Đoạn tường thành cổ phát lộ trong quá trình nguời dân địa phương phát quang bụi rậm để trồng cây. Vị trí đoạn thành cổ nằm trong khu vực núi Chuối về phía Đông Bắc, lưng chừng dãy núi Thiên Nhẫn, thuộc địa giới xã Sơn Tiến.
Đoạn thành cổ này dài gần 300m, cao 2,5m, rộng 0,85m, được xây cất với bên ngoài ghép đá, phía trong đắp đất; đá xây thành là những phiến đá tự nhiên được ghép chồng lên nhau. Một số đoạn được người xưa tận dụng các khối đá tự nhiên để làm tường, số khác nằm phía dưới chân núi Chuối đã bị cư dân khai thác đá nên chỉ còn lại tường đất.
Người xưa đã lợi dụng những dãy đá tự nhiên để tạo tường thành |
Khảo sát nghiên cứu bước đầu thì đây là hệ thống thành luỹ phòng thủ do danh tướng Nguyễn Tuấn Thiện chỉ huy, xây dựng trong khoảng thời gian từ năm 1418 – 1425. Ông được vua Lê Lợi phong chức Hiệp trấn Ái châu và Hoan châu (Thanh – Nghệ – Tĩnh) với tước Khai quốc công thần triều Lê.
Đây là hệ thống thành luỹ nằm ở khu vực phía Bắc, cách động Tiên Hoa gần 2km để ngăn chặn sự tấn công của quân Minh từ Lam thành (Nghệ An) nhằm để bảo vệ căn cứ Đỗ Gia ở Động Tiên Hoa (xã Sơn Phúc) – nơi đóng Đại bản doanh của nghĩa quân Lam Sơn trong những năm 1418 – 1425 chống quân Minh xâm lược.
Đoạn thành cổ bằng đất phát lộ sau khi người dân khai thác đá xung quanh |
Hệ thống thành luỹ cổ thời Lê khá rộng, kéo dài khoảng 3km qua các xã: Sơn Tiến, Sơn Thịnh, Sơn Tân, huyện Hương Sơn và được bao bọc bởi dãy núi Thiên Nhẫn trùng điệp và sông Ngàn Phố với địa hình hiểm trở. Tại các khu vực này còn ghi dấu những địa danh thời Lê Lợi, gắn liền với cuộc khởi nghĩa Lam Sơn như: Tàu Voi, Bãi Tập, Cồn Dài, Bạch Tượng, xóm Hào, xóm Kho…
Việc phát hiện thành cổ thời Lê và những địa điểm dấu tích liên quan đến cuộc khởi nghĩa Lam Sơn là vô cùng quý giá, giúp các nhà nghiên cứu lịch sử văn hoá làm sáng tỏ thêm những giá trị lịch sử của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn và vùng đất này trong quá trình lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc.
Thời gian tới, Bảo tàng Hà Tĩnh sẽ tiếp tục khảo sát nghiên cứu tổng thể hệ thống thành luỹ cổ thời Lê và các dấu tích liên quan đến cuộc khởi nghĩa Lam Sơn trên địa bàn huyện Hương Sơn để phục vụ cho công tác nghiên cứu./.
Lê Bá Hạnh