Hà Tĩnh ngày nay

Hà Tĩnh ứng phó với “mưa to là ngập”

Thực hiện Công văn số 2148/UBND-QLĐT của UBND thành phố Hà Tĩnh, trong tháng 10/2016, các phường, xã trên địa bàn đã ra quân nạo vét kênh mương, cống rãnh; làm sạch cỏ rác và vệ sinh các tuyến đường trong khu dân cư, tháo dỡ các công trình lấn chiếm, treo băng rôn, khẩu hiệu, tuyên truyền đến tận người dân.

11-5329-1479442073-3953-1479444686

Thời gian tới, UBND thành phố Hà Tĩnh yêu cầu các phường, xã có kế hoạch xử lý cụ thể các điểm vi phạm, hoàn thành trước 20/11/2016 và xem đây là tiêu chí để bình xét cuối năm.

Bên cạnh việc làm thay đổi ý thức người dân, để phần nào giải quyết tình trạng úng ngập hiện nay, Dự án “Quản lý nguồn nước tổng hợp và phát triển đô thị trong mối liên hệ với biến đổi khí hậu tại tỉnh Hà Tĩnh” (IWMC) đã tiến hành các nghiên cứu và đề xuất các giải pháp công trình và phi công trình nhằm đảm bảo tiêu thoát nước cho thành phố trong điều kiện hiện tại cũng như bối cảnh biến đổi khí hậu.

Theo đó, các giải pháp công trình nhằm cải tạo hệ thống hiện trạng, xây dựng mới các công trình cống, kênh tiêu, hồ điều hòa, trạm bơm cần thiết.

Một số công trình được ưu tiên triển khai như: Xây dựng hồ điều hòa Đập Bợt (Thạch Quý) và hồ điều hòa Bến Đá (Thạch Đồng); nâng cấp tuyến kênh thoát nước phía Tây thành phố Hà Tĩnh; xây dựng Cống Đập Hầu xã Thạch Trung. Ngoài ra, dự án cũng đề xuất ưu tiên xây dựng trạm bơm số 2 (từ cống Đập Bợt ra sông Rào Cái) và trạm bơm số 3 từ cống Vạn Hạnh ra sông Cày nhằm kiểm soát vị trí cuối tuyến T4.

Dự án cũng sẽ triển khai các giải pháp phi công trình như: Xây dựng vườm ươm và trồng rừng ngập mặn tại xã Thạch Môn; quy hoạch công viên rừng ngập mặn (khu vực bãi lầy dọc sông Rào Cái đoạn từ cầu Hộ Độ đế cầu Cửa Sót Thạch Đỉnh); xây dựng Quỹ tín dụng xanh nhằm mục tiêu xây dựng thành phố xanh, thân thiện với môi trường làm tăng khả năng thấm của bề mặt khi xảy ra mưa, làm giảm tải áp lực lên hệ thống thoát nước của thành phố.

Tình trạng ngập lụt thường xuyên diễn ra đã gây ảnh hưởng lớn đến đời sống dân sinh, phát triển kinh tế – xã hội của người dân sinh sống và làm việc tại thành phố Hà Tĩnh.

Mới chỉ hơn 3 tháng bước vào mùa mưa nhưng người dân thành phố Hà Tĩnh đã đón nhận 4 lần ngập lụt (từ trung tuần tháng 9 đến cuối tháng 11). Riêng trận mưa lớn từ 13 – 16/10 vừa qua đã khiến toàn thành phố ngập sâu.

Theo các nhà quản lý, tình trạng ngập úng diễn ra thời gian qua tại thành phố Hà Tĩnh nguyên nhân chính là do mưa lớn kèm theo hệ thống thoát nước chưa hoàn chỉnh, việc chắp nối giữa hệ thống mới và cũ chưa đồng bộ, các hồ điều hòa chưa phát huy được hiệu quả khiến cho tình trạng ngập úng càng trở nên nặng nề.

Số liệu từ phòng quản lý đô thị thành phố Hà Tĩnh cho biết, toàn thành phố hiện có 60 km mương chính (mật độ 8,3 km/km2, thấp hơn nhiều so với quy định chung) và hơn 40 km chiều dài các tuyến mương nhỏ nằm trong khu vực dân cư. Hệ thống thoát nước này chỉ bao phủ 57% khu vực thành phố, lại trong tình trạng hoạt động yếu kém do không được duy tu bảo dưỡng và quá tải do tốc độ đô thị hóa quá nhanh.

Ông Trần Đức Thiên, Trưởng phòng Quản lý đô thị, UBND thành phố Hà Tĩnh cho biết, ngoài yếu tố khách quan từ biến đổi khí hậu, vấn đề hệ thống kênh mương bị lấn chiếm, bồi lấp, thậm chí bị “xóa sổ” đã khiến tình hình ngập tại thành phố trở nên trầm trọng hơn. Với tốc độ đô thị hóa mạnh mẽ như hiện nay, quy hoạch các khu đô thị mới (Khu đô thị sông Đà, Khu đô thị Bắc Nguyễn Du…) chưa có định hướng phát triển bền vững cũng là một trong những tác nhân gây ngập lụt.

Một nguyên nhân khác gây úng ngập trên địa bàn thành phố là ở ý thức của người dân. Việc tự ý xây dựng, cơi nới nhà cửa lên mương thoát nước; xả rác vô tư của người dân cũng vô tình bịt những lỗ thoát nước trên các tuyến đường. Tình trạng xả rác và lấn chiếm dòng chảy của các kênh mương thoát nước vẫn thường xuyên xảy ra.

Trong quá trình xây dựng, vận chuyển các vật liệu xây dựng như cát sỏi gây vương vãi, khi mưa đến tập trung vào các hố ga, miệng cống làm giảm tiết diện tải nước cũng như làm tăng độ nhám của hệ thống. Đặc biệt, một số hộ còn xả rác bừa bãi ra đường dẫn đến bít đường ống tiêu thoát nước làm cho tình trạng tiêu thoát nước khó khăn…

(theo Tin Tức)

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP