Chi cục Quản lí thị trường Hà Tĩnh vừa ra thông báo cho tất cả các tiểu thương về việc siết chặt các mặt hàng, hàng hóa xuất nhập, đều phải có hóa đơn, chứng từ, chứng nhận được nguồn gốc xuất xứ. Tuy nhiên, hầu hết các tiểu thương kêu khó khăn ngay khi bắt đầu thực hiện.
Các tiểu thương tại Hà Tĩnh kêu gặp khó vì việc kiểm soát hàng hóa bằng hóa đơn, chứng từ – ảnh Trương Hoa |
Tiểu thương kêu khó
Chi cục quản lí thị trường Hà Tĩnh mới đưa ra thông báo cho các tiểu thương tại Hà Tĩnh, khi xuất nhập hàng hóa phải có hóa đơn, chứng từ chứng minh được nguồn gốc xuất xứ, để tránh hàng giả, hàng kém chất lượng. Dù mới thông báo, chưa đi vào thực thi quyết định thì đã nhận ngay sự phản ứng gay gắt.
Tiểu thương cho rằng, nếu muốn siết chặt hàng hóa đối với những tiểu thương buôn bán nhỏ lẻ thì trước hết phải chặn từ “gốc”, tức là tại các cửa khẩu, nơi xuất hàng về.
Theo chị Ngô Thị Soa (43 tuổi), tiểu thương kinh doanh quần áo tại chợ Hà Tĩnh cho hay, đầu tháng 2/2014 chúng tôi nhận được một thông báo từ Chi cục quản lí thị trường về việc, mỗi ki ốt khi xuất, nhập hàng hóa phải có hóa đơn, chứng từ chứng minh được nguồn gốc xuất xứ, có hóa đơn, chứng từ khi xuất nhập hàng hóa là để tránh hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng. Nếu ki ốt nào không thực hiện đúng chỉ thị trên, buộc cơ quan chức trách sẽ niêm yết, tịch thu và phạt hành chính ki ốt vi phạm.
Muốn siết chặt hàng hóa phải xử lí tận gốc, nếu chỉ xử lí ngọn thì không khả thi. |
“Việc làm trên theo tôi là đúng, tuy nhiên phải bằng cách nào, chứ chỉ xử lí đối tượng buôn bán nhỏ lẻ e khó. Siết chặt hàng hóa bằng hóa đơn, chứng từ để chứng minh nguồn gốc xuất xứ thì mỗi tiểu thương phải mua hóa đơn GTGT, đóng thêm 10% thuế. Mua hóa đơn, thì phải đóng thuế, điều đó đúng. Nhưng cái bất cập ở chỗ, chúng tôi buôn bán nhỏ lẻ, vốn ít, hàng hóa mua không nhiều, nên khi đi lấy hàng buộc nơi xuất hàng viết cho cái hóa đơn là rất khó. Đó là chưa nói đến việc, mặt hàng quần áo lấy từ cả chục địa điểm, mỗi nơi lấy 5, 10 cái lẻ tẻ, rất khó có hóa đơn”, chị Soa than phiền.
Tiếp lời chị Soa, bà Nguyễn Thị Viết (54 tuổi), tiểu thương bán quần áo tại chợ Hà Tĩnh nói, mỗi khi đi lấy hàng, và thường lấy mỗi nơi một ít, chục cái quần, dăm cái áo, vài chục cái khẩu trang… nếu bán không hết thì đem trả lại. Vì thế có yêu cầu nơi xuất hàng viết cho cái hóa đơn họ cũng không bao giờ làm(!?).
“Chúng tôi có cái khó khăn riêng! Nếu cấp trên đi kiểm tra, chúng tôi không chứng minh được hàng xuất xứ thì họ sẽ niêm yết, tịch thu hàng hóa. Tiểu thương như tôi chỉ có cách đóng cửa”, bà Viết than.
“Tính từ trên xuống, chúng tôi là đối tượng buôn bán cuối cùng. Các cơ quan chức trách không xử phạt, thực hiện nghiêm từ nơi xuất lô hàng đầu tiên mà bỗng dưng xử phạt chúng tôi chẳng khác nào gây khó khăn cho các tiểu thương buôn bán nhỏ lẻ. Muốn kiểm soát được mặt hàng xuất xứ thì phải đánh từ gốc, chưa “nhổ tận gốc” mà lại “chặt ngọn” chẳng khác nào xây nhà mà không làm móng, chị Nguyễn Kim Tiến, một tiểu thương tại chợ Hà Tĩnh phân tích.
Quản lí bằng hóa đơn, chứng từ có khả thi?
Theo ông Nguyễn Cự Dũng, Chi cục trưởng, Chi cục quản lí thị trường tỉnh Hà Tĩnh, việc siết chặt kiểm tra hóa đơn các hộ kinh doanh thực hiện theo Nghị định 185/2013/NĐ-CP về việc Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Theo đó, áp dụng chế tài xử phạt hành chính đối với các tiểu thương buôn bán có vi phạm các điều khoản nghi rõ trong nghị định. Việc kiểm soát hàng hóa bằng hóa đơn không phải khó, chỉ cần mặt hàng giá trị trên 100 ngàn đồng là phải có hóa đơn, không có là tịch thu hàng.
Việc kiểm soát hàng hóa bằng hóa đơn do Sở công thương, Chi cục quản lí thị trường chỉ đạo thực hiện, khi đi kiểm tra, lực lượng quản lí thị trường chỉ cần xem hóa đơn trên sẽ biết được mặt hàng xuất xứ từ đâu, nếu tiểu thương không trình được hóa đơn, chứng từ, ngay lập tức sẽ chịu xử phạt.
“Việc kiểm soát người buôn bán, rồi hàng hóa xuất xứ, hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng luôn là thách thức lớn đối với các cơ quan chức năng. Bản thân, người buôn bán cũng tìm đủ cách để “luồn lách” đem các mặt hàng kém chất lượng đến với người tiêu dùng”, ông Dũng nói.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Đình Khoa, Đội trưởng Đội QLTT số 1, thuộc Chi cục quản lí thị trường Hà Tĩnh cho biết, lâu nay, chỉ kiểm tra trực tiếp bằng nghiệp vụ để chứng minh hàng hóa. Làm như vậy rất bất lợi, người buôn bán sẽ có cách đối phó. Khi chưa ban hành quy định, tuyên truyền cho tiểu thương hiểu thì họ chưa chịu nghe, khi áp dụng chế tài thì họ than thở, khiến chúng tôi khó xử lí! Chỉ có cách ban hành quy định, đánh thẳng vào tài chính, người buôn bán mới tuân thủ, việc kiểm tra hàng hóa mới chuẩn xác.
Ông Khoa cũng chia sẻ, mỗi một quyết định khi ban hành để áp dụng vào thực tế, ban đầu luôn khó khăn, có nhiều luống ý kiến khác nhau. Muốn cho dân hiểu, không gây hoang mang cho dân, buộc các cơ quan chức năng phải vào cuộc đồng loạt. Tuyên truyền mà không xử lí thì người dân không chấp hành. Việc kiểm soát hàng hóa bằng hóa đơn, đây là ý kiến hay.
“Thực hiện hóa đơn, chứng từ chúng tôi áp dụng từ trên xuống dưới, chứ không phải chỉ ở các tiểu thương buôn bán nhỏ lẻ, mà thực hiện đồng loạt. Kiểm tra nơi nhập khẩu hàng hóa, các đơn vị và các doanh nghiệp bán hàng, vận chuyển trên đường, nơi bốc xếp về kho hàng… tất cả phải có hóa đơn, chứng từ. Thường thì hàng có hóa đơn thì mặt hàng luôn đắt hơn, còn hàng trôi nổi thì xuất ra luôn rẻ nhưng chất lượng đến với người tiêu dùng luôn kém”, ông Khoa nói thêm.
Ông Nguyễn Cự Dũng thừa nhận, ban đầu thực hiện siết chặt hàng hóa bằng hóa đơn, chứng từ sẽ khó khăn, tâm lí người dân khi tiếp nhận một quy định mới luôn phản ứng gay gắt. Hễ dân phản ứng mà chính quyền dừng lại thì lần sau sẽ khó thực thi các văn bản mới. Các tiểu thương muốn kinh doanh lâu dài thì phải hiểu rõ về pháp luật. Ở góc độ quản lí nhà nước chúng tôi phải tuyên truyền cho dân hiểu, dân thực hiện.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Cừ, một tiểu thương Hà Tĩnh kiến nghị, “Chúng tôi đóng thuế từ 300-500 ngàn đồng/tháng/ki ốt, giờ lại thêm 10% thuế GTGT khi mua hóa đơn. Bản thân người buôn bán, chưa học hết bậc tiểu học, cầm cái quần lên chả biết hàng xuất từ đâu, chỉ biết hàng đó rẻ, thuận thị hiếu người tiêu dùng thì mua. Tiểu thương tại Hà Tĩnh thực hiện đúng luật pháp, viết hóa đơn khi xuất hàng. Nhưng khi đi mua hàng tại các tỉnh khác, lại không được đáp ứng. Có người đã trả lời “muốn có hóa đơn thì đến cửa khẩu mà lấy hàng”. Nếu muốn siết chặt hàng hóa thì các cơ quan chức năng cần thực hiện thống nhất gwiax các tỉnh và trên toàn quốc một cách đồng bộ”.