Tin Hà Tĩnh

Hàng loạt 'trung tâm' ngoại ngữ dạy ‘chui’ ở Hà Tĩnh: Cơ quan chức năng vào cuộc

Không chỉ thị xã Kỳ Anh mà tại huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh), nhiều trung tâm chưa có giấy phép của cơ quan chức năng đã tổ chức dạy tiếng Trung cho nhiều học viên. Thực trạng đáng báo động này đã được cơ quan chức năng Hà Tĩnh vào cuộc xử lý.

Chuyển trụ sở sau khi “động”

Phản ánh với PV, nhiều học sinh ở huyện Cẩm Xuyên muốn theo học tiếng Trung nhưng sợ “tiền mất tật mang” vì hầu hết các cơ sở đào tạo tiếng Trung ở địa phương này chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp phép.

Bảng hiệu dựng bên trong địa điểm mới của Trung tâm tiếng Trung P.N.

Để làm rõ những thông tin phản ánh, ngày 30/3, PV Báo Đại Đoàn Kết đã có mặt trực tiếp tại 2 trung tâm trên địa bàn Cẩm Xuyên với vai trò là người đang có nhu cầu học tiếng Trung để tìm hiểu thông tin.

Theo quảng cáo trên fanpage của Cơ sở tiếng Trung P.N., tìm đến địa chỉ số 54 Hà Huy Tập (thị trấn Cẩm Xuyên) nhưng cơ sở này đã đóng cửa, bảng biển quảng cáo cũng đã được tháo dỡ từ lúc nào. Nơi đây chỉ còn lại một căn nhà 2 tầng đóng kín cửa.

Bên ngoài "trung tâm" tiếng Trung P.N. không có bảng hiệu.

Khi thấy PV đang tìm kiếm, một người đàn ông ở cạnh đấy liền hỏi “Chú tìm chỗ dạy tiếng Trung phải không?”, đáp lời người đàn ông, chúng tôi được chỉ dẫn về số 18 Nguyễn Đình Liễn (thị trấn Cẩm Xuyên).

Ghi nhận thực tế cho thấy, hệ thống bảng biển phía bên ngoài của cơ sở chưa có, bên trong có một chiếc bảng lớn ghi tên “Tiếng Trung P.N.” được dựng ở sân và một bảng nhỏ hơn treo lên tường, phía dưới đặt bàn tư vấn.

Nhiều học viên đang theo học trong các phòng học của trung tâm không phép P.N..

Chị N.T.Tr. (phụ trách Cơ sở tiếng Trung P.N.) giới thiệu về các gói học phí, thời gian học và những quyền lợi của học viên khi tham gia khoá học.

Theo chị Tr., cơ sở tiếng Trung P.N. được thành lập vào đầu năm 2022, đến hiện tại đã có khoảng 12 khoá học, mỗi khoá có từ 15-20 học viên tuỳ theo từng đợt đăng ký. Tại cơ sở này đang có 3 giáo viên trong đó có 2 giáo viên người Việt và một giáo viên người Trung Quốc thường xuyên thay nhau giảng dạy.

Theo chị Tr., trung tâm có nhiều cấp độ và mức học phí của từng khoá học, trong đó có 3 cấp độ chính là khoá học 2 tháng với mức học phí 5 triệu đồng, trình độ tương đương HSK 2; khóa học 4 tháng với mức giá 15 triệu đồng, trình độ tương đương HSK 3 và khoá học 6 tháng với mức giá 20 triệu đồng, trình độ tương đương HSK 4.

Căn nhà mới thuê của "trung tâm" N.P.

Hình thức nộp tiền được chia làm 2 đợt, mỗi học viên có thể chuyển khoản hoặc nộp trực tiếp và được cơ sở ghi phiếu thu. “Những bạn muốn tham gia học tiếng Trung tại cơ sở chúng tôi sẽ được học thử 6 ngày đầu tiên, nếu các bạn thấy hài lòng về chất lượng, cơ sở mới tiến hành thu tiền”, chị Tr. mời chào.

Cũng theo chị Tr., tất cả các học viên khi tham gia sẽ theo thời gian học là 6 ngày/tuần và ca học sẽ sắp xếp tuỳ theo từng lớp, cơ sở cũng sẽ đảm bảo nếu học viên học chậm sẽ được học lại khoá sau miễn phí, cam kết không phát sinh chi phí cho đến khi xuất cảnh.

Khi hỏi về việc cấp chứng chỉ sau khi kết thúc khoá học, chị Tr. nói: “Chúng tôi chỉ có thể cấp giấy chứng nhận thôi, nói thật ra giấy chứng nhận này cũng chẳng có giá trị gì cả. Nếu học viên muốn có chứng chỉ bắt buộc phải tham gia thi tại các đơn vị đủ thẩm quyền như ở Hà Nội, Đà Nẵng hay TP HCM…”.

Học viên học tiếng Trung tại trung tâm không phép N.P.

Còn anh L.N.V., Giám đốc Trung tâm Đào tạo tiếng Trung N.P. chào mời với mức giá 15 triệu đồng cho khoá học 5-6 tháng. Học viên nếu đăng ký sẽ đặt cọc trước 2 triệu và sau khi mở lớp sẽ đóng nốt số tiền còn lại.

Theo anh V., Trung tâm Đào tạo tiếng Trung N.P. đã hoạt động được 2 năm với 2 giáo viên thực hiện công tác giảng dạy. Những học viên sau khi kết thúc khoá đào tạo sẽ có trình độ tương đương HSK 4.

Học viên N.K.T. (26 tuổi, trú tại xã Cẩm Thịnh, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh) cho biết, thông qua bạn bè giới thiệu nên T. đã đến đăng ký và học tại Trung tâm Đào tạo tiếng Trung N.P. từ 2 tháng trước. “Khi đăng ký tham gia, bên phía trung tâm đã thoả thuận mức học phí 14 triệu đồng cho khoá học 6 tháng. Vì gia đình chưa chuẩn bị sẵn tiền nên em chia làm nhiều đợt để đóng học phí. Hiện tại em vẫn đang tham gia học tại trung tâm”, N.K.T. nói.

Sau khi đã có đầy đủ thông tin đúng như phản ánh, PV Đại Đoàn Kết đã gọi điện thoại để đăng ký làm việc với Trung tâm Đào tạo tiếng Trung N.P. nhưng bị từ chối gặp làm việc. “Chúng tôi chỉ mới có giấy phép đăng ký kinh doanh, còn hồ sơ thành lập trung tâm đang trong quá trình hoàn thiện để được cấp phép”, anh L.N.V. nói.

Anh L.N.V., Giám đốc Trung tâm Đào tạo tiếng Trung N.P. quảng bá trung tâm đã hoạt động được 2 năm.

Khi được hỏi lý do vì sao các cơ quan chức năng đã từng yêu cầu trung tâm đóng cửa cho đến khi hoàn thiện mọi thủ tục nhưng đơn vị không thực hiện vẫn tổ chức đào tạo? “Anh thông cảm, nếu vậy chúng tôi sẽ tạm dừng không giảng dạy nữa”, anh V. nói.

Còn bên phía Cơ sở tiếng Trung P.N., PV nhiều lần gọi điện và đến cơ sở đào tạo nhưng chỉ thấy học viên và giáo viên không có người phụ trách để trả lời thông tin phản ánh.

Chấn chỉnh hoạt động dạy “chui”

Đến thời điểm này, Sở GD&ĐT Hà Tĩnh đã cấp phép cho 66 trung tâm ngoại ngữ, trong đó có 2 trung tâm đang bị đình chỉ hoạt động (Trung tâm ngoại ngữ Alivia và Trung tâm ngoại ngữ Apax Leaders ở TP Hà Tĩnh).

Sở GD&ĐT Hà Tĩnh thường xuyên kiểm tra hoạt động của các trung tâm ngoại ngữ trên địa bàn. Gần đây nhất, đầu tháng 3/2023, sau khi có ý kiến phản ánh của người dân, đoàn liên ngành của Sở GD&ĐT Hà Tĩnh, Công an tỉnh… tiến hành kiểm tra đột xuất một số cơ sở, trung tâm ngoại ngữ không phép.

Theo lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Tĩnh, các cơ sở, trung tâm này hoạt động hết sức tinh vi, thời điểm đoàn kiểm tra, các cơ sở đó tháo dỡ hết các biển bảng, tạm dừng hoạt động hoặc chuyển sang dạy học vào ban đêm để “lách” đoàn kiểm tra.

Cần chấn chỉnh trình trạng "gắn mác" trung tâm ngoại ngữ để dạy "chui".

Tuy nhiên, đoàn có làm việc với một số trung tâm, qua đó yêu cầu chấp hành các quy định pháp luật, tiến hành làm thủ tục để được cấp phép hoạt động.

Ngay sau đợt kiểm tra, Sở GD&ĐT Hà Tĩnh yêu cầu các địa phương tiến hành rà soát các cơ sở, trung tâm ngoại ngữ “chui”. Bước đầu, đơn vị này xác định, các trung tâm không phép chủ yếu dạy tiếng Trung và ở địa bàn thị xã Kỳ Anh, huyện Cẩm Xuyên.

Theo Phòng GD&ĐT thị xã Kỳ Anh, địa phương hiện có 8 cơ sở đào tạo ngoại ngữ, trong đó có 4 cơ sở không phép. Ngoài cơ sở của anh H.K.T., chị N.T.T.D. (Công ty TNHH đào tạo và cung ứng nguồn lao động KB) như Đại Đoàn Kết Online phản ánh còn có Cơ sở Tiếng Trung P.Đ. ở đường Quang Trung, phường Kỳ Liên và Trung tâm ngoại ngữ AKRI (do bà L.K.H. làm chủ) ở phường Kỳ Long.

Chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp phép nhưng nhiều "trung tâm" vẫn hoạt động hết công suất.

Còn tại huyện Cẩm Xuyên chỉ có 2 trung tâm được Sở GD&ĐT Hà Tĩnh cấp phép hoạt động là chi nhánh Trung tâm ngoại ngữ Galaxy (số 26, đường Hà Huy Tập, thị trấn Cẩm Xuyên) và Trung tâm ngoại ngữ Tokyo (tổ dân phố 9, thị trấn Cẩm Xuyên và xã Cẩm Trung, Cẩm Xuyên).

Trung tâm ngoại ngữ P.N. và N.P. (thị trấn Cẩm Xuyên) đều chưa được cấp phép. Các hoạt động dạy học của 2 trung tâm này đều vi phạm pháp luật.

Trường hợp tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân mở trung tâm tiếng Trung mà chưa được sự cho phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì sẽ bị xử lý vi phạm hành chính theo quy định tại khoản 2 Điều 5 Nghị định 04/2021/NĐ-CP đối với hành vi thành lập hoặc cho phép thành lập; giải thể tổ chức thực hiện dịch vụ giáo dục khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép sẽ bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng căn cứ vào hành vi vi phạm. Ngoài ra sẽ áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là trả lại số tiền đã thu từ người học.

Tác giả: CẨM KỲ - HẠNH NGUYÊN

Nguồn tin: Báo Đại đoàn kết

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP