>> Hà Tĩnh: Vụ học sinh bị kết tội “Cướp tài sản” – Cần xem xét lại tội danh cho bị cáo!
Bao che, bỏ lọt tội phạm?
Theo hồ sơ vụ án, chiều ngày 19/7/2015, Phạm Hồng Tuấn và Phan Văn Đạt và rất nhiều người khác vào quán bi-a Anh Nhung (xóm 6, xã Phúc Đồng). Và tại đây, tất cả đều thấy Trần Văn Giáp và Võ Văn Tý chơi bi-a với nhau bằng hình thức ăn tiền.
Trong lời khai của Tuấn và Đạt khá giống nhau, đó là đều khẳng định nhìn thấy Giáp và Tý chơi bi-a bằng hình thức ăn tiền, một cơ 3 triệu đồng.
Tuấn khai: “Khi đánh bi-a ở bàn ngoài cùng của quán bi-a Anh Nhung thì có bị can, Đạt, Linh, Khánh, Công, chủ quán là anh Anh đứng xem. Chơi bi-a lỗ bằng hình thức ăn tiền. Bị can xem cơ cuối cùng thì thấy Giáp thua, Công (em trai của Giáp, là công an đang công tác tại Công an huyện Hương Khê) cầm tiền trực tiếp đưa cho Tý 3 triệu đồng”.
Tuấn cũng khai: “Khi thấy Giáp ra về thì tôi có hỏi Giáp anh thua bao nhiêu? Anh Giáp trả lời là anh thua khoảng 20 triệu…”.
Nhân chứng Lê Đức Anh (chủ quán bi-a Anh Nhung) cũng khai nhận: “Anh Giáp và anh Tý đến quán bi-a của tôi chơi là khoảng 10h sáng, chơi qua trưa không đi ăn cơm. Tôi vẫn biết việc Giáp và Tý chơi bi-a bằng hình thức ăn tiền”.
Anh Lê Văn Hoàng (xã Hà Linh), người chứng kiến gần như từ đầu đến cuối cuộc chơi bi-a giữa Giáp và Tý thuật lại: “Bữa đó là anh Giáp và Tý chơi bi-a. Lúc đầu là cơ 500 nghìn, anh Giáp lúc đó thắng được 6 triệu. Sau đó anh Tý vào cắm xe máy cho chủ quán 6 triệu. Sau đó nâng lên cơ 1 triệu đồng. Lúc đó anh Giáp lại thua. Đánh được vài cơ thì lại nâng lên cơ 2 triệu rồi 3 triệu. Lúc đánh cơ 3 triệu anh Giáp thua 4 cơ nhưng trả có 3 cơ. Lúc chuyển lên đánh cơ 3 triệu thì anh Trần Văn Công (em trai anh Giáp) vào và cầm tiền cho Giáp và trả tiền thua bi-a cho anh của mình”. Điều trớ trêu là Trần Văn Công lại đang công tác tại Công an huyện Hương Khê!
“Khi anh Giáp hỏi anh Công là thua bao nhiêu thì anh Công trả lời là thua 14 triệu (tờ tiền 500 nghìn) còn tờ 200 nghìn thì chưa biết bao nhiêu. Anh Giáp làm bên huyện đoàn nằm trong ban tổ chức giải bóng đá nên cơ cuối cùng thua không trả tiền mà lấy lý do nằm trong ban tổ chức nên đi luôn”, nhân chứng Hoàng cho biết thêm.
Và điều này cũng đã được Tý thừa nhận trong lời khai tại Cơ quan điều tra, Công an huyện Hương Khê. “Trong quán, tôi và anh Giáp chơi bi-a bằng hình thức ăn tiền, chơi bi-a lỗ. Sau khi chơi xong thì anh Giáp thua, tôi thắng. Tôi không nhớ là thắng bao nhiêu”, Tý khai nhận.
