Để “hợp thức hóa” các khoản thu, nhiều trường nghĩ ra đủ mọi chiêu thức để tận thu, thu sao cho phù hợp, thu mà không ảnh hưởng và lỡ có bị cơ quan chức năng “sờ gáy” còn có đường mà thoát. Như dấu diếm các khoản thu, như chiêu bài thu thỏa thuận nhưng thực chất là bắt buộc… Bởi các trường hiểu tâm lý các phụ huynh dù không đồng tình vẫn phải đóng vì sợ con bị “trù dập”. Đó là thực trạng hiện này tại các trường học ở tỉnh Hà Tĩnh.

01
Trường THCS Sơn Lộc (huyện Can Lộc) vừa qua cũng đề ra những khoản thu “trên trời” khiến phụ huynh bức xúc (ảnh: Mỹ Hoa)

Đủ các khoản thu

Phụ huynh sau khi đi họp, cầm tờ phiếu thu là hoa hết cả mắt. Hàng chục khoản thu được đề ra. Biết rõ nhiều khoản thu ngớ ngẩn, số tiền đóng học quá lớn nhưng đa số mọi người đều đóng vì sợ cô giáo hết thương con mình, gây khó dễ cho học tập của con. Vậy là nhắm mắt đóng, đóng trong uất ức!

Tại Trường tiểu học Cẩm Trung (huyện Cẩm Xuyên) ngoài danh sách cứng 12 khoản thu do nhà trường đề ra gần 2,8 triệu đồng, ở các lớp còn thu thêm để nâng số tiền đóng học thành 3,7 triệu đồng, phụ huynh phải è cổ ra đóng phí học cho con mặc dù cuộc họp trên lớp chả mấy ai đồng ý.

Danh sách 21 khoản thu tại Trường tiểu học Cẩm Hà (huyện Cẩm Xuyên) dù chưa được duyệt đã tiến hành thu (ảnh: Mỹ Hoa)

Rõ ràng, có 3-4 khoản thu chung quy là một, nhưng trường Cẩm Trung lại biến hóa thành nhiều khoản. Cụ thể, trường đã thu tiền xây dựng cơ sở vật chất trên 1 triệu đồng/em nhưng trường vẫn đề nghị đóng thêm khoản sửa chữa đường điện, trả tiền điện, mua sắm đồ dùng dạy học, thiết bị tiếng anh, mua đồ dùng bán trú để nâng số tiền đóng lên tới 2 triệu đồng. Dù biết, khoản thu trên là không phù hợp, nhưng họ vẫn đóng, cho dù phải cầm cố tài sản, miễn là con học hành yên bình.

Ngay sau đó, trường nhận thấy những khoản thu trên là quá vượt mức, nhà trường đã họp phụ huynh toàn trường và trả lại các khoản: 70.000 đồng/HS khối 1 và 2 mua sắm đồ dùng dạy học tiếng Anh (khối này chưa học tiếng Anh); 100.000 đồng/HS đối với khối 3,4,5 không học bán trú; 864.000 đồng/HS tất cả các khối tiền học buổi 2; 100.000 đồng/HS tiền “vệ sinh lớp” cho toàn bộ tất cả các khối. 300.000 đồng/6 buổi tiền lao động phụ huynh của tất cả các khối.

Tại Trường tiểu học Cẩm Hà (huyện Cẩm Xuyên), phụ huynh tá hỏa khi nhà trường công bố danh sách đóng học lên tới 21 khoản, với tổng tiền hơn 4,4 triệu đồng/học sinh. Điều đáng nói tại trường này, những khoản thu đề ra chưa được duyệt và chốt. Trong đó, có khoản 300.000 đồng tiền xây dựng/1 học sinh phải nộp cho UBND xã khiến phụ huynh thắc mắc.

Sau khi thông tin báo chí phản ánh đến ông Phạm Đăng Nhật – Chủ tịch UBND huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh – cho biết, sẽ kiểm tra để chỉ đạo xử lý kịp thời. Ông Nhật cũng khẳng định, bản thân ông đã thường xuyên quán triệt, chỉ đạo ngành giáo dục huyện nhà phải thực hiện nghiêm túc các quy định, đảm bảo thu chi hợp lý, minh bạch. Tuy nhiên, vẫn để xảy ra những sai sót mà báo chí phản ánh. Quan điểm của huyện là sẽ xử lý nghiêm túc.

Điển hình nhất là Trường THCS Đậu Liêu (thị xã Hồng Lĩnh) đầu năm trường đề ra 15 khoản thu, trong đó có những khoản rất “lạ mắt” như tiền hương khói nghĩa trang, tiền đóng cho bảo vệ, tiền gửi xe, tiền photo bài kiểm tra… nâng số tổng tiền đóng học lên 3,5 triệu đồng/em. Dù họp phụ huynh đa số không đồng tình nhưng nhà trường vẫn bảo, đó là những khoản phù hợp, phải đóng.

UBND thị xã Hồng Lĩnh vừa ra quyết định tạm đình chỉ công tác một tuần đối với ông Trần Trọng Thể – Hiệu trưởng Trường THCS Đậu Liêu vì sai sót trong việc đề ra các khoản thu đầu năm học gây bức xúc. Đồng thời hoàn trả lại những khoản thu bất hợp lý cho phụ huynh.

Theo quy trình, đi đến thống nhất các khoản thu, phải lấy ý kiến theo trình tự từ ngành chuyên môn, địa phương, trường học và cuối cùng là phụ huynh. Sau đó sẽ cân đối và lấy ý kiến mới chính thức đưa ra các khoản thu chính thống, khi đó mới bắt tay vào thu tiền đóng học.

Thế nhưng, ở các trường, chính quyền và nhà trường tự thống nhất với nhau, còn phần phụ huynh đã bị lù mờ, cho nên nhiều khoản thu phụ huynh có phản đối cũng vô tác dụng. Tình trạng chung ở vùng quê, có gia đình 3-4 đứa con đi học phải đóng học 10-15 triệu đồng cho kinh phí đầu năm học là điều dễ xẩy ra. Câu hỏi đặt ra, khi nhà trường đề ra đủ các khoản thu họ có nghĩ đến nỗi khổ của các bậc phụ huynh?

Khoản thu đề là tự nguyện nhưng lại bắt buộc

Đi họp phụ huynh cho con về, chị Nguyễn Thị V. (huyện Nghi Xuân) đã phải ôm đầu suy nghĩ, số tiền đóng đầu năm lên tới hơn 3,7 triệu đồng/em cho một bé học mầm non thì có quá nhiều không? Thắc mắc này chị đã tìm đến kênh báo chí để chia sẻ. Chị cũng nói, tâm sự vậy thôi, tuyệt đối không nói ra ngoài, nhà trường sẽ tìm đủ cách gây khó dễ cho con học ở trường, cha mẹ nào mong muốn như vậy.

Chị V. than vãn: Đi họp lớp, chị cầm tờ phiếu thu nhà trường phát cho, thấy trên phiếu đề “Bảng đăng ký đóng góp tự nguyện cho nhà trường năm học 2015-2016”. Trên ghi rõ ràng là “tự nguyện” thì lẽ đương nhiên sẽ hiểu là nộp cũng được mà không cũng không sao. Chị mang thắc mắc hỏi nhỏ cô giáo (hỏi nhỏ vào tai cô thôi – pv): Cô ơi, tự nguyện nghĩa là nộp hoặc không nộp cũng được chứ ạ? Giáo viên nhìn chị như vật thể lạ, kêu chị định chống đối hả. Suy nghĩ mãi, chị V. cũng ký vào bản đồng ý vì giờ có phản đối thì cũng không có cách giải quyết, đi học lỡ cô “không thương” con thì khổ.

Phiếu thu tại một ngôi trường mầm non (huyện Cẩm Xuyên) khoản thu “tự nguyện” nhưng lại bắt buộc (ảnh: Mỹ Hoa)

Nhìn tờ phiếu chị V. biết là vô lý như các khoản: Xây dựng nhỏ cơ sở vật chất là 265 ngàn đồng, tu sửa cơ sở vật chất là 210 ngàn đồng, mua sắm cơ sở vật chất là 755 ngàn đồng, hợp đồng giáo viên nhân viên nuôi dưỡng… 604 ngàn đồng cùng nhiều khoản thu bên ngoài nữa nâng tổng tiền là 3,7 triệu đồng/em học sinh mầm non.

Chị Nguyễn Thị X. một phụ huynh trường mầm non D.N (TP.Hà Tĩnh) chia sẻ, năm nay thấy Sở GD&ĐT nghiêm cấm tuyệt đối việc “lạm thu” tại các trường, nếu phát hiện sẽ xử lý nghiêm. Thế nhưng kiểu “tự nguyện” dựa trên ép buộc như thế thì không phải chút nào. Nếu đã là khoản bắt buộc thì cứ ghi rõ, bỏ “tự nguyện” đi cho đúng nghĩa.

Theo chị X. đó chỉ là một chiêu thức mới của nhà trường, lỡ có sự cố xẩy ra thì còn có cách mà chống chế, đó là phụ huynh tự nguyện. Phụ huynh nào có lỡ miệng nói ra thì nhận được thái độ không nhã nhặn của giáo viên, thậm chí giáo viên đó còn phản ánh lên ban giám hiệu nhà trường rồi nhắn tin cho tất cả các giáo viên trong trường biết tình hình – chị X. nói.

Dấu diếm các khoản thu chi

Việc dấu diếm các khoản thu chi, Trường tiểu học Thạch Đài (huyện Thạch Hà) là một ví dụ điển hình. Bước vào năm học mới, chị H.T.V (trú tại xóm 11, xã Thạch Đài, huyện Thạch Hà) tá hỏa khi nhận thông báo hai đứa sinh đôi học cùng lớp 3A của trường phải đóng hơn 7,5 triệu đồng/2 em. Điều khó hiểu, chị chỉ biết tổng số tiền, còn là phiếu thu cùng các khoản thu nhà trường lại không cụ thể và còn nói: Cứ nộp học cho con xong thì lấy phiếu thu sau.

Khi PV làm việc với bà Trần Thị Dung Huế – Hiệu trưởng Trường tiểu học Thạch Đài hỏi về tờ phiếu thu cùng các khoản thu tại trường thì bà cho biết: “Thực ra nhà trường chưa tiến hành thu, để xem dư luận phụ huynh thế nào đã. Nếu không có gì phản đối thì sẽ thực hiện thu tiền đóng học đầu năm như đã đề ra”. Bà Huế cũng không đưa ra được một tờ phiếu thu để chứng minh, đến lúc căng quá bà buộc phải nhờ một cô giáo khác đọc sơ qua các khoản thu.

Cũng theo ông Trần Trung Dũng – Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Hà Tĩnh cho biết, phụ huynh không đồng tình các khoản thu cũng có nhiều lý do, họ thấy những khoản thu đó không phù hợp, thì họ băn khoăn, bức xúc. Ví dụ, khoản đó năm trước đã đóng sao năm nay đóng tiếp, hoặc đóng xây dựng cơ sở vật chất nhưng lại thấy trường không xây dựng…

Chính vì vậy, nhà trường cần minh bạch các khoản thu – chi. Làm bất kỳ một công trình mới, hay sửa sang, mua mới những vật dụng gì đều phải có hồ sơ, giấy tờ quyết toán. Ông Dũng nhẫn mạnh, trường hợp ở Trường tiểu học Thạch Đài nhà trường làm như vậy là không đúng, cần phải rõ ràng về tài chính, càng minh bạch thì càng dễ giải quyết.

Ông  Nguyễn Tiến D. (TP.Hà Tĩnh) nói về các khoản thu chi đầu năm cho rằng: Vai trò của ban đại diện hội phụ huynh là khâu cuối cùng, quan trọng, không chỉ vận động các khoản đóng góp mà còn là tiếng nói trung gian, chuyển nguyện vọng của phụ huynh, học sinh đến các lớp, nhà trường.

Khi chọn ra ban đại diện hội phụ huynh nhất là Hội trưởng hội phụ huynh, nhà trường phải lựa chọn người phù hợp, người này tuyệt đối không phải là giáo viên trong trường, hay có môi quan hệ thân cận với Ban giám hiệu nhà trường. Khi đề ra các khoản thu, cần tôn trọng ý kiến của phụ huynh để đi đến thống nhất các khoản thu.

Mỹ Hoa / Infonet