Vượt khỏi “ao làng”
Cơn mưa kéo dài trọn một ngày đêm do hoàn lưu bão số 3 vừa qua đã làm một số diện tích rau trồng trên cát thuộc cánh đồng xã Thạch Văn, Thạch Hà bị ngập. Mới bảy giờ sáng, lãnh đạo UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cán bộ UBND và Hội phụ nữ xã Thạch Văn đã có mặt cùng bà con “cứu” rau. Phần lớn nông dân có mặt trên cánh đồng là xã viên Hợp tác xã (HTX) rau củ quả Hằng Bảy. Nếu không được cán bộ hội phụ nữ tỉnh giới thiệu, sẽ chẳng ai biết người phụ nữ gầy gò, đội nón lá lúp xúp, mặc áo mưa, chân đi dép lê lộ ra mười đầu móng chân mầu vàng đất, chính là Giám đốc Hợp tác xã – chị Phan Thị Bảy.
Bất ngờ, chị Bảy cười: “Ôi trời đất! Cả đời chỉ biết bám đồng ruộng làm ăn, vậy mà qua một đêm, tôi đã trở thành giám đốc HTX với 25 thành viên, phụ trách 3 ha rau sạch trên 20 ha đất cát hoang hóa. Ban đầu run lắm, nhưng chính Chủ tịch Hội LHPN tỉnh xuống tận nơi động viên, khích lệ. Chị ấy nói, cứ mạnh dạn lên, rũ bỏ tư tưởng tiểu nông, vượt qua ao làng ra sông lớn, tìm cách liên kết nhau, làm ăn lớn. Bế tắc khâu nào, mạnh dạn đề xuất, các cấp hội sẽ tìm cách giải quyết, cùng tháo gỡ, tìm đầu ra. Ngày ra mắt HTX, Tỉnh hội về tặng hai máy cày, cấp vốn. Trước đó, tôi được tham gia các khóa tập huấn về quản trị doanh nghiệp, quản lý điều hành, sử dụng nguồn vốn tín dụng quay vòng, do Tỉnh hội tổ chức”.
Hợp tác xã Hằng Bảy, ban đầu chỉ là tổ hợp tác sản xuất của Hội phụ nữ xã với 12 thành viên, chủ yếu là tự sản, tự tiêu. Cho đến khi UBND tỉnh Hà Tĩnh chỉ đạo Tổng công ty Khoáng sản và Thương mại Hà Tĩnh triển khai thực nghiệm dự án “Xây dựng mô hình rau củ quả trên đất cát hoang hóa bạc màu ven biển Hà Tĩnh”, chỉ sau một thời gian ngắn, dải cát hoang đã thành cánh đồng xanh mướt với gần ba chục loại rau củ được trồng, theo mô hình VietGAP. Thu nhập bình quân từ 150 đến 200 triệu đồng, cá biệt 300 triệu đồng/ha, cho ba vụ là số tiền mơ ước của người dân nơi này. Hưởng ứng phong trào phát triển rau sạch trên cát của UBND tỉnh, Hội phụ nữ đã mạnh dạn đi đầu, xuống địa bàn tìm hiểu, lập kế hoạch, đồng thời tuyên truyền, vận động Tổ rau sạch của chị Bảy tiến lên HTX.
Chị Bảy kể: Hội đề nghị, tôi còn run, nói gì hội viên. Tổ hợp tác lập ra để giúp nhau về vốn, ngày công sản xuất. Thành lập HTX là có con dấu, có tư cách pháp nhân, người đứng đầu phải lăn lộn tìm kiếm thị trường. Ruộng cát, đến cây cỏ còn khó sống, mùa hè đố ai bước được chân trần trên đó, huống chi cây rau mỏng manh. UBND tỉnh có chính sách đặc biệt đối với các tổ chức, cá nhân dám chấp nhận mạo hiểm, đi đầu: Hỗ trợ toàn bộ kinh phí giống, phân bón, đào tạo, chuyển giao công nghệ, san lấp mặt bằng, hồ nước, kênh tưới, tiêu, hệ thống ống tưới… Ngay vụ đầu tiên đã cho thu nhập từ 120 đến 150 triệu đồng/ha, làm nức lòng bà con, ngay lập tức HTX nhận được rất nhiều đơn xin gia nhập.
Câu chuyện của chị Bảy là một thí dụ điển hình của 43 nữ nông dân, chỉ sau một đêm trở thành nữ giám đốc ở Hà Tĩnh. Ðó là xu thế tất yếu của việc liên kết trong sản xuất kinh doanh, phù hợp Nghị quyết của HÐND tỉnh về phát triển kinh tế tập thể, tiêu chí thứ 13 của xây dựng nông thôn mới.
Chỉ trong hai năm, cùng với 43 HTX, quy tụ hơn 500 thành viên là sự hình thành 67 tổ hợp tác với gần 1.500 hội viên, tập trung các lĩnh vực môi trường, chăn nuôi, thương mại dịch vụ, chế biến lương thực, thủy hải sản, tiểu thủ công nghiệp… góp phần giải quyết công ăn việc làm lúc nông nhàn, phát huy tinh thần tương thân, tương ái, giúp đỡ nhau trong sản xuất, hỗ trợ vốn, xóa đói, giảm nghèo.
Sức lan tỏa từ mô hình điểm
Một trong những thành công lớn là việc tập trung xây dựng thí điểm các mô hình kinh tế nhằm vào các sản phẩm chủ lực của tỉnh. Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Hà Tĩnh Nguyễn Thị Hà Tân hào hứng: “Ðây là một trong ba nhiệm vụ lớn được nêu trong Nghị quyết Ðại hội Phụ nữ tỉnh khóa XIV. Chúng tôi đang tập trung gắn kết cuộc vận động “Phụ nữ giúp nhau làm kinh tế” với cuộc vận động “Phụ nữ chung sức xây dựng nông thôn mới”. Cốt tử là tìm ra hướng tiếp cận mới cho hội viên sản xuất ra hàng hóa theo nhu cầu thị trường, liên kết làm ăn, phát triển sản phẩm chủ lực: Rau, gà, lợn, cá, tôm. Tập trung xây dựng thành công các mô hình điểm để chính mô hình tự tỏa sáng cho các hội viên khác học tập, làm theo. Ðồng thời, thường xuyên mở các lớp tập huấn, khởi sự, quản trị doanh nghiệp, quản lý điều hành và sử dụng nguồn tín dụng quay vòng hỗ trợ phát triển sản xuất, đạt hiệu quả tối ưu giúp chị em khởi sự chắc chắn và bền vững. Ðến nay, toàn tỉnh đã có gần một nghìn mô hình do phụ nữ làm chủ, cho thu nhập từ 100 triệu đồng trở lên. Trong số đó, có tám mươi mô hình cho thu nhập từ 500 triệu đồng trở lên”.
Mô hình phát triển kinh tế tổng hợp của chị Ðoàn Thị Nhiên, Chi hội phó Chi hội phụ nữ thôn Hồng Thủy (Sơn Thủy, Hương Sơn) minh chứng về sự mạnh dạn trao vốn, kiến thức cho những chị em thật sự “máu lửa”, có tố chất, năng lực. Bắt đầu với tài sản của hai vợ chồng là 6 ha vườn đồi toàn gỗ tạp và cây ăn quả giá trị kinh tế thấp, loay hoay mãi chị Nhiên vẫn không tìm được con đường thoát nghèo. Thế rồi, đến một ngày hội phụ nữ xã Sơn Thủy triển khai nghị quyết về tam nông, nghị quyết của Hội phụ nữ huyện, tỉnh, chị bắt đầu được tham gia các lớp tập huấn nghề, chuyển giao khoa học kỹ thuật vào sản xuất chăn nuôi, tham quan mô hình hộ nghèo làm kinh tế. Ðược tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi, chị Nhiên mạnh dạn xây dựng mô hình tổng hợp: Trồng cây ăn quả, chăn nuôi bò nái, hươu, lợn nái, gà, cá. Chị Nhiên nhớ lại: Muốn làm ăn lớn phải có gan làm giàu nhưng khó khăn khiến nhiều lúc tôi cũng chùn bước. Nhưng rồi mọi thứ cũng qua. Hiện tại, thu nhập của gia đình chị lên tới 500 triệu đồng/năm. Từ mô hình của chị Nhiên, các chị em trong chi hội, trong xã tìm tới học tập, xây dựng được hơn 40 mô hình, thu nhập từ một trăm đến hai trăm triệu đồng/năm.
“Bà đỡ” cho doanh nghiệp vừa và nhỏ
Vận động, hỗ trợ phụ nữ phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ, vừa là phát triển kinh tế gia đình, vừa là tạo công ăn việc làm tại chỗ cho phụ nữ tại địa phương, là đột phá của hội phụ nữ các cấp tỉnh Hà Tĩnh thời gian qua nhằm khắc phục tình trạng làm ăn nhỏ lẻ, manh mún, thúc đẩy sản xuất hàng hóa quy mô lớn, phù hợp yêu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong xây dựng nông thôn mới. Trong hai năm, Hội phụ nữ các cấp chủ động phối hợp các ngành liên quan, chủ động tổ chức hàng chục lớp tập huấn cho hàng nghìn lượt hội viên về các kiến thức luật pháp và quản trị doanh nghiệp, ma-két-tinh, kỹ năng bán hàng, quản trị tài chính, sản xuất, lập kế hoạch sản xuất kinh doanh. Nếu như toàn tỉnh Hà Tĩnh có hơn 50% số hộ kinh doanh cá thể thì giới doanh nhân nữ Hà Tĩnh có quyền tự hào bởi đã vươn tới con số 20% doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ. Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng suy thoái kinh tế, nhìn chung các doanh nghiệp vẫn bảo đảm ổn định các chế độ, tiền lương, thu nhập cho hàng chục nghìn lao động.
Chúng tôi đến thăm hồ tôm của Công ty TNHH Sao Ðại Dương, nuôi trồng thủy hải sản, khi Giám đốc Nguyễn Thị Hạnh đang xắn quần cùng công nhân thu hoạch tôm. Xuất thân từ một người buôn bán nhỏ, rồi trở thành nữ giám đốc công ty, quy mô sản xuất gần 116 ha, quả là một câu chuyện dài. Nhưng đọng lại trong tôi, đó là người phụ nữ quyết đoán, mạnh dạn tìm kiếm thị trường, áp dụng khoa học – kỹ thuật nuôi tôm vụ đông. Năm 2009 chỉ đạt 180 tấn, đến năm 2013 đã đạt 500 tấn, doanh thu gần 60 tỷ đồng/năm, tạo việc làm thường xuyên cho 50 lao động, thu nhập bình quân sáu triệu đồng/người. Chị tâm sự: “Làm ăn ở vùng đất thường xuyên chống chọi với thiên tai, cộng thêm dịch bệnh phức tạp khôn lường, quả không dễ dàng. Mỗi trận bão lũ, ông trời lại cuốn trôi tất cả ra sông, ra biển. Cơn bão số 10 năm ngoái, trạm bơm và kênh cấp nước biển của công ty bị phá hủy. Thế nhưng, năm qua vẫn là một năm thành công. Ngoài việc biết khai thác lợi thế, sử dụng nguồn nhân lực chất xám cao, bản thân chủ doanh nghiệp phải quyết đoán, dám nghĩ dám làm, “Mưa dầm thấm lâu”, đầu tư dần dần, lãi ít còn hơn thua lỗ. Chúng tôi rất chú trọng chiến lược phát triển bền vững bằng cách không sử dụng hóa chất trong nuôi tôm mà dùng vi sinh để tránh hủy hoại môi trường, xây dựng thương hiệu doanh nghiệp bằng chữ tín”.
Bên cạnh doanh nhân thành đạt Nguyễn Thị Hạnh còn nhiều điển hình khác. Chị Nguyễn Ánh Ngà, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Phú Tài Ðức, giải quyết việc làm thường xuyên cho hơn 600 lao động. Chị Phạm Thị Oanh, Giám đốc Công ty TNHH Hồng Ðức với 100 cán bộ, công nhân viên. Chị Trần Thị Hồng, Giám đốc Công ty TNHH vận tải Quyết Thắng với 200 công nhân và 60 đầu xe các loại… Ðó là những tấm gương sáng đầy nghị lực, táo bạo làm giàu cho quê hương, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động, thu nhập bình quân đầu người từ bốn đến sáu triệu đồng/người.
Thật mừng những thành công trong cuộc vận động xây dựng nông thôn mới ở Hà Tĩnh có một phần đóng góp không nhỏ của chị em phụ nữ, những gái đảm thời công nghiệp hóa.