TP-Huyện-Thị

Hà Tĩnh: Nhiều bất cập tại Dự án mở rộng quốc lộ 1A

Báo PLVN nhận được phản ánh của một số hộ dân tại xã Thạch Long, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh về quá trình thi công, giải phóng mặt bằng quốc lộ 1A, làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh và cuộc sống của người dân.

Đoạn nhà ông Nguyễn Bá Thế nhiều ngày không có lối vào nhà

“Thất nghiệp” vì phương án thi công

Tháng 9/2016, bắt đầu khởi công thực hiện Dự án mở rộng QL 1A đoạn Bắc và Nam TP Hà Tĩnh, với 11 nhà thầu (thông qua hình thức chỉ định thầu); Sở GTVT Hà Tĩnh đại diện chủ đầu tư, quản lý dự án. Đến nay, công trình đã triển khai được một số hạng mục, nhưng công tác giải phóng mặt bằng vẫn còn “mắc” một số đoạn.

Bà Nguyễn Thị Loan (55 tuổi) Thạch Long, Thạch Hà cho biết: “Nhà tôi là đất thổ cư lâu năm, đến nay vẫn chưa thỏa thuận xong việc đền bù, diện tích bị lấy để làm đường gần 100m2. Tuy vậy, khi chính quyền địa phương đến vận động gia đình tôi mới chỉ chấp nhận cho làm mương để tránh ngập úng, nếu chưa đền bù gia đình tôi quyết không cho đào đường. Gia đình tôi với 7 khẩu, nhưng lại có 3 hộ sống trong nhà, mong muốn của gia đình có được 01 xuất tái định cư. Ngày trước buôn bán ngày còn kiếm được 70 đến 100 ngàn, từ khi thực hiện dự án không có đường vào, bụi bặm, mưa thì nhà như một cái ao nên nhà tôi phải nghỉ bán hàng”.

Dự án mở rộng QL 1A đoạn Bắc và Nam TP Hà Tĩnh đáp ứng nhu cầu vận tải ngày càng tăng trên tuyến QL 1A, góp phần giảm ùn tắc giao thông. Tuy nhiên, quá trình thi công đã gây ra nhiều bất cập cho người dân. Ông Nguyễn Bá Thế – xã Thạch Long, huyện Thạch Hà bức xúc nói: “Nhà tui đang làm nhà mà họ đào đường không chở vật liệu vô, phải đổ từ xa rồi thuê người gánh vào. Họ phải làm đoạn ni xong lại đến đoạn khác chứ như thế này thì người dân khổ lắm. Như đoạn ni làm không đạt chất lượng rồi sửa đi sửa lại làm nhà tui nỏ có đường vô”.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Nguyễn Bá Sơn – Phó Ban GPMB huyện Thạch Hà cho hay: “Mở rộng QL 1A đoạn qua huyện Thạch Hà có tổng chiều dài 3407m từ cầu Cày cho đến ngã 4 đường tránh xã Thạch Long, thực hiện bồi thường từ tháng 8/2016 đến nay cơ bản đã hoàn thành chỉ còn 02 hộ là nhà ông Cư và ông Lộc (chồng bà Loan).

Trường hợp gia đình ông Lộc xác định nguồn gốc đất ở trước năm 1980, nằm trong chế độ được đền bù 98m2 theo đơn giá đền bù của tỉnh hiện hành, nhưng không đủ điều kiện tái định cư. Tuy nhiên, xã và huyện cũng đã thống nhất cho ông Lộc hợp thức một phần đất của xã phía sau gia đình ông Lộc. Chúng tôi cũng nhận được phản ánh của người dân về việc thi công đường ảnh hưởng đến cuộc sống của họ, chúng tôi đã có ý kiến với đơn vị thi công và chủ đầu tư”.

Tất cả các thay đổi đã được Bộ GTVT đồng ý?

Từ những phản ánh của người dân, chúng tôi đi dọc tuyến QL 1A đoạn Bắc – Nam TP Hà Tĩnh, thấy đường thi công cả 2 bên, nhiều hộ gia đình không có lối vào nhà, phần mở rộng thì đào chỗ thấp chỗ cao. Sau khi đào phần mở rộng đường, đất được múc lên không đổ đi bãi thải mà đổ ngổn ngang lên đường thay vào đó là người ta đổ đất mới nhưng trộn lẫn tạp chất. Nhiều đoạn đã được lắp cống thoát nước nhưng không cùng kích thước.

Đem những phản ánh của người dân và thực tế những gì phóng viên ghi nhận, ông Trần Văn Tùng – Trưởng Ban QLDA Sở GTVT Hà Tĩnh cho biết: Việc đào làm nền phần mở rộng tuỳ thuộc địa chất từng đoạn cho nên sẽ có chỗ đào thấp chỗ đào cao. Đất phong hoá sau khi bóc sẽ được đổ đi bãi thải, còn một số đất múc lên chưa đổ đi là do người dân xin lại.

Trong thiết kế đường ngang dân sinh thì mới có cống chịu lực còn lại là bản mương, quá trình thi công các hộ kinh doanh, công ty xin hạ bản mương thì họ phải phối hợp đơn vị thi công, trả thêm tiền cho đơn vị thi công, phần mương hạ xuống thấp hơn khoảng 18cm. Các đoạn hạ mương thấp hơn là thay đổi thiết kế, chúng tôi đã báo cáo, trình và được Bộ GTVT đồng ý mới thi công.

Về việc đã bóc phong hoá thay đất mới, giờ lại bóc phần đất mới đi thay đất khác sẽ tổn thất về mặt kinh tế, ảnh hưởng đến người dân? Ông Tùng cho hay: “Phần mở rộng bây giờ phải làm lại là do quá trình thi công chưa lên đỉnh thoát nước nên ngập phải bóc lại thay đất mới. Chúng tôi đã chỉ đạo phải thi công từng đoạn, làm đoạn nào hoàn thành đoạn đó, nhằm hạn chế ảnh hưởng đến việc kinh doanh của người dân”.

Dự án nâng cấp mở rộng QL 1A (đoạn qua Hà Tĩnh) theo Quyết định số 1344/QĐ-BGTVT ngày 29/4/2016 của Bộ GTVT phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình mở rộng QL 1A đoạn Bắc TP Hà Tĩnh (KM 509 + 700) và Nam TP Hà Tĩnh (KM 514 + 800 – KM 517 + 950) triệu đồng; chi phí GPMB (đã bao gồm phí dự phòng): 85.510 triệu đồng; chi phí QLDA, tư vấn, chi phí khác: 32.129 triệu đồng; chi phí dự phòng dự án (không bao gồm GPMB): 64.565 triệu đồng.

Tác giả: Zen Linh – Nhật Mai

Nguồn: Pháp luật Việt Nam

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP