Ngã rẻ cuộc đời.
Chúng tôi tìm về nhà anh Ngọc ở tổ dân phố 4, Thị xã Hồng Lĩnh khi cơn mưa còn nặng hạt, ngôi nhà nằm sát dưới chân núi Hồng là nơi trú ngụ của 5 con người. Theo cách gọi của dân làng anh Phạm Thanh Ngọc là một trong những công dân “đặc biệt” ở đây. Anh Ngọc với khuôn mặt hiền khô tiếp chuyện với chúng tôi mà không giấu được vẻ ngượng ngùng. Anh kể lại chuỗi ngày đau khổ mà anh đã gây ra cho gia đình, vợ con và cho chính bản thân mình với giọng vô cùng hối hận.
Sinh năm 1983 trong gia đình có 5 người con, bố sức khoẻ yếu, tâm trí lại không được bình thường nên học đến lớp 5 anh đã phải nghỉ học giữa chừng để phụ giúp gia đình. Năm 2006, anh nên nghĩa vợ chồng với chị Nguyễn Thị Lý (SN 1984) nhưng hạnh phúc chưa được bao lâu anh bị bắt và kết an 2 năm tù vì hành vi trộm cắp tài sản. Anh thụ án tại Trại giam Đồng Sơn
(Quảng Bình). Cuộc đời đầy hoài bão đã bỗng dưng đóng sập trước mắt chàng thanh niên trẻ tuổi. “Những ngày đầu trong trại, nhiều đêm anh thức trắng, lắm khi nước mắt cứ tự nhiên tuôn rơi vì nuối tiếc cho một phút giây bồng bột, thiếu suy nghĩ. Đau khổ phận mình đã đành một nhẽ, còn người vợ, còn cha mẹ già ở quê gần như chưa được một ngày chăm sóc.” – Anh Ngọc buồn buồn cho biết.
Ngày trở về, anh nghĩ mình đã đánh mất quá nhiều, nên quyết tâm lấy lại những gì đã mất để bù đắp lại cho gia đình. Anh cùng vợ vào Đà Nẵng xin làm việc trong một lò mổ thịt lơn, gần được một năm thì tai nạn đã làm gãy đôi chân của anh. Trong quãng thời gian chữa trị với bao đêm thức trắng, trằn trọc rồi anh quyết định quay về quê mở trang trại chăn nuôi lợn. Thời gian đầu không có đồng vốn nào trong tay, chỉ dựa vào chút tiền dành dụm của gia đình và vay anh em họ hàng, anh bắt đầu khởi nghiệp với hơn 40 con lợn. Nhưng vốn ít lại chưa có kinh nghiệm anh lại thất bại. Không nản chí, nhận thấy vườn gần đồi núi thuận lợi nguồn thức ăn nên quyết định chuyển sang chăn nuôi dê. Nhưng khó khăn lại nối tiếp khó khăn, được một thời gian thì dịch lở mồm long móng bùng phát đàn dê dính bệnh cơ nghiệp trắng tay.
Không từ bỏ ý chí làm lại cuộc đời
Năm 2011, được anh em trong địa phương giúp đỡ cùng với 70 triệu đồng từ hỗ trợ vốn hộ nghèo và giải quyết việc làm anh Ngọc tiếp tục đầu tư chuồng trại vào thành phố Hà Tĩnh tìm địa chỉ cung cấp giống gà Thuỵ Phương về nuôi. Để không phải thất bại lần nữa anh Ngọc kiên trì học hỏi kinh nghiệm từ những chủ trang trại khác, đồng thời chịu khó tìm tòi, nghiên cứu sách báo, tích cực tham gia các buổi tập huấn khoa học-kỹ thuật do địa phương tổ chức… Nhờ đó, anh đã biết chăn nuôi đúng cách, mô hình dần cho hiệu quả. Sau một năm gây dựng với hơn 1000 con gà, mô hình chăn nuôi của gia đình anh bắt đầu cho thu nhập, trừ chi phí gia đình anh thu lãi gần 100 triệu đồng/ năm. Số tiền tuy chưa lớn nhưng cũng đủ trang trải cho cuộc sống gia đình anh Ngọc, điều quan trọng nhất là những đồng tiền này đều thấm đẫm mồ hôi từ công việc cật lực của hai vợ chồng.
Chia sẽ về quan điểm làm ăn của mình anh Ngọc nói: “Trước hết muốn tồn tại và làm ăn bền vững thì phải tạo uy tín ngay tổ dân phố mình bằng chất lượng từng con gà mình nuôi. Có thể người ta nuôi 2 đến 3 tháng là xuất chuồng, nhưng địa bàn mình nhỏ chỉ cung cấp trong vùng thị xã nên người dân không ưa các loại gà nuôi tăng trọng”. Anh Ngọc cho biết thêm: “Thời gian tới anh dự định sẽ ra tận Viện nghiên cứu gà ở Hà Nội xem các giống gà ở đó rồi về nhân rộng mô hình lên ba nghìn con. Đồng thời khi có vốn anh tiếp tục đầu tư nuôi dê vì gần vườn anh có đồi núi rất thích hợp.”
Ông Trần Huy Lâm- Chi hội trưởng Hội cựu chiến binh, kiêm tổ trưởng tổ bảo vệ dân phố 4, đồng thời là người trực tiếp quản lý anh Ngọc cho biết: “Ngọc là người cải tạo tiến bộ điển hình nhất của phường, từ khi ra tù đến nay Ngọc luôn chấp hành đúng quy định. Rất cần cù, chịu khó, hoàn cảnh gia đình khó khăn một mình Ngọc tự lo cho em trai đi xuất khẩu lao động, chăm sóc bố già đang nằm liệt dường rồi 3 đứa con còn đang nhỏ. Phạm Thanh Ngọc là một tấm gương cho những con người lầm lỡ noi theo”.
Huyền Trang