>> Hà Tĩnh: Bị hại và bị cáo đồng loạt kêu oan cho em học sinh bị kết tội “cướp tài sản”
Theo tài liệu PV có được, ngày 9/9/2015 Cơ quan CSĐT, Công an huyện Hương Khê đã ra quyết định khởi tố hình sự đối với Phạm Hồng Tuấn và Phan Văn Đạt về tội “Cưỡng đoạt tài sản”.
Đến ngày 14/10/2015, Cơ quan CSĐT, Công an huyện Hương Khê bất ngờ thay đổi quyết định khởi tố bị can từ “Cưỡng đoạt tài sản” sang “Cướp tài sản” đối với Tuấn và Đạt.
Đến ngày 22/12/2015, Cơ quan này tiếp tục ra quyết định khởi tố bị can đối với em Lê Văn Khánh về tội “Cướp tài sản”.
Đến cuối tháng 3/2016, TAND huyện Hương Khê đã mở phiên xét xử và tuyên Phan Văn Đạt 42 tháng tù giam, Phạm Hồng Tuấn 36 tháng tù giam và em Lê Văn Khánh 27 tháng tù giam về tội “cướp tài sản”.
Thế nhưng điều bất ngờ và kỳ lạ là trước đó, 3 ngành: Cơ quan CSĐT, VKSND và TAND đã họp và thống nhất giải quyết vụ án “cướp tài sản” xảy ra tại xã Phúc Đồng, huyện Hương Khê.
Cụ thể, vào lúc 9h30 ngày 21/12/2015, tại Công an huyện Hương Khê tổ chức cuộc họp 3 ngành Cơ quan CSĐT, VKSND và TAND tiến hành họp bàn thống nhất một số nội dung liên quan đến vụ án Cướp tài sản xảy ra ngày 19/7/2015 tại xã Phúc Đồng. Theo đó, 3 ngành thống nhất kết luận em Lê Văn Khánh phạm tội đồng phạm về hành vi “cướp tài sản”(?)”.
Tại cuộc họp này ông Nguyễn Đình Khoa, Viện phó VKSND huyện Hương Khê kết luận rằng: “Lê Văn Khánh không can ngăn Tuấn và Đạt mà còn có vai trò giúp sức để Tuấn và Đạt có thời gian khống chế không cho Tý chạy, vai trò của Khánh tham gia là để tạo số đông gây áp lực cho Tý. Khánh đồng phạm”.
Bà Trinh Thị Thiện, Chánh án TAND huyện Hương Khê cũng kết luận: “Quá trình diễn biến sự việc tại quán bi-a, Khánh hiểu và chấp nhận giúp sức về mặt tinh thần để Tuấn và Đạt thực hiện hành vi lấy tiền của Tý, lấy số đông để đè bẹp sự kháng cự…. Khánh không thể hiện bằng lời nói cụ thể nhưng đã có hành động giúp sức cho Tuấn và Đạt thực hiện việc cướp tiền của Tý”.
Việc lãnh đạo 3 ngành:Công an, TAND và VKSND cùng thống nhất một bản kết luận liên quan đến một vụ án khi phiên tòa chưa được mở là điều hết sức phi lý và kỳ lạ nhất từ trước tới nay trong vấn đề tố tụng. Bởi Hiến pháp Việt Nam quy định thẩm phán, HĐXX độc lập và chỉ tuân theo pháp luật. Việc này làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình xét xử của vụ án, nghĩa là không cần mở phiên tòa, bị cáo đã được khẳng định là có tội nên việc mở phiên tòa có phải chỉ là hình thức?
Bỏ lọt nhiều nhân chứng quan trọng
Trong vụ án cướp tài sản xảy ra tại xã Phúc Đồng, huyện Hương Khê, có nhiều nhân chứng có mặt, chứng kiến từ đầu đến cuối song cơ quan tố tụng không lấy lời khai từ những nhân chứng này.
Trước khi xảy ra sự việc, Lê Văn Khánh, Lê Quang Linh và Lê Hữu Danh đi trên cùng chiếc xe máy do Phan Văn Đạt cho mượn. Sau khi vào đổ xăng xong thì chạy ra nhóm của Khánh không thấy thấy Tuấn và Đạt ở đâu. Sau quan sát một lúc thì thấy Tuấn và Đạt ở trong quán bi-a nên nhóm của Khánh quay xe chạy lại quán để xem đánh bi-a.
Toàn bộ diễn biến vụ việc được Khánh, Linh, Danh và rất nhiều người dân chứng kiến. Trong bản lời khai của em Lê Văn Khánh cũng đã nói rõ khi xảy ra vụ cướp tài sản thì anh Linh, anh Danh và rất nhiều người dân có mặt tại hiện trường.
Nhân chứng Lê Hữu Danh cho biết: “Vào ngày 19/7/2015, trong lúc đi xem đá bóng ở sân nhân tạo Hương Long, khi đi qua quán cà phê NeW ở xóm 6, xã Phúc Đồng thấy đông người tụ tập thì tôi đứng lại xem. Thấy Tuấn và Đạt ở trong quán. Tôi thấy Khánh đứng ngoài cổng, không thấy Khánh vào trong quán cướp tiền và đánh đập ai cả. Sau một lúc thấy Tuấn gọi Khánh vào nhờ cầm tiền, số tiền bao nhiêu thì tội không biết. Sau đó khoảng 10 phút thì Tuấn và Đạt ra lấy lại tiền, sau đó thì tôi đi xem đá bóng”.
Thế nhưng, cơ quan điều tra đã không thu thập đầy đủ các chứng cứ có lợi cho bị can mà chỉ có ý chí chủ quan buộc tội. Bởi trong tất cả các lời khai của bị hại và bị can, người chứng đều khẳng định Khánh không tham gia cướp tài sản.
Về điều này, Cơ quan điều tra, Công an huyện Hương Khê lý giải là do các nhân chứng Linh và Danh đã đi làm ăn khỏi địa bàn, nhiều lần yêu cầu các nhân chứng trở về địa phương để làm việc nhưng không được!?. Do đó, các cơ quan tố tụng đã bỏ qua những nhân chứng này.
Một trong những nguyên tắc cơ bản của cơ quan tiến hành tố tụng là phải đảm bảo tính khách quan trong công việc tìm ra sự thật của vụ án, đảm bảo thu thập đầy đủ các chứng cứ buộc tội và gỡ tội nhưng ở đây lại buộc tội em Khánh theo hướng có tội. Như thế liệu có khách quan, đúng luật?.
Một điều khá bất thường là việc cơ quan tố tụng ra lệnh bắt tạm giam Khánh là biện pháp ngăn chặn là không cần thiết và thiếu khách quan. Vì trên thực tế Khánh luôn chấp hành tốt mọi quy định của pháp luật, có mặt đầy đủ khi được cơ quan điều tra yêu cầu, có nhân thân tốt, hơn nữa Khánh đang ở tuổi chưa thanh niên. Trong khi đó, Phan Văn Đạt đã từng có 01 tiền án lại là người trực tiếp cùng với Tuấn đe dọa Tý để lấy tiền từ đầu đến khi kết thúc sự việc lại không bị bắt tạm giam.
Tất cả những điều này chứng minh về sự bất thường, có dấu hiệu oan sai, thiếu công khai minh bạch của các cơ quan tố tụng huyện Hương Khê liên quan đến bị can Lê Văn Khánh trong vụ án cướp tài sản này.
Chúng tôi sẽ tiếp tục làm rõ vụ việc này.
Xuân Sinh