phải làm đủ nghề: Lên rừng đốn củi đốt than, xuống biển đánh cá, ra đồng mò cua bắt ốc…để kiếm sống. Kẻ Đưa -Đan Dù có thể nói là một vùng nghèo đói nhất xứ, nghèo đến mức các cô gái đi lấy chồng cũng không muốn về làm dâu ở đây. Nhưng ngược lại người dân Đan Du –Kẻ Dua chưa bao giờ nghèo về văn hóa, văn nghệ, đặc biệt là hát Ví Giặm trong dân gian, giàu có đến mức có thể coi như một đặc sản tinh thần để tự hào so với các miền khác.

Đất Văn Tràng chạy cá.

Đất Trung Hạ đốt vôi.

Đất Cổ Đạm vắt nồi.

Đất Kẻ Dua bầy tôi.

Đứa nằm ngả trong nôi.

Cũng biết đàng hát dặm…

Nghề may nón lá tồn tại hàng trăm năm ở các làng quê của xã Kỳ Thư -huyện Kỳ Anh.

       Vì Kẻ Dua (Đan Du) có thể coi là một cái nôi Ví Giặm ở Kỳ Anh, sánh ngang những vùng Ví Giặm nổi tiếng ở Nghệ Tĩnh. Trao đổi với chúng tôi,  Nghệ nhân Trần Khánh Cẩm cho biết; “  Hát ví O Nhẫn là những câu ví có giá trị nghệ thuật to lớn và mang giá trị nhân văn. Ngoài ra, hát ví O Nhẫn còn giáo dục được con người yêu quê hương, chăm học hành. Ngày nay,  nghe những câu hát ví O Nhẫn để truyền dạy lại cho lớp con cháu mình, nhất là người Kỳ Anh chúng ta phải nên tự hào những câu ví  O Nhẫn”.

Nghệ nhân Trần Khánh Cẩm truyền dạy hát ví O Nhẫn cho các em học sinh ở Trường THCS Kỳ Tân- huyện Kỳ Anh.

          Đan Du không những để lại nhiều câu hát ví, nhiều giai thoại và những bài vè dân gian mà còn lưu lại những nghệ nhân tài danh “ Vang bóng một thời” như O Tộ, O Nộ, ông Việm, ông Liện… và đặc biệt là O Nhẫn một tài năng lỗi lạc hiếm có.  Dù là một cô gái nghèo không được học hành, không một thước ruộng, phải cày thuê cấy mướn mà sống. Mặc dầu làm việc lam lũ, O Nhẫn càng lớn lên càng có duyên với những câu hát ví hát. Tiếng tăm từ đó được truyền đi, lôi cuốn cả những kẻ văn nho tài tử, xuất thân từ các tầng lớp khoa danh.O Nhẫn đã để lại nhiều câu hát đặc sắc, nhiều giai thoại lý thú. Có lần đi bắt cáy về chỉ được ngang lưng oi cáy mén, cô gặp một bạn trai, anh ta liền hát nghẹo:

“Người ta bắt cáy đầy oi,

Răng em bắt được nạm cáy ròi rứa em?”

Cô Nhẫn ví đáp, đùa lại:

Lòng thương dạ nhớ thầy nho,

Chân buồn tay rụ, ai bắt cho mà đầy?”

Phó bảng Kỷ người đen, râu quai nón rậm, có lần bị cô Nhẫn hát chọc:

“Em liếc xem bức tranh sơn thủy tùng đình

Bức tranh này rạng rỡ, em say tình biết bao!”

Kỷ cũng ví trêu lại:

“Nước lên nhẫn nhẫn bờ rào,

Thuyền người ta sang cả, em cầm trào đợi ai?”

Câu ví có tên Nhẫn, Nhẫn liền ví lại một câu có tên Kỷ:

“Mặc nước lên nhấn nhẫn bờ rào,

Em đợi người tri kỷ cầm trào cho em sang.”

       Và với Cả Canh – Nguyễn Thức Canh, con quan Sơn phòng sứ Nguyễn Thức Tự ở Đông Chữ, Nghi Lộc, vào Kỳ Anh trá hình làm khách ăn chơi để vận động yêu nước, có lần trong buổi hát, đã ví một câu chòng ghẹo:

“Nhất cao là núi Hoành Sơn

Lắm hươu Bàn Độ, to lườn chợ Voi”

“Mặc ướm hở lườn” là nói đàn bà nở ngực, nở vú. O Nhẫn vận dụng ý của cô Điểm xưa đáp lại sứ Tàu, mà ví:

“Chữ rằng nhân kiệt địa linh,

Có Hoành Sơn, Bàn Độ mới dĩnh sinh anh tài.”

Dù không được học hành, nhưng nhờ trí óc thông minh, lại được sống gần nhà học, nên trong các câu hát ví của O Nhẫn,  lối dùng chữ nho rất là dí dỏm, tài tình. Vì không biết chữ, cô không ghi chép lại được, hơn nữa đương thời người đời còn khinh cô là phận nghèo hèn, sợ cô là hữu tài bất hạnh, nên qua sự tàn phá của thời gian, câu hát câu ví của O Nhẫn đã mất mát đi hầu hết. O nhẫn và phường ví, giặm Kỳ Anh đã để lại nhiều câu hát đặc sắc, nhiều giai thoại lý thú. O Nhẫn mất năm 1958, thọ 73 tuổi. Nhưng với mọi người thì O vẫn mãi mãi trẻ trung với tài năng xuất chúng của một nghệ nhân dân gian. O Nhẫn không chỉ làm cho tên tuổi của mình sống mãi, mà nhờ cô, các bạn hát của cô, trong đó có các nho sĩ, trí thức đầu huyện Hiến, Cả Trạch, Cả Canh, Phó bảng Kỷ… cũng được lưu danh thiên cổ. Lối hát độc đáo, ví von, sâu sắc của O Nhẫn, và đây một nét văn hóa đặc sắc đang cần được các thế hệ lưu giữ, bảo tồn và phát triển. Anh  Nguyễn Duy Thành – Trưởng Ban Văn hóa xã Kỳ Thư- huyện Kỳ Anh cho biết; “ Tại Câu lạc bộ   hát vi O nhẫn ở xã Kỳ Thư; Chúng tôi, chia làm 2  bộ phận, một bộ phận sưu tầm những câu hát ví O  Nhẫn ngày xưa, còn 1 bộ phận chuyên hát ví đây là lực lượng trẻ có năng khiếu trên địa bàn tham gia biểu diễn ở các ở các hoạt động địa phương cũng như lễ hội”.

Liên hoan dân ca Ví Giặm -một trong những hình thức bảo tồn hát ví O Nhẫn ở huyện Kỳ Anh.

Hòa chung với dòng chảy của thời gian, dân ca Ví Giặm Nghệ Tĩnh đã được UNESCO  công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Điều đó chứng tỏ, dân ca Ví Giặm luôn  trường tồn trong đời sống sinh hoạt của bà con nhân dân từ xưa tới nay. Ngày nay, dân ca ví giặm không chỉ được biển diễn ở các đình làng, hay hát đối đáp nhau trong lao động, sản xuất  hay trong sinh hoạt thường ngày. Mà dân ca ví Giặm đã được trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân xứ nghệ nói chung và hát ví O Nhẫn ở Kỳ Anh nói riêng.

Phong trào hát dân ca được phổ biến đến các trường học. Mỗi giờ học văn, học sử hay âm nhạc, các thầy cô giáo nơi đây luôn lồng ghép, giới thiệu những làn điệu hát ví, hát giặm đến các em học sinh.  Bằng những giai điệu tha thiết, bằng những lời ca mộc mạc, thân tình, ví, giặm như thứ  “ Lạt mềm buộc chặt”, lay động mọi tâm tư nỗi niềm, trở thành hướng quy chuẩn cho các hành vi ứng xử của con người trong cộng đồng. Chất giáo huấn, triết lý của ví, giặm đi vào lòng người một cách tự nhiên chứ không hề gượng ép, góp phần không nhỏ trong việc thanh lọc tâm hồn, nuôi dưỡng trí tuệ, hình thành nên nhân cách con người Kỳ Anh.

Không chỉ đi vào đời sống cộng đồng trên chính quê hương mà Dân ca Ví, Giặm xứ Nghệ nói chung và hát ví O Nhẫn nói riêng còn được bảo lưu, gìn giữ và phát huy bởi cả cộng đồng người dân xứ Nghệ. Đồng thời, Dân ca Ví, Giặm là cảm hứng, chất liệu để nhiều nhà thơ, nhạc sĩ sáng tác nên những áng thơ, ca khúc đậm chất trữ tình, làm say đắm lòng người. Cô giáo Nguyễn Thị Thanh Mai – Hiệu trường Trường Trung học Cơ Sở Kỳ Tân-  huyện Kỳ Anh cho biết; “ Hát ví O Nhẫn là những làn điệu dân ca có từ lâu đời ở làng Đan Du. Đây là 1 hình thức hát đối đáp  giao duyên trong các buổi sinh hoạt  cộng đồng , trong các buổi hò hẹn của các đôi  nam thanh nữ tú. Chúng tôi mong muốn các làn điệu dân ca được đưa vào giảng dạy trong các nhà trường. Ở trường Trung học Cơ sở Kỳ Tân chúng tôi; Các làn điệu dân ca đã được vào trong các trường học, đặc biệt là hát ví O Nhẫn chúng tôi rất mong muốn tất cả các trường học sử dụng làn điệu dân ca trong các câu lạc bộ và đặc biệt khôi phục các làn điệu cho các em để bảo tồn các làn điệu hát ví O Nhẫn”.

Hát ví O Nhẫn được đưa vào giảng dạy ở Trường THCS Kỳ Tân- huyện Kỳ Anh.

Điều đó khẳng định rằng dù có nguy cơ mai một, môi trường và không gian diễn xướng thay đổi, nhưng với sức sống mãnh liệt được tạo dựng, bồi đắp qua nhiều thế kỷ, Dân ca Ví, Giặm nói chung và hát ví O Nhẫn vẫn luôn trường tồn và phát huy trong đời sống cộng đồng cư dân xứ Nghệ nói chung và Kỳ Anh nói riêng. Bảo tồn và phát huy hát ví O Nhẫn hiện này là việc làm cần thiết và có ý nghĩa to lớn đối việc việc lưu giữ, duy trì một thể loại âm nhạc dân gian của 1 vùng quê giàu truyền thống văn hóa./.

Mạnh Hải- Phạm Tuấn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP