Kỳ 2: Cơ quan chức năng vô cảm?
Ở vào cái tuổi “xưa nay hiếm”, tấm thân gầy còm, mái tóc bạc trắng, đôi mắt mờ đục, ông Tiến đang chăm chú vào chỉ số máy đo huyết áp cho người vợ bị trọng bệnh đã hơn 6 năm nằm liệt một chỗ. Dành chút thời gian ít ỏi, ông Tiến ngậm ngùi: “Vợ tôi cũng vì tôi mà nên nông nỗi này đó. Tôi theo khiếu nại đòi lại chế độ, gia đình có gì bán hết để làm lộ phí, vợ tôi rất ủng hộ nhưng quá bức xúc, thân tàn lực kiệt vì thương chồng mà đổ bệnh. Cũng vì thế mà tôi phải gác lại việc đi khiếu nại đòi chế độ một thời gian. Giờ tôi chỉ mong được phục hồi chế độ, cho bà ấy vui”.
Đưa thuốc cho vợ uống xong, ông Tiến chia sẻ: “Hơn hai phần ba sức khỏe tôi gửi lại chiến trường. Trở về địa phương, sức khỏe yếu, được Đảng, Nhà nước cho hưởng chế độ, trợ cấp, tôi rất tự hào. Vậy mà không hiểu sao các cơ quan chức năng của địa phương lại vô cảm với một người có công đến vậy?”.
Cũng theo ông Tiến, ông không thuộc diện phải thực hiện theo Quyết định 78 của Hội đồng Chính phủ, sao các cấp lại thu thu hồi sổ bệnh binh và thẻ thương binh của ông? Thu rồi thì phải có ý kiến trả lời, giải thích. Đã hưởng chế độ bao nhiêu năm, chẳng lẽ chế độ ấy của ông từ trên trời rơi xuống? Làm mất sổ của ông thì phải có hồ sơ lưu, chẳng lẽ ông là người đã từng hưởng chế độ chính sách gian dối và từng ấy năm ông hưởng chế độ đó là sai?..
Giọt nước mắt của người đã từng một thời vào sinh ra tử nơi chiến trường lại ứa ra, giọng nghẹn ngào: “Hôm trước, có đoàn cán bộ của Sở LĐ-TB&XH của tỉnh, của huyện và xã về nhà tôi làm việc, tôi rất phấn khởi, cứ ngỡ rằng, chế độ của tôi sẽ được sớm phục hồi. Tôi đã trình bày rõ vấn đề và cho xem tất cả các loại giấy tờ gốc mà tôi còn may mắn giữ được, nhưng rồi cũng chẳng thấy họ có động thái gì. Gần đây, tôi nhận được văn bản của UBND tỉnh, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Hà Tĩnh gửi cho với nội dung đang xin ý kiến của Bộ LĐ-TB&XH”.
“Nhân đây, tôi cũng thẳng thắn trao đổi với các nhà báo một vấn đề mà tôi luôn suy nghĩ, đó là sự vô cảm của các cơ quan hữu trách của tỉnh Hà Tĩnh đối với một thương, bệnh binh: Gần 30 năm nay tôi đã nhiều lần gửi đơn tới các cơ quan có trách nhiệm từ Trung ương đến địa phương. Cấp Trung ương cũng đã có văn bản chỉ đạo về Hà Tĩnh để xác minh, điều tra và giải quyết chế độ cho tôi. Nhưng, cho đến nay, hết lần này đến lần khác, cơ quan chức năng ở Hà Tĩnh cứ trả lời hồ sơ không còn lưu giữ. Vậy tôi xin hỏi, trách nhiệm của các cơ quan chức năng giải quyết vấn đề này ở đâu? Chẳng lẽ họ làm mất hồ sơ của tôi lại bắt tôi phải chịu trách nhiệm, phải chịu thiệt thòi? Rất may tôi còn lưu được một số giấy tờ liên quan, họ đã xem, sao không đi xác minh giải quyết cho tôi?… Cứ lần lữa, vô cảm thế này, chắc đến lúc chết tôi vẫn không được giải quyết!”…- Ông Tiến buồn bã chia sẻ.
Nghe, ngẫm câu chuyện ông Dương Đình Tiến kể, chúng tôi không thể không gợn lên trách nhiệm của một công dân, nhà báo. Phải chăng, sự vô cảm của các cơ quan hữu quan tỉnh Hà Tĩnh khi giải quyết sự việc đối với ông Tiến là có thật? Để rộng đường dư luận, chúng tôi đã hành trình tìm đến các cơ quan liên quan để có câu trả lời.
Xuân Hoàng – Võ Việt
Kỳ 3: Trách nhiệm thuộc về ai..?