Tình trạng trâu, bò chăn thả, đi lại lộn xộn diễn ra phổ biến trên tuyến QL1A đoạn Nam Bến Thủy – TP Hà Tĩnh |
Nguy cơ TNGT do trâu, bò và xe chở đá
Mặc dù TNGT giảm nhưng theo Thượng tá Lưu Văn Tiến – Phó trưởng Phòng CSGT Hà Tĩnh, “trên tuyến QL1A vẫn khá phổ biến tình trạng lái xe chạy quá tốc độ, nhất là vào ban đêm do chủ quan đường đẹp lại vắng. Bên cạnh đó là tình trạng người dân đi ngược chiều, ngang nhiên dắt cả đàn trâu, bò nghênh ngang trên đường gây nguy hiểm cho người và phương tiện tham gia giao thông”.
Minh chứng về hành vi chạy quá tốc độ, lãnh đạo Phòng CSGT Hà Tĩnh viện dẫn: Trong số gần 500 trường hợp vi phạm tốc độ bị phát hiện trên tuyến trong tháng 2/2014 thì 1/3 trong số đó là vi phạm vào ban đêm.
“Riêng về điểm bất cập trong tổ chức giao thông, vừa qua Phòng CSGT đã phối hợp với CIENCO 4, Công an huyện Nghi Xuân, Can Lộc tổ chức khảo sát dọc tuyến, mở thêm dải phân cách ở 2 điểm, tới đây sẽ tiếp tục rà soát để điều chỉnh cho hợp lý”. Thượng tá Lưu Văn Tiến |
Thực tế cho thấy, chủ đầu tư, Tổng công ty XDCTGT 4 (CIENCO 4) đang nỗ lực, phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương để xây dựng tuyến đường: “Xanh, sạch, vệ sinh môi trường và ATGT”. Thế nhưng, tình trạng trâu, bò chăn thả, đi lại lộn xộn đã gây nguy cơ lớn cho các phương tiện. Luật GTĐB đã quy định nghiêm cấm các hành vi chăn thả gia súc trên đường bộ. Tuy nhiên, trên thực tế, người dân vẫn “vô tư” chăn, thả gia súc. Phổ biến nhất là đoạn qua các xã Xuân Hồng, Xuân Lĩnh (huyện Nghi Xuân), phường Đậu Liêu (TX Hồng Lĩnh).
Không chỉ tình trạng trâu, bò mà theo Trung tá Nguyễn Trung Tính – Đội trưởng Đội CSGT huyện Nghi Xuân: “Địa bàn Nghi Xuân và Hồng Lĩnh hiện đang là nguồn cung cấp đá xây dựng cho hai tỉnh Hà Tĩnh và Nghệ An. Hiện tại trên địa bàn có đến cả chục mỏ khai thác đá lớn nhỏ với hàng trăm phương tiện hoạt động mỗi ngày. Đây cũng là nguy cơ tiềm ẩn TNGT do xe chở đá làm rơi vãi xuống mặt đường, sẽ rất nguy hiểm nếu xe chạy nhanh, nhất là xe máy vào thời điểm ban đêm nếu chủ quan rất dễ bị ngã vì trượt đá”.
Vô tư đi ngược chiều, trèo qua dải phân cách
Không chỉ điều khiển xe máy, xe đạp đi ngược chiều mà hiện tượng trèo qua dải phân cách đang trở thành vấn đề đáng báo động, đây cũng là nỗi ám ảnh của cánh tài xế, nhất là thời điểm chập choạng tối.
Theo Thượng tá Lưu Văn Tiến, việc người đi bộ trèo dải phân cách, người tham gia giao thông điều khiển xe máy, xe đạp đi ngược chiều do người dân chưa quen với đường hai chiều có dải phân cách giữa. Bên cạnh đó còn do cách tổ chức giao thông tại một số điểm chưa hợp lý nên một số người dân ở huyện Nghi Xuân và Can Lộc tự ý tháo dỡ dải phân cách.
Cũng liên quan đến công tác bảo đảm ATGT trên tuyến, Trung tá Nguyễn Trung Tính cho biết: “Trong tháng 2, Đội CSGT huyện đã tổ chức tuyên truyền trong các trường có học sinh đi học trên tuyến QL1, yêu cầu nhà trường chủ động giáo dục học sinh chấp hành đúng các quy định khi tham gia giao thông trên tuyến đường. Đối với tình trạng xe chở đá, theo phân cấp do Phòng CSGT quản lý nên tới đây, Đội sẽ kết hợp với Công ty BOT tuyến tránh Vinh yêu cầu các chủ mỏ đá cam kết không để tình trạng các xe chở đá không che chắn, làm rơi vãi trước khi ra khỏi mỏ”.
Ngay tại lễ khánh thành thông xe tuyến đường, CIENCO 4, Tỉnh Đoàn, Phòng CSGT CA tỉnh Hà Tĩnh đã ký giao ước phối hợp 3 bên về đảm bảo ATGT, vệ sinh môi trường cho tuyến đường kiểu mẫu. Thế nhưng, theo tìm hiểu của PV Báo Giao thông, những giao ước trên đến nay vẫn chưa được triển khai cụ thể. Thậm chí trả lời câu hỏi của phóng viên về việc tăng cường công tác xử lý vi phạm trên tuyến theo nội dung đã ký giao ước, Thượng tá Lưu Văn Tiến cho rằng chưa thể triển khai vì không có kinh phí bởi anh em đi làm là làm kế hoạch riêng, không theo lịch công tác chung của phòng(!?).
Tuấn Anh – Văn Thanh/GTVT