Kinh tế

Hà Tĩnh: Thất thu ngân sách trong thị trường bán lẻ

“Lách” thuế từ việc không xuất hóa đơn

Chỉ cần tiền trao, hàng hóa sẽ được phục vụ tận nơi mà không cần hóa đơn thanh toán (hoặc có hóa đơn tự in đơn giản). Việc bán hàng không xuất hóa đơn được coi là hành vi trốn thuế và thực tế, điều này diễn ra khá “thường trực” trong hoạt động giao dịch mua bán trên thị trường hiện nay.

Thông tư 64/2013/TT-BTC ngày 15/5/2013 của Bộ Tài chính về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ quy định: khi hàng hóa có giá trị từ 200.000 đồng trở lên, người bán phải lập hóa đơn GTGT (hóa đơn) cho khách hàng. Trong trường hợp, người mua không lấy hóa đơn hoặc không cung cấp tên, địa chỉ, mã số thuế (nếu có) thì đơn vị cung ứng vẫn phải lập hóa đơn và ghi rõ “người mua không lấy hóa đơn” hoặc “người mua không cung cấp tên, địa chỉ, mã số thuế”. Quy định rõ ràng là vậy, nhưng khi “mục sở thị” một số “đại gia” trong lĩnh vực bán lẻ trên thị trường tỉnh ta thì xuất hóa đơn cho khách hàng dường như là một việc “xa xỉ”.

Thất thu ngân sách trong thị trường bán lẻ

Các cửa hàng kinh doanh VLXD thường có doanh số bán ra tương đối lớn nhưng rất “kỵ” xuất hóa đơn đỏ cho khách hàng.

Khi có nhu cầu mua hàng tại Cửa hàng vật liệu xây dựng Thanh Vân (Thạch Trung – TP Hà Tĩnh), chúng tôi được giới thiệu hàng loạt các mặt hàng vật liệu xây dựng từ gạch men, xi măng đến thiết bị gia dụng… với đầy đủ chủng loại và giá thành. Theo quan sát, chỉ trong vòng vài tiếng đồng hồ, chủ cửa hàng đã tiến hành giao dịch thành công với khá đông khách hàng, ước tính giá trị giao dịch từ 40-50 triệu đồng. Tuy nhiên, cửa hàng chỉ kê sản phẩm bán ra kèm giá thành và tổng phải trả trên hóa đơn thanh toán tự in (toa hàng) và mặc nhiên không đả động đến hóa đơn GTGT.

Cá biệt, một khách hàng ở Lộc Hà mua hàng với tổng trị giá trên 12 triệu đồng nhưng cũng chỉ được giao hóa đơn không có chữ ký người bán. Khi thắc mắc về điều này, chủ cửa hàng cho biết: “Chúng tôi nộp thuế khoán theo tháng, mỗi tháng 2 triệu đồng. Khách hàng nào cần, thì chúng tôi vẫn viết hóa đơn đỏ, còn không thì chỉ toa hàng là được”.

Tiếp tục có mặt tại Doanh nghiệp (DN) tư nhân Điện tử Nga Khanh (đường Nguyễn Chí Thanh – TP Hà Tĩnh), điều dễ thấy là ở đây cũng rất… “kỵ” xuất hóa đơn. Khi có nhã ý mua một chiếc máy giặt hiệu SamSung và một tủ lạnh Sharp với tổng giá thành 10,6 triệu đồng (đã gồm thuế theo bảng niêm yết), chúng tôi được nhân viên bán hàng tư vấn và cam kết sẽ bớt còn 9,9 triệu đồng nếu lấy cả 2 sản phẩm cùng lúc. Tuy nhiên, khi hỏi về hóa đơn chứng từ giao dịch thì nhân viên phân trần: “Nếu em mua hàng về cho cơ quan thì lấy, không thì thôi. Chỗ anh tính thuế theo doanh số bán ra trên hóa đơn, nếu hóa đơn nhiều thì tiền thuế lớn và ngược lại. Lúc đó, giá lại đội lên cao hơn…”.

Theo ghi nhận của chúng tôi, hầu hết khách hàng đến đây mua hàng sử dụng trong gia đình nên hiếm khi “được” nhận hóa đơn. Hơn nữa, với các mặt hàng cồng kềnh như tủ lạnh, máy giặt, chỉ cần thuận mua, vừa bán là phía cửa hàng sẽ giao hàng tận nhà với tờ giấy kê khai hàng hóa vô cùng đơn giản và tiện lợi. Vậy là, nếu không xuất hóa đơn GTGT cho món hàng 10,6 triệu đồng, DN trên sẽ “bớt” được 106 ngàn đồng tiền thuế (10%) nộp vào ngân sách nhà nước. Nhẩm tính, doanh số bán hàng bình quân hàng ngày của DN này phải hàng chục, có khi hàng trăm triệu đồng. Như vậy, với mức thuế bình quân 10% thì số tiền thuế có thể thất thu tại đây cũng không phải là nhỏ.

Hàng loạt “đại gia” trong thị trường bán lẻ về đồ công nghệ, gia dụng… trên địa bàn TP Hà Tĩnh mà chúng tôi khảo sát như Trung tâm mua sắm Hồng Hà, Công ty TNHH FPT, Siêu thị Lý Ngân… đều có một mẫu số chung là chỉ xuất hóa đơn cho khách hàng… có nhu cầu.

Một dịch vụ bán lẻ mang lại lợi nhuận khá cao hiện nay là hoạt động kinh doanh nhà hàng, khách sạn, dịch vụ vui chơi giải trí,… Tuy nhiên, hoạt động này cũng dễ dàng trốn thuế bằng “chiêu bài” không cung cấp hóa đơn cho khách hàng theo quy định. Kỳ Anh là huyện có số lượng nhà hàng, dịch vụ tăng theo cấp số nhân. Hiện nay, trên địa bàn toàn huyện có 218/560 cơ sở phục vụ ăn uống đăng ký lập bộ thuế GTGT; 160/1.232 cơ sở kinh doanh dịch vụ các loại đăng ký lập bộ thuế GTGT. Vậy là, ngoài việc chưa thu thuế VAT triệt để từ những hộ đã đăng ký, nguồn ngân sách bị “thả nổi” còn rất lớn.

Người tiêu dùng đang “hỗ trợ” DN trốn thuế?

“Ôi dào, có lấy hóa đơn đỏ hay không cũng không sao vì mọi loại thuế đã được người bán tính vào đó cả. Với lại, mình chỉ quan tâm đến chất lượng, tính năng sản phẩm chứ có phải về thanh toán lại với ai đâu mà cần hóa đơn” – chị Hồng (một khách hàng) chia sẻ.

Co.op Mart Hà Tĩnh tưng bừng khuyến mãi “Thân thương dáng Việt”

Thói quen mua hàng không sử dụng hóa đơn của người dân cũng là một trong những nguyên nhân chính “tiếp tay” cho các hộ kinh doanh trốn thuế

Qua tìm hiểu thực tế tại nhiều đơn vị kinh doanh, việc người bán không xuất hóa đơn có một phần nguyên nhân từ khách hàng. Chị Thuận (chủ cửa hàng vật liệu xây dựng) cho biết: “Đa số khách hàng là cá nhân, khi đến mua hàng đều không đề nghị xuất hóa đơn. Số ít khách hàng yêu cầu xuất hóa đơn hầu hết từ các tổ chức, tập thể, cơ quan bởi họ cần hóa đơn để làm căn cứ thanh toán. Không hiếm trường hợp, lợi dụng sự mập mờ trong sử dụng hóa đơn bán lẻ, hộ kinh doanh, DN có thể gian dối trong kê khai thu nhập thực tế nhằm giảm số thuế phải nộp cho Nhà nước. Chính vì vậy, theo các cơ quan quản lý thuế, thói quen mua hàng không sử dụng hóa đơn của người dân trong nhiều năm nay cũng là một trong những nguyên nhân chính “tiếp tay” cho các hộ kinh doanh, DN trong lĩnh vực bán lẻ “lách” luật, trốn thuế dễ dàng hơn.

Thực chất, thuế GTGT là loại thuế thu vào phần giá trị tăng thêm của hàng hóa, dịch vụ phát sinh trong quá trình sản xuất, lưu thông đến tiêu dùng. Đồng thời tạo nguồn thu ổn định cho ngân sách nhà nước, đảm bảo bình đẳng về quyền và nghĩa vụ của đối tượng nộp thuế, chống gian lận, trốn lậu thuế ở các khâu của quá trình sản xuất, lưu thông hàng hóa. Bên cạnh đó, Nhà nước có thể kiểm soát được giá cả, số lượng hàng hóa, dịch vụ lưu thông trên thị trường nhằm kiểm soát lạm phát. Ngoài ra, khi có vấn đề về hàng hóa sau giao dịch, người mua lấy đó làm căn cứ xác thực để làm việc khi cần thiết. Vậy nên, để thực hiện đúng quy định và góp phần tăng thu ngân sách, người tiêu dùng nên yêu cầu xuất hóa đơn trong các giao dịch tiêu dùng.

Thành Chung

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP