Tin Hà Tĩnh

Hà Tĩnh: “Treo leo” với tính mạng bên mép sông sạt lở

Chỉ cách mép sông Ngàn Sâu chừng vài bước chân nhưng người dân vẫn bất chấp tính mạng, cầm cự trong ngôi nhà mà nước sông có thể “nuốt chửng” bất cứ lúc nào. Trong khi chính quyền địa phương đã báo động khẩn cấp, vận động di dời để đảm bảo an toàn nhưng người dân vẫn chưa thực hiện.

Liều mình trước cửa miệng “hà bá”

Tại thôn 1, 2 và thôn 3 thuộc xã Sơn Long, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh nơi nhiều năm qua người dân thường ví von là sống với “hà bá”, mức độ sạt lở bờ sông hết sức nghiêm trọng. Riêng thôn 1 nằm nép trên bờ, vị trí hợp lưu của hai con sông Ngàn Sâu, Ngàn Phố, tình trạng sạt lở bủa vây cả ngôi làng khiến cuộc sống người dân bất an.

Bờ sông sạt lở chỉ cách móng nhà những hộ dân ở xã Sơn Long chừng vài bước chân

Nỗi lo hiện hữu trên khuôn mặt mỗi thành viên gia đình anh Đoàn Thanh Long, ở thôn 1, xã Sơn Long khi chỉ cho chúng tôi điểm sạt lở bờ sông chỉ cách móng nhà còn trong gang tấc. Qua mỗi mùa mưa thì khu vườn rộng lớn của gia đình đã bị lòng sông ăn dần, giờ chỉ còn lại ngôi nhà đang cầm cự cách mép sông khoảng gần 1m.

“Nhà được xây dựng đã hơn mười năm nay, khi làm bờ sông đang cách 40m nhưng nay đã lấn sát vào tận móng. Nằm trong khu vực còn có ba hộ dân khác cũng hoàn cảnh tương tự nhưng họ đã được hỗ trợ di dời, giờ còn lại gia đình tôi”, anh Long nói.

Chứng kiến ngôi nhà cấp bốn nằm ở cửa miệng “hà bá”, có thể bị nuốt chửng bất cứ lúc nào nhưng hiện tại vợ chồng anh Long và hai người con vẫn đang cố cầm cự khiến bất kỳ ai chứng kiến cũng không khỏi rùng mình. Theo như anh Long thì đây là tài sản tích cóp của hai vợ chồng, nếu giờ chuyển đi nơi khác thì không biết lấy đâu ra tiền để làm nhà là lý do chấp nhận liều mình đánh cược mạng sống.

Nỗi lo hiện hữu trên khuôn mặt mỗi người dân trước tình trạng sạt lở ngày càng ăn sâu vào ngôi làng

Bác Phan Văn Thức là một Đảng viên lâu năm, có hơn 70 năm sống ở ngôi làng, chứng kiến bao biến động qua mỗi mùa mưa lũ, lo lắng trước nguy cơ mất đất, mất làng do sạt lở: “Những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đã khiến cho thời tiết ngày càng khó lường hơn. Cả ngôi làng kéo dài dọc bờ sông chừng 1,5 km nhưng chỉ hai năm trở lại đây đã xâm lấn sâu vào thôn làng hơn 40m, tiến sát dần vào khu dân cư”.

“Nguy cơ ngôi làng bị xóa sổ đã nhìn thấy trước mắt nếu như Nhà nước không có giải pháp ngăn tình trạng sạt lở như hiện nay. Đáng nói, giờ chỉ còn khoảng 1,5 km bờ sông ở thôn 1, xã Sơn Long tập trung đông dân cư nhưng lại chưa được kè chống sạt lỡ, còn ở hai đầu (phía trên, phía dưới khu vực này) đã được kè an toàn. Đây cũng là lý do khiến cho tình trạng sạt lỡ bờ sông ở khu vực này thời gian gần đây diễn ra với tốc độ nhanh hơn qua mỗi mùa mưa bão”, ông Thức nói.

Chỉ hai năm lại nay lòng sông đã nuốt chửng hàng chục diện tích đất của người dân

Sống ở miệng “hà bá” nên cứ mưa to, gió lớn nhiều hộ dân trên địa bàn không dám ngủ bởi lo sông lở nuốt mất nhà, ảnh hưởng đến tính mạng. Người dân phản ánh, đã nhiều lần có ý kiến lên các cấp chính quyền nhưng vẫn chưa được quan tâm.

Theo khảo sát của UBND xã Sơn Long, huyện Hương Sơn, trên địa bàn xã có gần 5km chiều dài chạy dọc bờ sông, trong đó 2km bờ kè xây dựng từ năm 2003 đã xuống cấp, hơn 1 km đang xẩy ra tình trạng sạt lở. Hằng năm, nước sông gây sạt lở, ngập lụt nhiều ha vườn tược, hoa màu của người dân không chỉ ở thôn 1 mà còn nhiều thôn khác như thôn 2, thôn 3…

Đề xuất thực hiện công trình khẩn cấp

Đại diện chính quyền xã Sơn Long cho biết, các cơ quan chức năng huyện, tỉnh đã về khảo sát và ghi nhận tình trạng sạt sở xảy ra trên địa bàn nhưng để có giải pháp khắc phục, hạn chế tình trạng sạt lở thì chưa, vì cần có nguồn kinh phí đầu tư lớn.

Trao đổi với ông Phan Như Luận, cán bộ địa chính xã Sơn Long cho biết: “Các địa điểm nóng có nguy cơ sạt lở cao tại điểm nói trên đã tăng lên, nếu không nhanh chóng có các biện pháp cụ thể thì tình trạng sạt lở sẽ có thể xảy ra nghiêm trọng hơn. Hiện tại, địa phương có 2 hộ nằm trong vùng sạt lở, 13 hộ vùng ngập lụt buộc phải di dời khẩn cấp”.

Người dân đang cố sống ở cửa miệng “hà bá”

Trước mắt để tránh việc bị động do sạt lở xảy ra bên cạnh việc ban bố tình trạng thiên tai khẩn cấp, đảm bảo tính mạng cho người dân sống tại các khu vực nguy hiểm, chính quyền vận động người dân di dời nhà ở ra khỏi khu vực nguy hiểm. Mặc dù vậy, theo ý kiến người dân thì việc di dời cũng gặp rất nhiều khó khăn, chưa thể thực hiện.

Đưa vấn đề trao đổi với ông Ngô Đức Hợi - Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Hà Tĩnh cho biết: “Tình trạng sạt lở bờ sông trên địa bàn Hà Tĩnh xẩy ra rất nghiêm trọng. Do đặc thù địa phương có nhiều con sông đi qua nên hiện nay không riêng gì ở Hương Sơn mà nhiều địa phương khác như Kỳ Anh, Hương Khê, Vũ Quang…cũng đang tập trung mọi giải pháp ngăn chặn tình trạng sạt lỡ, hạn chế thiệt hại cho người dân. Khó khăn lớn nhất là kinh phí để thực hiện những công trình này thường rất lớn, cần phải có sự hỗ trợ”.

“Nói riêng về vấn đề sạt lở ở xã Sơn Long, huyện cũng đã lập phương án, cơ quan Sở NN&PT nông thôn cũng đã tổng hợp báo cáo tỉnh. Được biết, tỉnh cũng đã đưa vào danh mục kè sạt lở khẩn cấp đề xuất trung ương hỗ trợ kinh phí thực hiện”, ông Hợi cho biết.

Theo ông Ngô Đức Hợi, về tình huống khẩn cấp, để đảm bảo an toàn cho người dân thì chính quyền phải có phương án di dời. Bên cạnh đó, cần được chia sẽ từ phía người dân để cùng thực hiện vì đây không phải là Nhà nước đền bù mà chỉ hỗ trợ một phần.

Được biết, vừa qua UBND huyện Hương Sơn sau khi xem xét, đánh giá để đề xuất thực hiện, thì công trình kè bờ sông ở xã Sơn Long chưa phải là ưu tiên số 1. Hiện tại trên địa bàn còn nhiều điểm nghiêm trọng hơn như Sơn Kim 1, Sơn Diệm, Sơn Giang… Những vùng như Sơn Kim nằm ở đầu nguồn, nước thường chảy mạnh nên sẽ là ưu tiên số một.

Tác giả: Đức Cảnh

Nguồn tin: Báo Tài nguyên và Môi trường

  Từ khóa: sạt lở , Hà Tĩnh

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP