"Trung tâm" đào tạo tiếng Trung của chị Nguyễn Thị Thu D. (thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh) dạy vào ban đêm với rất đông học viên. |
Thuê phòng nhỏ lẻ để dạy tiếng Trung
Một trong những ngoại ngữ đang được dạy phổ biến ở Hà Tĩnh là tiếng Trung do những năm gần đây nhu cầu người học tăng cao đột biến. Thị xã Kỳ Anh - nơi có Khu kinh tế Vũng Áng sôi động - việc dạy và học tiếng Trung phổ biến hơn các địa phương khác.
Bên trong căn phòng nhỏ lẻ có hàng chục học sinh đang được anh Hoàng Kim T. dạy tiếng Trung. |
Gồm: Trung tâm ngoại ngữ King Bee ở phường Sông Trí; Chi nhánh Trung tâm ngoại ngữ quốc tế Ocean Edu ở tổ 3 phường Sông Trí; Trung tâm ngoại ngữ Thu Phương ở 489 Lê Thái Tổ, phường Kỳ Thịnh và Trung tâm ngoại ngữ Phú Gia Vinh ở số nhà 636, Lê Đại Hành, phường Sông Trí.
Các trung tâm, điểm dạy ngoại ngữ không thuộc 4 địa điểm chỉ nói trên đều là không phép, dạy “chui”. Điểm dạy học của anh Hoàng Kim T. (phường Kỳ Liên, thị xã Kỳ Anh) là một điển hình. Người đàn ông này thuê 4 điểm khác nhau để dạy thêm.
Địa chỉ cụ thể tại số nhà 54 và số 45 đường Quang Trung, tổ dân phố Liên Phú, phường Kỳ Liên; Phòng số 1 và 4, số nhà 47, đường Quang Trung, tổ dân ph Liên Phú, phường Kỳ Liên.
Xe máy của học sinh tấp đầy ngoài sân. |
Chiều 24/3, PV ghi nhận tại căn phòng nhỏ chưa đầy 30m2 (một trong 4 phòng dạy học của anh Hoàng Kim T.) ở mặt đường ở QL1A (cách ngã ba Formosa vài chục mét) có hàng chục học sinh đến theo học. Anh T. trực tiếp đứng lớp dạy tiếng Trung cho học sinh là người địa phương.
“Tôi không treo bảng biển gì cả, cũng không mở trung tâm mà chỉ dạy dựa vào tiếng tăm và kinh nghiệm 2 năm làm trong Công ty Formosa” - Hoàng Kim T. nói.
Vị “giáo viên” này cho hay, anh mở lớp dạy tiếng Trung nhiều năm nay, chia thành 3 ca học (sáng, chiều, tối). “Trước Tết, đoàn kiểm tra của tỉnh có đến kiểm tra chỗ dạy học của tôi nhưng tôi không treo bảng biển gì cả”, anh T. thông tin.
Theo lời anh Hoàng Kim T., hiện anh đang hoàn tất hồ sơ để được cấp giấy phép. Tuy nhiên, trong lúc chờ đợi để được cấp phép, anh T. vẫn đang “tranh thủ” dạy hết công suất.
Trả lời câu hỏi: “Anh có cấp chứng chỉ cho học sinh sau khi hoàn thành khóa học không?”, anh T. trả lời: “Tôi chỉ dạy tiếng Trung để học sinh, lao động xin việc tại các công ty hoặc xuất khẩu lao động chứ không cấp chứng chỉ”.
“Núp bóng” công ty
Cách điểm dạy học của anh Hoàng Kim T. không xa là điểm đào tạo tiếng Trung “đội lốt” Công ty TNHH đào tạo và cung ứng nguồn lao động KB ở TDP Liên Giang, phường Kỳ Long (thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh).
Tiếng trung KB cũ vẫn còn bảng biển nhưng lớp học đã chuyển đi nơi khác. |
Theo chỉ dẫn của người dân, chúng tôi tìm đến địa điểm công ty. Tuy nhiên, bảng hiệu Công ty TNHH đào tạo và cung ứng nguồn lao động KB được treo trang trọng phía trên căn nhà ở trong ngõ nhỏ đường Lê Thái Tổ, phường Kỳ Long nhưng phía dưới công ty “cửa đóng then cài”, không một bóng người.
Người phụ nữ ở căn nhà đối diện cho hay, chỗ dạy tiếng Trung này giờ không hoạt động ở đây nữa mà chuyển sang ngõ đối diện.
Địa điểm mới không hề treo bảng biển nhưng rất đông học sinh đang theo học. |
Tìm đến con ngõ đối diện, tại số nhà 03, ngõ 799, đường Lê Thái Tổ, chúng tôi thấy hàng loạt xe máy tấp bên đường. Phía trong dãy phòng trọ xập xệ của căn nhà có 2 lớp học tiếng Trung với trên dưới 30 học sinh đang học.
Chủ nhà kiêm “môi giới” cho trung tâm này cho hay: Gia đình bà cho thuê phòng trọ, trung tâm tự cải tạo để tạo thành các lớp học tiếng Trung.
|
Hai lớp học với trên dưới 30 học viên của "trung tâm" đang học bên trong dãy phòng trọ. |
Vị chủ nhà giới thiệu, mỗi khóa học là 15 triệu đồng, nộp trực tiếp cho chị Thu D. Học ở đây không giới hạn số buổi, họ cam kết đào tạo tiếng Trung để thi đậu cho các đơn xuất khẩu lao động.
Đi sâu vào dãy phòng trọ nhỏ hẹp, ẩm thấp, chúng tôi ghi nhận tại đây đang có 2 lớp học. Anh H. giáo viên dạy thực hành trên máy tính cho biết, trung tâm có khoảng 7-8 giáo viên, hiện đã đào tạo đến khóa 35, chuẩn bị mở khóa 36 và 37 vào tháng 4/2023 này. Trung tâm dạy liên tục 3 ca sáng, chiều, tối. Mỗi lớp có khoảng 20-30 học sinh.
Tranh thủ giờ giải lao, một nam sinh vừa học được 2 tháng ở đây cho hay, trung tâm thu 15 triệu đồng/khóa/học sinh, cam kết thi đậu phỏng vấn xuất khẩu lao động, không kể thời gian học bao lâu nhưng bình quân từ 4-6 tháng. “Em chưa có đủ tiền nên mới chuyển khoản được 2 triệu đồng” - nam sinh này nói.
Theo học sinh và giáo viên ở đây, muốn đăng ký học, nộp học phí thì liên hệ trực tiếp với chị Nguyễn Thị Thu .D. Liên lạc qua điện thoại, chị D. cho hay, chị đang làm hồ sơ để nộp cơ quan chức năng…!?.
|
Facebook của chị Nguyễn Thị Thu D. thường xuyên tuyển học viên, giáo viên. |
“Hôm trước công an đến kiểm tra, nhắc nhở và cho tôi 1 tháng để làm giấy tờ” - chị D. nói.
Trước câu hỏi: Tại sao chưa có giấy phép hoạt động mà chị đã tổ chức dạy học? Bằng giọng thách thức, chị Nguyễn Thị Thu D. nói: “Việc đó chị cứ báo lên trên đi…!”.
Danh sách cấp phép của Sở GD&ĐT Hà Tĩnh không có Công ty TNHH đào tạo và cung ứng nguồn lao động KB, tuy nhiên, theo tìm hiểu, với danh nghĩa công ty này, chị Nguyễn Thị Thu D. đã tổ chức đào tạo tiếng Trung nhiều năm nay với hàng trăm học sinh theo học.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Chung, Phó Chủ tịch UBND thị xã Kỳ Anh cho hay, địa phương đang kiểm tra, rà soát tất cả các tổ chức, cá nhân dạy ngoại ngữ trên địa bàn.
Tác giả: Hạnh Nguyên - Cẩm Kỳ
Nguồn tin: Báo Đại Đoàn Kết