Hà Tĩnh ngày nay

Hà Tĩnh xây trụ sở ngàn tỷ: Nơi cũ xuống cấp nghiêm trọng?

Ngày 9/4, trao đổi với Đất Việt, ông Lê Minh Đạo, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Hà Tĩnh cho biết, hiện tỉnh mới đang chuẩn bị lập quy hoạch dự án.

Nhiều trụ sở của các sở, ngành mới xây nhưng Hà Tĩnh có kế hoạch xây dựng trung tâm hành chính với số vốn đầu tư dự kiến 1.500 tỷ đồng.

“UBND tỉnh đã giao cho Sở Xây dựng lựa chọn vị trí khu đất để lập quy hoạch dự án trên cơ sở quy hoạch chung của thành phố để lựa chọn. Tỉnh cũng chưa xác định nguồn vốn, sau khi lập dự án mới xác định”.

Về phương án xử lý đối với trụ sở cũ của các sở, ban, ngành sau khi xây dựng trung tâm hành chính, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Hà Tĩnh cho biết: “Cái này phải đưa vào phương án chung. Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh có nhiều trụ sở cơ quan xây dựng từ năm 1991, từ hồi tách tỉnh, điều kiện rất xuống cấp. Việc xây dựng cùng một lúc tất cả các trụ sở mới của các sở sẽ tốn nhiều đất. Tỉnh đang tính phương án làm một khu chung cho các sở chuyển về. Hiện nay Hà Tĩnh mới đang quy hoạch, lập phương án, chưa có gì cụ thể”.

Ông Lê Minh Đạo cũng cho rằng, việc xây dựng khu trung tâm hành chính tập trung sẽ giúp cho người dân dễ tiếp cận với cơ quan công quyền, mọi thứ đều thuận tiện hơn, kể cả hạ tầng sẽ dùng chung như hội trường, phòng họp…

Trụ sở hiện tại của Sở Nông nghiệp Hà Tĩnh. Ảnh: VNN
Trụ sở hiện tại của Sở Nông nghiệp Hà Tĩnh. Ảnh: VNN

Điều đáng lưu ý, nhiều trụ sở cơ quan nhà nước tại Hà Tĩnh như Sở Nông nghiệp, Cục Thuế Hà Tĩnh, Chi cục Thuế TP Hà Tĩnh, VKSND tỉnh, tỉnh đoàn, Cục Thống kê… xây dựng mới chưa được bao lâu. Báo VietNamNet cuối năm 2014 còn có loạt bài phản ánh tình trạng trụ sở cũ của các cơ quan này tại các tuyến đường trung tâm như đường Phan Đình Phùng, Đặng Dung hay Nguyễn Công Trứ, Trần Phú bị bỏ hoang nhiều năm sau khi các đơn vị này chuyển sang trụ sở mới. Câu hỏi được đặt ra là: trụ sở hiện tại của các đơn vị nêu trên sẽ dùng vào việc gì sau khi Hà Tĩnh xây trung tâm hành chính?

Về vấn đề này, ông Lê Minh Đạo trả lời: “Trước mắt, các đơn vị đang có trụ sở vẫn làm việc ổn định bình thường, kể cả UBND. Xây dựng trung tâm hành chính cũng chia làm nhiều giai đoạn, giai đoạn 1 tỉnh có thể bố trí cho các sở, ngành có trụ sở đã xuống cấp nghiêm trọng, cần chuyển địa điểm (khoảng 8-10 sở, ngành) chứ không phải tất cả đều tập trung vào trung tâm hành chính một lúc được”.

Tuy nhiên, đến thời điểm tất cả các sở, ngành tập trung vào trung tâm hành chính, trụ sở cũ xử lỷ thế nào thì ông Đạo cho biết “phải có phương án cụ thể, bây giờ chưa thể trả lời được”.

Trao đổi với Đất Việt, Ths Bùi Ngọc Sơn – Trưởng phòng Kinh tế Quốc tế, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính trị thế giới nói thẳng: “Xây trụ sở vừa được ở nhà lớn, vừa tăng GDP, lại được báo cáo thành tích thì tội gì không làm?”.

Ông Sơn lý giải, ở Việt Nam cách tính GDP rất lạ, chỉ cần phá đi xây lại một con đường, cậy vỉa hè lên rồi lại lát xuống… chỉ cần có quyết toán chi phí là làm tăng GDP.

“Tại sao, tỉnh này xin xây dựng khu chế xuất, tỉnh khác lại xin xây khu công nghiệp, hết cái xây lại quay sang làm sân bay, bến cảng. Tức là phải nghĩ mọi cách kể cả đập đi xây lại là để có được GDP, để được báo cáo thành tích”, ông Sơn nói.

Cùng quan điểm, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cũng cho rằng, xây dựng cơ bản có mối liên hệ rất chặt chẽ với chỉ tiêu tăng trưởng GDP của địa phương.

Theo cách tính GDP của Việt Nam, GDP là tổng sản phẩm quốc nội của một địa phương do đó tất cả những chi phí xây dựng cơ bản, thu nhập của người dân… đều được tính vào tăng trưởng GDP. Tuy nhiên, vị chuyên gia này cảnh báo đó là sự tăng trưởng không bền vững, nó chỉ làm tăng GDP tại một thời điểm nhất định.

Tại kỳ họp thứ 11 nhiệm kỳ 2011 – 2016 để đánh giá về tình hình, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng – an ninh năm 2014 của Hội đồng nhân dân tỉnh Hà Tĩnh, ông Võ Kim Cự, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh cho biết, tốc độ tăng trưởng GDP của tỉnh Hà Tĩnh trong năm 2014 ở mức cao, đạt 25,89% so với năm 2013.

Tổng thu ngân sách cả năm 2014 của tỉnh đạt trên 12.500 tỷ đồng, bằng 176% kế hoạch HĐND tỉnh giao, 254% kế hoạch Trung ương giao và gấp 2,3 lần số thu năm 2013.

Theo Chủ tịch tỉnh Hà Tĩnh, mức tăng trưởng kinh tế năm 2014 của Hà Tĩnh thuộc nhóm cao của cả nước, và là cao nhất của khu vực Bắc Miền Trung.

  • Minh Thái

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP