Mùa mưa lũ năm nay những hộ dân nơi đây đã phần nào yên tâm hơn.
Xã Sơn Thịnh những ngày này, mỗi gia đình đều có sự bận bịu riêng, song ẩn hiện trên mỗi khuôn mặt người nghèo nơi đây là niềm vui vì được đưa đồ đạc lên “nhà mới” – chòi tránh lũ. Khác với những năm trước, mỗi khi đến mùa lũ lại phải khăn gói lên đồi, lên núi.
Vừa đưa đồ đạc lên nhà chòi, chị Phạm Thị Thanh (xóm Phúc Thịnh) vui vẻ nói: “Gia đình tui nằm sát sông Ngàn Phố nên mỗi khi có mưa lớn kéo dài là nước lũ tràn vào rất nhanh, năm 2010 nhà tui bị nước cuốn trôi sạch, đến giờ vẫn thấy dấu nước trên tường. Người thì còn sống sót được chứ đồ đạc, lợn, gà thì trôi hết. Năm nay nhờ có sự hỗ trợ của Nhà nước mà gia đình tui xây được cái nhà này. Giờ chỉ cần đem đồ lên đây thôi chứ không phải chạy đi đâu nữa, mừng quá anh chị ạ. Có được mái chòi như thế này là mơ ước cả đời tui rồi, không chỉ tui mà cả xã này đều vui”.
Sang xóm An Thịnh, chúng tôi cũng cảm nhận được niềm vui của nhiều gia đình đã được hỗ trợ xây nhà tránh lũ. Chị Đặng Thị Lài chia sẻ: “Mọi năm cứ nghe động là nhà tui đưa trâu lên trên rú rồi về chuyển đồ đạc đi, lũ mấy ngày cũng phải bám trụ trên đó. Cứ mùa lũ đến là gia đình tui lại cơ cực. Cả nhà sống nhờ 4 sào ruộng nhưng mỗi lần lũ đến là toàn bộ lúa, hoa màu đều mất trắng cả. Ngoài tiền hỗ trợ tui còn vay thêm nữa nên đã xây được nhà chòi trị giá 50 triệu đồng, phía dưới dùng để nấu ăn, sinh hoạt, phía trên để đồ đạc, rất tiện. Bây giờ lũ có về chúng tôi cũng không sợ nữa”.
Xã Sơn Thịnh được tỉnh Hà Tĩnh chọn là một trong 3 xã xây dựng thí điểm 50 nhà chòi. Sau khi có chủ trương, tất cả 6 thôn đều được họp bàn nghiêm túc. Hầu hết những gia đình chưa có nhà ở kiên cố, sàn nhà cao hơn mức ngập lụt từ 1.5 đến 3.6m, là những hộ đặc biệt khó khăn, gia đình chính sách… được bà con thống nhất lựa chọn. Có gia đình được bình xét để xây chòi nhưng đã nhường cho các hộ khác có hoàn cảnh hơn.
Ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó bí thư Đảng ủy xã Sơn Thịnh cho biết: “Nhận được chỉ đạo của cấp trên, xã đã tiến hành triển khai thực hiện một cách dân chủ, công khai, minh bạch. 50 nhà chòi ở Sơn Thịnh đã được dựng lên trong vòng 6-7 tháng, tất cả các nhà đều vượt mức diện tích sàn vượt lũ tối thiểu 10m2, với chi phí xây dựng một chòi từ 30-60 triệu đồng”.
“Xã Sơn Thịnh có 870 hộ trong đó 26% là hộ nghèo. Trận lũ lịch sử năm 2010 khiến hầu hết các hộ dân trong xã đều bị ngập nặng, có nhà bị ngập cao gần 3m. Nếu xét cần phải làm chòi tránh lũ thì hầu hết các hộ dân xã Sơn Thịnh đều phải làm nhà theo kiểu này. Chính sách về với người dân vào đúng thời gian cao điểm của lũ lụt nhưng thời tiết rất ủng hộ nên tốc độ triển khai tương đối nhanh. Có chòi tránh lũ bà con sẽ chủ động được nơi ở khi có lũ và yên tâm sản xuất vì không phải di dời đến nơi ở khác. Để có được 50 nhà chòi khang trang các cá nhân, tổ chức cũng đóng góp rất nhiều công sức. Chương trình không chỉ giúp cho các hộ nghèo cải thiện được nhà ở mà còn phát huy được sức mạnh của tập thể, tinh thần đoàn kết trong dân”, ông Dũng cho biết thêm.
Không chỉ người dân xã Sơn Thịnh được hưởng niềm vui này mà 27 hộ nghèo của xã Hòa Hải và 23 hộ ở xã Phương Mỹ, thuộc huyện Hương Khê cũng được hỗ trợ xây nhà tránh lũ.
Mặc dù mức hỗ trợ còn ít song chòi tránh lũ đã đáp ứng được nguyện vọng thiết yếu của các hộ nghèo, gia đình chính sách ở vùng ngập lụt. Tuy nhiên, sau khi thí điểm xây dựng mô hình này và nhận thấy kết quả rất khả quan, thiết thực song chưa có hộ dân nào trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh tự xây nhà tránh lũ. Điều đó cho thấy sức lan tỏa của Quyết định 716 chưa lớn và tư tưởng trông chờ, ỷ lại vẫn đang “bám sâu” vào nhiều người dân.
HẠNH NGUYÊN
Đại Đoàn Kết