Văn hoá Dân gian

Hà Tĩnh: Số hóa các đạo sắc, chiếu chỉ, văn tự cổ Hán Nôm

Ngày 29-8, Bảo tàng Hà Tĩnh phối hợp với Thư viện Khoa học Tổng hợp TP Hồ Chí Minh, Thư viện tổng hợp tỉnh Thừa Thiên Huế và địa phương xã Thạch Trị tiếp tục tổ chức khai mở hòm bộ sắc phong, sao chụp, số hóa dữ liệu các tư liệu Hán nôm và đạo sắc cổ tại đền Cả, miếu Ngu xã Thạch Trị, huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh).


Thạch Trị là là một địa phương trong tỉnh Hà Tĩnh có rất nhiều đạo sắc, chiếu chỉ văn tự Hán Nôm cổ được lưu giữ trong nhân dân và tại đền Cả.


Các chuyên gia đã tiến hành phục chế, dịch văn tự và sao chụp mã số hóa hơn 200 đạo sắc chiếu chỉ qua các triều đại phong kiến bằng văn tự Hán Nôm được lưu giữ tại đền Cả có niên đại cách đây khoảng trên dưới 450 năm; chủ yếu là các sắc phong thần.


Chuyên gia mã số hóa Phạm Xuân Phượng cho biết: Qua giám định, mã số hóa hơn 200 đạo sắc, đã có đến 50% bản phẩm hiện vật gốc bị xuống cấp hư hỏng nặng.


Dự kiến, đợt thống kê, sao chụp số hóa các dữ liệu Hán Nôm lần này sẽ được triển khai tại sáu xã, gồm: Thạch Trị, Thạch Đỉnh, Thạch Khê, Thạch Hải, Thạch Lạc và Thạch Bàn (đều thuộc huyện Thạch Hà) với số lượng khoảng hơn 500 văn bản, tài liệu hiện vật gốc.


Qua đợt mã số hóa bộ sắc phong tại Thạnh Hà là cơ sở bước đầu để các nhà khoa học thống kê, số hóa dữ liệu các tư liệu văn tự Hán Nôm đạo sắc chiếu chỉ, gia phả, văn cúng qua các triều đại phong kiến tại Thạch Hà nói riêng và Hà Tĩnh nói chung.


Đây cũng là dịp để BQL di tích đền Cả được tư vấn, tích lũy kinh nghiệm bảo quản hiện vật gốc theo truyền thống.


Hiện, Hà Tĩnh có hơn 15.000 tư liệu văn tự lịch sử Hán Nôm đạo sắc, chiếu chỉ các triều đại phong kiến Việt Nam phong tặng cho các địa phương, gia phả các dòng họ và các danh nhân lịch sử văn hóa đã có công trong quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam.



THÀNH CHÂU – QUANG SÁNG

Nhân Dân

  Từ khóa: đạo sắc , Số hóa

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP