Thôn Quang Lạc là vùng đất cát bạc màu, xưa kia là bồi lắng của biển. Nơi đây, người dân không thể trồng lúa, thay vào đó là trồng các vụ rau, dưa. “Rau thay thóc” là câu cửa miệng mà họ hay nói về “bản sắc” của thôn mình. Họ bán rau mua lương thực, thực phẩm, bán rau lo sinh hoạt hàng ngày. Vậy nhưng, vụ đông năm nay, hết bão lũ, đến gió mùa, đất không rút nước, thậm chí có nơi bị ngập, nói theo Trưởng thôn Trần Văn Công là “coi như mất trắng”.
Dự án trồng rau – củ – quả trên đất cát hoang hóa, bạc màu tại xã Thạch Văn (Thạch Hà) do Tổng Công ty KS&TM Hà Tĩnh làm chủ đầu tư mở hướng đi mới cho người dân ven biển. Ảnh: Xuân Hòa |
Độ này mọi năm, người dân đã trồng được 3, 4 lứa rau, chủ yếu là các loại: ngò, hành, xà lách, rau cải; có gia đình thu nhập 6-8 triệu đồng. Năm nay, dầu người dân đã tranh thủ thời tiết để làm đất trồng rau nhưng các vồng rau bị xói lở, nhiều diện tích bị hư hại (có số không nảy mầm, số nảy mầm bị dập, nát). Đến nay, chưa có hộ nào trồng được rau và có rau để bán.
Không thể trồng rau, nhiều gia đình ở đây lâm vào tình cảnh khó khăn. Nếu những người ở độ tuổi lao động có thể đi làm thợ xây và lao động tự do thì những người lớn tuổi, các gia đình có phụ nữ là trụ cột lại nhàn rỗi… nhìn trời. Theo ông Hồ Sĩ Hùng, từ tháng 4 lại nay, do không thể trồng được rau nên gia đình không có một khoản thu nào trong khi chi phí tăng cao.
Giáp thôn Quang Lạc, thôn Liên Hải (Thạch Hải) có điều kiện đất đai tương tự nên người dân cũng phải trông chờ vào mùa rau. Năm nay, hàng chục gia đình thôn Liên Hải bất đắc dĩ thành người nhàn rỗi.
Nhàn rỗi vào dịp cuối năm khi tết đang về khiến lòng người thêm lo lắng. Từ chỗ thức khuya, dậy sớm lo cày ải đất đai, chạy chợ, người dân vùng rau không thể hối hả, phấn khởi, thay vào đó là sự trằn trọc trong từng giấc ngủ, bữa ăn. Họ lo những ngày dài sắp tới và mong chờ trời thuận. Nếu trời thuận, họ sẽ ra đồng, dọn vườn, cày ải và gieo trỉa. Họ cần gấp rút để “vớt vát” một mùa không theo lẽ thường.
DŨNG ĐAN