Từ chứng cứ, nhân chứng trên có thể khẳng định vào ngày 19/7/2015 tại quán bi-a Anh Nhung, Võ Văn Tý và Trần Văn Giáp đã có hành vi đánh bạc bằng hình thức ăn tiền. Còn Trần Văn Công (cán bộ Công an huyện Hương Khê) chứng kiến hành vi đánh bạc đồng thời cầm trả tiền thua bi-a cho anh trai của mình là đồng lõa với hành vi đánh bạc.
Vậy vì sao các cơ quan tố tụng lại không điều tra, khởi tố vụ việc? Rõ ràng là đã bỏ lọt tội phạm, bao che cho các đối tượng!
Một cán bộ huyện đoàn huyện Hương Khê cho biết: “Anh Trần Văn Giáp là cán bộ đang công tác tại huyện đoàn Hương Khê. Còn em của anh Giáp là Công, đang công tác tại Công an huyện Hương Khê. Mấy ngày vừa qua có thấy anh Giáp có đi tòa làm chứng cho vụ cướp tài sản. Còn việc liên quan đến đánh bi-a thì chưa thấy có xử lý gì”.
Các bị cáo “tố” điều tra viên mớm cung
Chiều ngày 14/8, PV Dân trí tiếp tục có cuộc tiếp xúc với các bị cáo liên quan đến vụ “Cướp tài sản” nói trên. Tại đây, các bị cáo đã tố các điều tra viên trong quá trình điều tra, lấy lời khai có sự lập lờ, mớm cung.
Bị cáo Phạm Hồng Tuấn cho biết: “Em đang là sinh viên, Khánh là học sinh lại bị bắt tạm giam, còn Đạt có tiền án thì lại không. Em biết em có tội, nhưng trong vụ án này em không đáng mức phải chịu mức án này. Khi điều tra viên xuống lấy cung em thì họ nói giờ là thằng Đạt đã nói thế này thế nọ, giờ anh (Tuấn) khai đi, khai thế nào cho hai đứa phải khớp nhau để được hưởng tình tiết giảm nhẹ. Họ còn bắt bọn em ký không vào tờ giấy trắng”.
Còn em Lê Văn Khánh tố: “Lúc điều tra lấy lời khai của em, sau đó đưa sang phòng bên nộp thì họ không hề xem, họ vò lại và vứt xuống nền nhà. Lúc đó gần tối rồi, em cũng hoảng sợ, sau đó chú công an bảo em ngồi xuống, đưa cho em một tờ giấy, xong chú bắt em viết tiếp. Em viết xong thì chú đó lại vò tờ giấy và quăng đi. Sau đó chú công an bắt em cầm bút, rồi chú lấy hai bộ hồ sơ để hai bên người của chú. Sau đó chú cứ nhìn 2 bên rồi đọc cho em viết. Xong có những chi tiết cháu nói không có sao lại bảo cháu viết, thì chú công an cứ bảo viết đi, không có thì thôi chứ không sao đâu. Sau khi viết xong 2 tờ giấy 4 mặt, sau đó chú bảo cháu ký vào 4 bên của 4 tờ giấy. Đến hôm sau chú đưa ra một bộ hồ sơ nhưng trong lời khai có rất nhiều chi tiết, mẫu chữ không phải chữ của cháu. Điều tra viên nói giấy trắng mực đen rồi không chối được nữa. Lúc đó cháu cũng không biết làm thế nào nữa”.
“Lúc ở tòa cháu cũng nói là tại sao lúc lấy lời khai chú công an lại đọc cho con viết nhưng phía tòa không chấp nhận”, em Khánh kể lại sự việc.
Khi PV hỏi lời khai trong hồ sơ có giống như bản chất của sự việc, giống như lời khai ban đầu của em hay không thì em Khánh cho biết: “Có một số chi tiết đúng, còn lại rất nhiều chi tiết cháu không biết từ đâu mà có”.
Rõ ràng trong quá trình điều tra đến quá trình xét xử vụ án “Cướp tài sản” xảy ra ngày 19/7/2015 tại xã Phúc Đồng là có vấn đề, có dấu hiệu oan sai, bao che, bỏ lọt tội phạm.
Dân trí sẽ tiếp tục làm rõ vụ việc này.
Xuân Sinh