Hà Tĩnh ngày nay

Hà Tĩnh: Thị trường bất động sản: Bao giờ khởi sắc? Kỳ 2

Bất động sản (BĐS) bị đẩy lên đỉnh điểm rồi rớt xuống, “đóng băng” kéo dài đã kéo theo rất nhiều hệ lụy. Nhiều gia đình khốn đốn, nhiều kẻ phải tha phương, thậm chí là vào vòng lao lý, nguyên do cũng từ BĐS.

Bài 2: Khi “bong bóng” vỡ

Các địa phương bế tắc, nợ nần, “vỡ kế hoạch” xây dựng NTM vì BĐS. Nhiều nhà thầu cũng khốn đốn do các địa phương không có khả năng thanh toán…


Bài 1: Đất “vàng” cũng… khóc!


Tan nát cửa nhà do “ôm” BĐS


Năm 2012, “siêu lừa” Lê Thị T. trú tại phường Thạch Linh (TP Hà Tĩnh) bị vỡ nợ với số tiền lừa đảo chiếm đoạt lên đến trên 34 tỷ đồng, đã làm rúng động giới kinh doanh BĐS thành phố Hà Tĩnh. Từ 1 cán bộ, công chức bình thường, nhờ “ôm” đất mà T. bỗng chốc phất lên như diều gặp gió, có nhiều nhà cửa, biệt thự, xe hơi sang trọng. Khi vận làm ăn đang lên, T. vay mượn khắp nơi với lãi suất cao để đầu tư vào BĐS. Đến lúc thị trường BĐS bắt đầu lắng xuống, người giao dịch ngày càng ít, đất đai không bán được, lãi suất đẻ như tên lao, T. chìm trong nợ nần.


Để có tiền giải quyết nợ nóng, vì quen “làm nghề đất” nên T. đã dễ dàng “nhử” các đối tượng vào tròng bằng nhiều chiêu thức. Khi bộ mặt lừa đảo của T. bị lộ rõ, đơn tố cáo được gửi đi, ngành chức năng đã khởi tố vụ án, bắt T. đi tù, với số tiền phải trả cho các “khổ chủ” lên đến trên 27 tỷ đồng. Không những gia đình T. ly tán, nhiều gia đình khác cũng khuynh gia bại sản.


Trường hợp Lê Thị Thanh T. (phường Thạch Linh), cũng do cùng “làm ăn” từ BĐS với Lê Thị T., mà trở thành kẻ lừa đảo, phải vào tù.


Hay như K.- vốn xuất thân từ nghề tiếp thị bia, nước giải khát, thời sốt đất, cũng nổi như cồn về sự giàu có. Đang làm ăn bình thường với nghề tiếp thị, bỗng chốc, K. quay sang “lướt” đất, “ôm” đất, rồi phất lên nhanh chóng.


Đến cuối năm 2011, khi BĐS chìm lắng, đất ôm không bán được, trong khi lãi vay nóng cứ tăng lên hàng ngày, K. phải bán đổ bán tháo đất để trả mà vẫn không thoát nợ. Hậu quả của “canh bạc” này là toàn bộ tài sản tích cóp được bao năm nay của K. bay theo mây khói.


Không những thế, K. còn ôm một đống nợ lên đến mấy tỷ đồng. Không còn cách nào khác, K. phải trốn ra nước ngoài sống chui lủi, để mặc vợ con khổ sở với các chủ nợ…


Nhiều địa phương “vỡ kế hoạch”!


Không chỉ cá nhân mà nhiều địa phương cũng phải chịu hệ lụy từ sự “đóng băng” dài dài của BĐS. Theo một con số thống kê khá tin cậy, ở Kỳ Anh, trung bình mỗi xã nợ xây dựng cơ bản (XDCB) tồn đọng lên đến 2-3 tỷ đồng.

Bài 2: Khi “bong bóng” vỡ

Công trình trường mầm non xã Kỳ Thư, (Kỳ Anh) đang chờ nguồn tiền từ bán đất


Trước đây, ngoài một phần nguồn đã có, các xã thường yêu cầu nhà thầu cam kết tự bỏ vốn thi công hoàn thành công trình, sau đó, xã bán đất trả nợ. Với cách làm này, tuy có chậm, nhưng thông thường, sau 1 năm, nhà thầu được các xã thanh toán nợ XDCB. Tuy nhiên, khoảng từ tháng 8/2011 đến nay, thị trường BĐS lắng xuống, rồi “đóng băng”, khiến các xã không bán được đất, dẫn đến nợ ngập đầu. Theo thống kê sơ bộ, các xã, phường TP Hà Tĩnh hiện đang nợ XDCB lên đến khoảng 90 tỷ đồng!


Một trong những “chúa chổm” XDCB ở TP Hà Tĩnh là xã Thạch Hưng. Con số thống kê sơ bộ từ lãnh đạo UBND xã cho biết, nợ XDCB của xã hiện tồn đọng lên đến trên 20 tỷ đồng! Nhiều công trình theo chuẩn NTM như trường mầm non, tiểu học, THCS, trạm xá, nhà văn hóa xã… đã hoàn thành nhưng đất không bán được nên nợ nần lại đè nặng lên nhà thầu.


Ông Phan Văn Hội – Chủ tịch UBND xã cho biết: Đầu năm 2012, xã quy hoạch đất xen dắm, cấp cho người thu nhập thấp, gồm 14 lô. Sau khi xét đơn, gửi thông báo, nhưng đến nay mới chỉ có 3 lô nộp tiền. Số còn lại, người được cấp không lấy. Hiện tại, xã đang quy hoạch 2 khu đất dân cư với tổng số 156 lô để bán đấu giá, trước mắt là để trả nợ XDCB, sau nữa là thực hiện các công trình hạ tầng. Nhưng, với sự ảm đạm của thị trường BĐS như hiện nay, không biết đến bao giờ Thạch Hưng mới trả hết nợ XDCB và triển khai các công trình nói trên?!


Xã Thạch Hạ, đến thời điểm này cũng đang nợ đọng 6 tỷ đồng XDCB của năm 2012. Chủ tịch UBND xã Trương Công Trung cho biết, để về đích NTM vào cuối năm nay, riêng phần xây dựng cơ sở hạ tầng, phía ngân sách xã phải bỏ ra 20 tỷ đồng, cộng với 6 tỷ đồng nợ cũ, ít nhất xã phải có 26 tỷ đồng nữa mới thực hiện được. Để có nguồn cho các kế hoạch này, sắp tới, xã xin quy hoạch thêm 1 khu đất ở khoảng 70 lô.


Ông Trung đang kỳ vọng, bán hết đất ở 2 khu này, xã sẽ có đủ nguồn để thực hiện kế hoạch. Nhưng thực tế vừa qua, đất quy hoạch đẹp, hạ tầng đầy đủ nhưng có đến 30 trường hợp được cấp cũng không chịu lấy, thì kỳ vọng đó của xã, e cũng khó đạt được!

Bài 2: Khi “bong bóng” vỡ

Hạng mục sân trường THCS xã Thạch Hạ đang chờ nguồn tiền bán đất để hoàn thiện


Ông Đỗ Viết Thống – Chủ tịch UBND xã Kim Lộc (Can Lộc) cho biết: “Không riêng gì xã tôi mà nhiều địa phương, thu ngân sách rất thấp nên xây dựng NTM chỉ biết nhìn vào bán đất. Hiện tại, trụ sở làm việc của xã sắp sửa hoàn thành, tổng giá trị công trình trên 5 tỷ đồng, nhưng đến nay chỉ mới trả được khoảng 1,7 tỷ đồng. Năm 2012, chúng tôi quy hoạch 3 khu đất, gồm 23 suất để bán đấu giá lấy tiền xây dựng hạ tầng, nhưng chỉ bán được 3 suất nên bị “vỡ kế hoạch”. Kế hoạch sắp tới của Kim Lộc là xây dựng hội trường xã, hội quán ở các xóm sau sáp nhập, xây 3 phòng chức năng để chuẩn trường mầm non, đường GTNT, kênh mương nội đồng… Nhưng, thực tế này đang khiến mọi việc giẫm chân tại chỗ…”.


Ông Trần Thế Dũng – Chủ tịch UBND thành phố Hà Tĩnh: “Nhiều loại thuế nộp không đạt do BĐS “đóng băng”

“BĐS “đóng băng” dẫn đến nhiều loại thuế của thành phố trong năm 2012 thu không đạt. Tiền bán đất năm 2012, tỉnh giao cho thành phố 560 tỷ đồng, nhưng chỉ đạt 240 tỷ đồng. Không có tiền trả cho nhà thầu cũng là nguyên nhân chính dẫn đến chậm tiến độ một số công trình XDCB trên địa bàn như: đường 26/3, đường Ngô Đức Kế kéo dài, đường bao phía Tây thành phố, cầu Vồng bắc qua sông Cụt… Một số công trình, theo tiến độ, phải hoàn thành trong quý I/2013 nhưng do thành phố không có tiền trả cho nhà thầu nên vẫn dang dở…”


Anh Mai Tùng – Nhân viên Công ty BĐS MTS: “Nhiều người vẫn “ôm đất đợi giá”


“Thời gian sốt đất, có nhiều người, trong đó có khá nhiều cán bộ, công chức vay tiền “ôm” đất, đến nay như đang ngồi trên đống lửa. Bán thì xót vì lỗ quá nên cứ cố gắng chờ. Nhiều trường hợp đang nhờ trung tâm môi giới bán nhưng cũng rất khó. Có trường hợp, nhờ bán đến 3-4 lô. Thị trường BĐS được nhận định là chưa chạm đáy nên thời gian tới, chắc chắn sẽ có nhiều người buộc phải bán đất vì không thể trụ nổi với tiền lãi vay khi đầu tư mua đất. Lúc đó, lại không ít người rơi vào cảnh nợ nần…”.



(Còn nữa…)


chính thu – thanh hoài

Báo Hà Tĩnh

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP