Giáo dục

Hà Tĩnh: Tạo đột phá trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo

Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, nền giáo dục Hà Tĩnh đã có nhiều chuyển biến căn bản, mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả, cơ bản đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đất nước và nhu cầu học tập của Nhân dân.

Sáng 11/7, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh tổ chức hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 4/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

Nền giáo dục Hà Tĩnh đã có nhiều chuyển biến căn bản, mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả

Các đại biểu tham dự Hội nghị (Ảnh: Phúc Quang)


Báo cáo tổng kết tại Hội nghị khẳng định: sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW, nền giáo dục Hà Tĩnh đã có nhiều chuyển biến căn bản, mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả, cơ bản đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đất nước và nhu cầu học tập của Nhân dân.

Hà Tĩnh đã từng bước thực hiện và xây dựng nền giáo dục mở, linh hoạt, dân chủ, gắn với thực tiễn; quản lý tốt, thực dạy, thực học, thực nghiệp. Cơ sở vật chất, thiết bị giáo dục, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, giảng viên, nhân viên từng bước được chuẩn hóa, hiện đại hóa.

So với mục tiêu Nghị quyết số 29-NQ/TW, các chỉ tiêu trong Chương trình hành động số 1103-CT/TU của Tỉnh ủy Hà Tĩnh, đến nay, nhiều chỉ tiêu đã đạt và vượt như: công tác quy hoạch mạng lưới trường lớp; các chỉ tiêu về chất lượng giáo dục các cấp; tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS đi học nghề dài hạn và trung cấp chuyên nghiệp; thành tích học sinh giỏi quốc gia, học sinh tham gia đội dự tuyển, đội tuyển thi học sinh giỏi quốc tế.

Tỷ lệ thanh niên trong độ tuổi đạt trình độ giáo dục trung học phổ thông và tương đương; tỷ lệ trung tâm học tập cộng đồng hoạt động hiệu quả; tỷ lệ người biết chữ; phổ cập giáo dục các cấp; tỷ lệ lao động qua đào tạo; xây dựng Trường THPT Chuyên tỉnh thành trường chất lượng cao của tỉnh và quốc gia; xây dựng Trường Đại học Hà Tĩnh theo hướng đa ngành; phát triển hợp lý các mã ngành đào tạo đại học, cao đẳng...

Trẻ mầm non được phát triển thể chất, tình cảm, hiểu biết, thẩm mỹ, hình thành các yếu tố đầu tiên của nhân cách. Năm 2022, có 99,9% trẻ hoàn thành chương trình giáo dục mầm non. Hà Tĩnh là tỉnh đầu tiên thuộc khu vực Bắc Trung Bộ đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi. Đối với giáo dục phổ thông, tỷ lệ học sinh hoàn thành chương trình tiểu học hằng năm đạt từ 98% trở lên; THCS hằng năm đạt từ 97% trở lên; học sinh tốt nghiệp THPT hằng năm đạt tỷ lệ trên 96%.

Tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề năm 2022 là 70% (năm 2015 là 53,0%). Tỷ lệ lao động sau đào tạo có việc làm chiếm 80%, một số ngành nghề đạt 100%. Quy mô giáo dục đại học được mở rộng, tăng thêm các mã ngành đào tạo phù hợp với quy hoạch phát triển nguồn nhân lực của tỉnh, của quốc gia.

Tạo đột phá trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo

Tại Hội nghị, các đại biểu cũng đã thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế, khuyết điểm trong thực hiện Nghị quyết 29, phân tích các nguyên nhân, rút ra các bài học kinh nghiệm để từ đó đề ra các phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu tạo đột phá trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo Hà Tĩnh trong thời gian tới.

Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Hoàng Trung Dũng phát biểu kết luận Hội nghị (Ảnh: Phúc Quang)

Phát biểu kết luận hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Hoàng Trung Dũng nhấn mạnh, với sự tham mưu tích cực của ngành GD&ĐT và các sở, ban, ngành liên quan, sự ủng hộ, đồng thuận của các tầng lớp nhân dân nên Hà Tĩnh đã chủ động cụ thể hóa Nghị quyết 29-NQ/TW bằng các cơ chế, chính sách kịp thời, đồng bộ và đạt được nhiều kết quả nổi bật, luôn là một trong những địa phương dẫn đầu phong trào cả nước.

Bí thư Tỉnh ủy cũng đánh giá cao sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền các cấp trong thực hiện nghị quyết, sự hăng say, tinh thần nhiệt huyết cống hiến của đội ngũ cán bộ, giáo viên trong toàn tỉnh, nhất là tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng còn khó khăn cho sự nghiệp giáo dục.

Bên cạnh đó, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế như: nhận thức của một số cấp ủy cơ sở, một bộ phận cán bộ quản lý, giáo viên về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT chưa đầy đủ; một số biểu hiện của bệnh thành tích, tiêu cực trong giáo dục gây băn khoăn, lo lắng; việc xã hội hóa trong giáo dục tại một số địa phương chưa tốt.

Bí thư Tỉnh ủy mong muốn, các ngành, các cấp, các thầy giáo, cô giáo, các bậc phụ huynh và học sinh phát huy truyền thống hiếu học của quê hương, tiếp tục đổi mới, nâng cao toàn diện chất lượng dạy và học của tỉnh Hà Tĩnh./.

Tác giả: Nhóm PV

Nguồn tin: dangcongsan.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP