Xã Thạch Tân hiện có 7710 nhân khẩu, với 12 xóm, nhân dân chủ yếu sống bằng nghề nông, hầu hết các hộ dân của xã nghèo này phải thường xuyên sử dụng nguồn nước nhiễm phèn, nhiễm mặn, ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống và sức khỏe của người dân.
Chị Lê Thị Diện (xóm Bình Tiến) than thở: “Chúng tôi khổ như ri từ nhiều năm nay rồi, nước bơm từ giếng lên đỏ ngòm, nhiều gia đình nước phèn đặc quánh nên khi bơm bị tắc cả ống bơm phải tháo rửa lại thì mới dùng tiếp được. Ở đây có rất nhiều người bị bệnh về da và đường tiêu hóa, nhất là trẻ con và những người ở xa về”.
Cách đó chừng 500m, tiếp chúng tôi trong căn nhà ẩm thấp, chật chội bà Trần Thị Tứ cũng ở thôn Bình Tiến lắc đầu nói: “Nước này gia đình chúng tôi phải lọc qua 3 bể thì mới dùng được mà cũng chỉ dùng để tắm rửa, giặt giũ chứ không thể dùng làm nước ăn được. Vào mùa mưa còn có nước mà dùng chứ vào mùa nắng một giọt nước quý hơn vàng, chúng tôi phải chắt chiu thì mới mong đủ”.
Hầu hết các hộ dân trong thôn đều đang sử dụng nguồn nước nhiễm phèn. Nước bơm từ dưới giếng lên để một lúc đều thấy ngả sang màu vàng sau đóng váng đặc quánh, nổi lềnh bềnh. Một hộ dân ở xóm Trung Hòa cho biết, vào mùa mưa nước nhìn còn đỡ hơn chứ những ngày nắng nước vừa đỏ ngầu vừa có hiện tượng giống như dầu. Các thiết bị trong nhà như nồi niêu, xoong chảo, thau chậu có sử dụng nước giếng đều chuyển sang một màu vàng cáu bẩn. Tuy vậy, không phải gia đình nào cũng có nước giếng để dùng, hầu hết người dân nơi đây phải đào sâu dưới lòng đất với độ sâu khoảng 14 – 15m mới có mạch nước ngầm nhưng khi có nước cũng chỉ là nước nhiễm phèn nặng. Có hộ gia đình khoan năm lần bảy lượt, sâu tới 20 – 30m vẫn không tìm thấy nguồn nước ngầm nên phải mang thùng hoặc can sang nhà hàng xóm xin nước để dùng. Theo quan sát của chúng tôi, xung quanh thành giếng và các bể lọc nước của người dân phèn đóng một lớp vàng khè, cứ trung bình vài ngày dân lại phải súc bể một lần.
Nguồn nước sạch khan hiếm nên từ ăn uống, tắm giặt, rửa ráy… đều phải tiết kiệm từng giọt. Điều đáng nói là nguồn nước nhiễm phèn không chỉ ảnh hưởng đến sinh hoạt hằng ngày của người dân mà cũng gây rất nhiều bất tiện cho nhu cầu sử dụng nước tại các trạm y tế và trường học đóng trên địa bàn.
Theo một số người dân cho biết, tình trạng này đã tồn tại từ bao năm nay, thỉnh thoảng cũng có một số người về kiểm định chất lượng nguồn nước nhưng rồi…một đi không trở lại.
Gặp chúng tôi anh Trần Văn Hùng, người có thâm niên làm nghề đào giếng cho biết: Hầu hết giếng nước ở đây đều bị nhiễm phèn nặng. Dù chỉ cách nhà máy nước sạch chừng 1km nhưng người dân cũng đành chịu cảnh sống chung với nguồn nước nhiễm phèn, nhiễm mặn từ bao đời nay rồi”.
Ông Nguyễn Hoàng Mai, Chủ tịch UBND xã cho biết: “Toàn bộ nguồn nước trên địa bàn xã bị nhiễm phèn, đặc biệt là những xóm thuộc vùng trũng, thấp như xóm Bình Tiến, Tân Hòa, Trung Hòa… bị nhiễm nặng hơn. Vấn đề này xã cũng biết, thấy người dân khổ bản thân tôi cũng xót, tuy nhiên với nguồn kinh phí eo hẹp của xã thì việc triển khai dự án cấp nước sạch cho bà con nằm ngoài khả năng. Xã cũng nhiều lần kiến nghị lên huyện mà vẫn chưa có phương án giải quyết”.
Chia tay người dân xã Thạch Tân chúng tôi cứ ám ảnh mãi với câu hỏi: Đời chúng tôi liệu có được dùng nước sạch hay không?
HẠNH NGUYÊN
Dân Việt