Huyện Hương Sơn có hơn 60 hồ bị cạn nước, trong đó có những hồ lớn như Khe Cò, Khe Mơ (xã Sơn Hàm), đập Liên Hoàn (Sơn Thủy). Trong ảnh là đập Liên Hoàn, mực nước cao trung bình 5,6 m, nhưng hiện chỉ còn xấp xỉ vài chục cm, nhiều chỗ trơ trọi cồn đất.
Nước cạn, nhiều người dân đã tranh thủ ra hai bờ sông để khai thác cát. “5 năm qua, đây là lần hạn hán đỉnh điểm. Chưa năm nào bờ sông lại cạn trơ đáy như tại thời điểm tháng 6 này”, anh Nguyễn Văn Tiến (45 tuổi, xã Sơn Thủy) nói.
Nhiều cống điều tiết nước thuộc các hồ thủy lợi ở huyện Hương Sơn khô đáy. Công ty Thủy lợi Bắc Hà Tĩnh đang có phương án bơm nước từ sông Ngàn Phố về trữ vào các ao hồ nhỏ để phục phụ tưới tiêu.
Ruộng đồng huyện Hương Sơn nhiều chỗ khô cháy, 812 ha đất nông nông nghiệp không có nước gieo cấy phải để hoang. Trâu bò đang đứng trước nguy cơ thiếu nước uống. “Một số hộ dân đã khoan thêm giếng để phục vụ sinh hoạt. Lo nhất là những đàn trâu bò, nếu thời gian tới trời không đổ mưa thì sẽ rất nguy hiểm”, ông Trương Kế Bảo, Chủ tịch UBND xã Sơn Thủy nói.
Ở thị xã Hồng Lĩnh, hồ cấp nước sạch Thiên Tượng cũng chịu cảnh chung của nắng hạn. Nước ở hai bên bờ hồ đã rút, việc cung cấp nước sinh hoạt cho người dân đang phải cầm chừng.
Là một trong những hồ có trữ lượng nước lớn nhất tỉnh Hà Tĩnh, tuy nhiên nắng nóng, hạn hán kéo dài khiến hồ Kẻ Gỗ (huyện Cẩm Xuyên) cũng bị thiếu hụt nước. Ông Nguyễn Chí Linh, Trạm trưởng trạm bơm đầu mối Kẻ Gỗ cho biết, diện tích lưu vực của hồ là 223 km, trung bình hồ đạt 32,5 m nước. Ở huyện Cẩm Xuyên tình trạng hạn hán xảy ra chưa nhiều, nhưng do phải mở nước tưới cho vụ hè thu nên lượng nước chỉ còn 25,36 m.
Đức Hùng/ VnExpress