Hà Tĩnh ngày nay

Hà Tĩnh: Sử dụng phí bảo vệ môi trường còn nhiều bất cập

Sáng 30/9, tại Hà Tĩnh, Diễn đàn các Nhà báo Môi trường Việt Nam (VFEJ) phối hợp với Liên hiệp các Hội KH&KT Hà Tĩnh tổ chức tọa đàm “Thực trạng sử dụng phí bảo vệ môi trường (BVMT) từ hoạt động khai thác khoáng sản”.

Nghị định số 74/2011/NĐ-CP về phí bảo vệ môi trường (BVMT) được Chính phủ ban hành ngày 28/5/2011 đến nay đã có nhiều bất cập. Hiện nay Bộ Tài chính đang xây dựng và chuẩn bị hoàn thiện để trình Chính phủ thay thế theo đó mức thu phí bảo vệ môi trường sẽ có nhiều thay đổi.

Hatinh24h 03
TS Nguyễn Hữu Ninh, chuyên gia về năng lượng và biến đổi khí hậu phát biểu tại tọa đàm

Quá trình xây dựng dự thảo đã gây nhiều tranh cãi về các nội dung liên quan trong đó cách thức các địa phương sử dụng nguồn phí BVMT thế nào, doanh nghiệp có nghĩa vụ ra sao được đề cập ở nhiều góc độ.

Để có cách nhìn đa chiều tạo cơ sở cho việc góp ý cho sửa đổi nghị định cần nắm rõ hiện trạng chi và sử dụng phí BVMT ở các địa phương, sáng 30/9, tại Hà Tĩnh, Diễn đàn các Nhà báo Môi trường Việt Nam (VFEJ) phối hợp với Liên hiệp các Hội KH&KT Hà Tĩnh tổ chức tọa đàm “Thực trạng sử dụng phí bảo vệ môi trường (BVMT) từ hoạt động khai thác khoáng sản”.

Tọa đàm đã thu hút sự tham gia của hơn 35 đại biểu là các phóng viên, nhà nghiên cứu, các đơn vị quản lý nhà nước và các tổ chức đoàn thể, doanh nghiệp tại địa phương. Các ý kiến tham luận, trao đổi đa chiều đã xoay quanh các vấn đề về hiện trạng sử dụng phí BVMT; việc thực hiện nghĩa vụ này của doanh nghiệp đối với địa phương; những khó khăn gặp phải khi sử dụng nguồn phí BVMT; tình hình công khai trong phân bố và sử dụng nguồn kinh phí từ các khoản đóng góp của doanh nghiệp khai thác trên địa bàn…

Từ thực tế thực trạng thu phí BVMT tại Hà Tĩnh cho thấy việc phân chia tỷ lệ nguồn thu được nhận từ nguồn này (cấp tỉnh 40%, huyện 20%, xã 40%) còn bất cập. Nguồn thu được cấp tỉnh phân bổ cho huyện có hoạt động khai thác tuy nhiên khi nguồn ngân sách này được sử dụng như thế nào lại do Hội đồng nhân dân huyện quyết định.

Ông Hồ Huy Thành, Phó Giám đốc Sở TNMT: “Hiện trạng chung là các địa phương hiện đang chú trọng vào khai thác hơn là bảo vệ sau khai thác cho nên việc tái tạo lại môi trường sau khi khai thác còn chưa đáng kể”

Đối với cấp xã nguồn từ việc thu phí cũng tương tự đã dẫn đến khó khăn trong việc xử lý các vấn đề môi trường tại địa phương. Bên cạnh đó kinh phí này từ lúc doanh nghiệp đóng nạp đến xử lý trực tiếp vấn đề môi trường là một quá trình mất nhiều thời gian đã làm mất tính kịp thời gây mối quan hệ bức xúc giữa doanh nghiệp với người dân.. Đối với doanh nghiệp mặc dù đã thực hiện nghĩa vụ của mình với địa phương tuy nhiên chưa hiểu nguồn kinh phí này được sử dụng như thế nào, nhiều doanh nghiệp chỉ thực hiện nghĩa vụ mà không có, hoặc không được biết việc sử dụng phí BVMT do mình đóng góp có minh bạch và đúng dòng ngân sách không.

Bên cạnh những vấn đề trên tọa đàm cũng đề cập đến vai trò, trách nhiệm của doanh nghiệp trong thực hiện nghĩa vụ khi khai thác khoảng sản và giám sát nguồn phí bảo vệ môi trường để tăng tính minh bạch, hiệu quả.

Được biết tọa đàm lần này là một hoạt động trong chuỗi thu thập ý kiến tại các tỉnh của VFEJ nhằm có cái nhìn đa chiều từ góc độ báo chí giúp các nhà hoạch định chính sách hoàn thiện dự thảo nghị định mới. Sau tọa đàm đại biểu và các phóng viên tiến hành điền giã, thực địa tại một số điểm khai thác khoáng sản trên địa bàn Hà Tĩnh.

Thái Sơn – Hà Vy / Tầm Nhìn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP