Tin Hà Tĩnh

Hà Tĩnh: Sinh viên “tố” học điện nhưng trường cho thực hành... xúc cát, bốc gạch

Được Trường Cao đẳng nghề Công nghệ Hà Tĩnh (Trường nghề số 5) cử sinh viên đi thực tập tại Công ty CP Tư vấn đầu tư và xây dựng số 5 . Tuy nhiên, thay vì được học việc thì những sinh viên trường này phải lao động chân tay từ sáng đến tối.

Học điện bắt đi “thực hành” xúc cát, bốc gạch!

Hơn 50 em học sinh Trường Cao đẳng nghề công nghệ Hà Tĩnh (trường nghề số 5) được nhà trường này cho đi “thực tập, trải nghiệm thực tế” tại Công ty CP tư vấn đầu tư và xây dựng số 5 (công ty xây dựng số 5).

Tuy nhiên, trao đổi với PV, nhiều em là sinh viên các khoa Cơ điện tử, điện công nghiệp, lớp K22A1 (năm 1, 2 - PV) cho rằng, các em không được thực tập tại Cty xây dựng số 5 mà là đi “thực tế” tại công trường thi công Nhà máy năng lượng mặt trời có địa chỉ tại xã Chư Gu, huyện Krông Pa (tỉnh Gia Lai) và công việc chủ yếu là kéo cáp, xúc cát, bốc gạch với điều kiện làm việc hết sức khổ cực.

Trường Cao đẳng nghề công nghệ Hà Tĩnh nơi các em sinh viên được cử đi thực tập.

Hơn 50 em đang theo học tại Trường nghề số 5 Hà Tĩnh với các ngành nghề được đào tạo như: Điện công nghiệp, Cơ điện tử, Kỹ thuật máy lạnh… nhưng khi được cử đi thực tập tại Cty xây dựng số 5 thi các em không được làm quen với các kiến thức đã được học mà chủ yếu được biến thành “công nhân” lao động chân tay.

Đồng thời, nhiều em sinh viên coi đợt “thực tập” của nhà trường như là một hình thức “bóc lột sức lao động” trắng trợn, bởi lẽ các em phải làm việc suốt 10 tiếng/ ngày, mức lương được nhận vỏn vẹn 180 nghìn đồng nhưng phải trừ tiền cơm trưa 50 nghìn do công ty xây dựng 5 trả lương.

Các sinh viên cho rằng, với thời gian làm việc 10 tiếng/ ngày nhưng nhận được mức lương như thế thì rất thấp so với bình quân lao động phổ thông.

Em D.V.T (Lớp K22A1, chuyên ngành điện công nghiệp) cho biết: Trong hợp đồng được ký với Cty là một ngày làm 8 tiếng nhưng thực chất là làm 10 tiếng. Buổi sáng làm từ 6h đến 11h30, chiều từ 13h30 đến 18h tối.

“Bọn em được học tại nhà trường chuyên về điện nhưng vào đây được họ phân công làm xúc cát, đẩy gạch.”

“Trong hợp đồng thì mức lương họ không ghi cụ thể mà chỉ trừ một khoảng trống. Mỗi tháng thì sinh viên trường nghề số 5 được nhận 180 nghìn đồng chưa tính tiền cơm còn mức lương các công nhân khác vào làm ở đây là 280 nghìn đồng”.

Ngoài ra, em T thắc mắc, tại sao sinh viên mới năm thứ nhất chưa nắm được nhiều kiến thức nhưng nhà trường lại cho đi thực tập? Việc được đi sớm quá nên không được làm quen, hoặc làm việc với máy móc nên các em phải làm việc khác.

“Do điều kiện làm việc nặng nề, thời gian làm 10 tiếng/ ngày giữa trời nắng nóng nên có một số bạn đã bỏ về. Bản thân em hôm qua làm mệt quá nên hôm nay xin nghỉ ở phòng”, em Thuyên cho biết.

“Doanh nghiệp hơi lạm dụng!”

Thầy Nguyễn Trọng Tấn – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ Hà Tĩnh cho biết: Có việc nhà trường cử các em sinh viên của trường vào Cty xây dựng số 5 để thực tập.

Về việc các em có kiến nghị về việc đi thực tập nhưng lại làm việc không đúng chuyên môn, chế độ làm việc quá thời gian quy định, mức lương thấp… thì nhà trường sẽ cho người vào làm việc với Cty xây dựng số 5 để nắm tình hình.

Theo thầy Tấn, việc sinh viên phản ánh như thế là có, “cách đây mấy hôm tôi có nhận được thông tin về việc sinh viên có đem thông tin về việc kéo cáp, đẩy gạch lên mạng xã hội Facebook. Tôi có động viên các em là đi thực tập được làm theo chuyên môn thì khó cho doanh nghiệp quá. Tuy nhiên, việc các em phản ánh thì doanh nghiệp cũng có hơi lạm dụng!

Nhà trường sẽ làm việc với DN, nếu điều chỉnh được công việc thì tốt còn không thì sẽ đưa các em về. Việc thực tập chỉ là nâng cao kỹ năng nghề và cách làm việc là chính. Nếu việc làm ngoài trời nhiều quá, và công việc không liên quan đến vấn đề học tập thì sẽ cho các em về.

Thế nhưng, khi PV đề nghị cung cấp hợp đồng giữa đơn vị với Cty xây dựng số 5 thì ông Tấn cho rằng người phụ trách vấn đề này đi vắng, lúc nào nhà trường chuẩn bị được thì sẽ cung cấp.

Tác giả: Hà Vũ

Nguồn tin: Báo Infonet

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP