Cần Giúp Đỡ

Hà Tĩnh: Mẹ già bệnh tật bị con tâm thần nhốt trong căn nhà rách suốt 5 tháng

Bị chứng bệnh thần kinh, hoang tưởng, người con gái đã nhiều tháng trời khóa trái cửa, nhốt mẹ già ốm yếu, bệnh tật trong một túp lều kín mít, không ánh sáng, rồi bỏ đi cùng con trai lang thang kiếm sống.

Đó là hoàn cảnh thương tâm của cụ Tô Thị Tứ, 87 tuổi, ở xóm Thái Hòa, xã Phù Lưu, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh.
Khóa kín cửa vì sợ “giang hồ bắt mẹ”
Để đến được ngôi nhà của cụ Tô Thị Tứ, chúng tôi phải nhờ hai người dẫn đường là chị Thảo người ở xã kế bên và bà Nguyễn Thị Huân (xóm trưởng xóm Thái Hòa); bởi con gái cụ Tứ là chị Trần Thị Hồng (SN 1972) bị tâm thần, hễ thấy người lạ vào là vác dao đuổi chém.
Vốn là người thường xuyên đến thăm hỏi giúp đỡ gia đình cụ Tứ, trở thành người quen thân thiết, nên chị Thảo, bà Huân có thể tiếp cận, chuyện trò với chị Hồng.
Ngôi nhà của cụ Tứ nằm lọt thỏm trong lùm cây dại, hoang vắng ở một góc nhỏ của thôn. Để vào được ngôi nhà phải băng qua một lối hẹp chỉ một người đi lọt. Còn cách nhà vài gần 200m nhưng chúng tôi đã ngửi thấy mùi hôi thối bốc lên rất khó chịu.

Ngôi nhà rách nát hoang sơ của gia đình cụ Tứ
Ngôi nhà rách nát hoang sơ của gia đình cụ Tứ

Ngôi nhà vắng lặng, cửa chính bị buộc lại bằng dây thép. Chúng tôi mở cửa bước vào, căn nhà tối om không ánh điện, không ánh mặt trời, trong nhà duy nhất chỉ có cái sập đá.

Trong nhà không có hề một vật dụng gì ngoài chiếc sập  đá rỗng
Trong nhà không có hề một vật dụng gì ngoài chiếc sập  đá rỗng
Trong nhà không có hề một vật dụng gì ngoài chiếc sập  đá rỗng
Trong nhà không có hề một vật dụng gì ngoài chiếc sập  đá rỗng
Mái ngói hỏng hết được thay bằng lá cây
Mái ngói hỏng hết được thay bằng lá cây
Kề  bên ngôi nhà trống trơ là căn bếp lụp xụp rộng chừng 4m2 đã bị buộc dây thép phía ngoài. Khi bà Huân gọi thì biết cụ Tứ đang ở trong căn bếp này. Chúng tôi muốn tiếp xúc với cụ Tứ, bà Huân đã cố gắng mở cửa, tuy nhiên khi mở hết dây thép thì phía sau cánh cửa bị chèn vật gì đó rất nặng. Đẩy mạnh cửa nhưng không được, không còn cách nào khác chúng tôi đành đứng ngoài trao đổi với cụ Tứ.
Cửa vào phòng cụ Tứ bị buộc phía ngoài và chốt chặt bên trong
Cửa vào phòng cụ Tứ bị buộc phía ngoài và chốt chặt bên trong
Khu bếp kín mít không có lỗ hở rộng chừng 4m2

Khu bếp kín mít không có lỗ hở rộng chừng 4m2

Khu bếp kín mít không có lỗ hở rộng chừng 4m2
Không có cách nào để vào trao đổi trực tiếp với cụ Tứ được chúng tôi đành đứng bên ngoài nói chuyện với cụ

“Sớm ni cái Hồng đã buộc cửa kín mít và bảo thằng Nam (con trai chị Hồng) dùng vật nặng để chốt phía trong, sau đó leo qua mái nhà ra ngoài rồi. Hai mẹ con hắn đưa lá lốt đi chợ bán rồi, không vô được mô”- cụ Tứ nói vọng ra với chúng tôi.
Hỏi cụ bị chị Hồng nhốt bao lâu rồi? Cụ Tứ ốm yếu nói vọng ra, cụ bị nhốt, nằm trong túp lều tối tăm kín mít, không ánh sáng, quạt điện như thế này đã 5 tháng nay rồi. Mỗi khi chị Hồng ra ngoài là chốt nhà cửa lại kín mít vì sợ… “giang hồ” vào bắt mất mẹ.
Cụ Tứ nói rất muốn ra ngoài vì không chịu nổi cái nóng, ngột ngạt, hôi thối trong này, nhưng cụ không thể bước đi. Số là 5 tháng trước, khi đang chui vào cái sập để ủ một buồng chuối vườn, cụ không may bị sảy chân gãy xương đùi nằm liệt một chỗ. Không thuốc thang, không giường chiếu, gối màn cũng không, thậm chí áo quần cũng không mặc… cụ Tứ cứ phải nằm một góc từ mấy tháng nay, mọi sinh hoạt cá nhân cũng ở góc ấy. Không có người dọn dẹp, chùi rửa nên nơi cụ nằm bốc mùi nồng nặc.
Để gặp được chị Hồng chúng tôi lại tiếp tục nhờ sợ giúp đỡ của chị Thảo và bà Huân, hai người đã dẫn chúng tôi đến chợ cách đó khoảng 3km. Ở góc chợ, hai mẹ con chị Hồng mặt mũi lấm lem, quần áo xộc xệch, tay cầm quả dưa nhai ngon lành. Ngay cạnh chỗ ngồi là chiếc xe đạp đã cũ do một người hảo tâm tặng, trên xe mang theo nồi niêu, quần áo, những thứ được xem là có giá trị, vì chị sợ để ở nhà “giang hồ” sẽ vào lấy mất.
Cả xóm rối tung vì người phụ nữ điên
Cụ Tứ kể, ngoài chị Hồng, cụ còn có 2 người con trai nhưng đã mất vì bom Mỹ năm 1968. Năm 1972 cụ sinh được chị Hồng. Hoàn cảnh khốn khó, cụ ông bỏ mặc cụ bà và đứa con gái nhỏ để đến nơi khác sống; nay còn hay mất cũng không ai biết.
“Năm 16 tuổi, chị Hồng theo người ta ra Bắc chán rồi lại vào Nam làm công nhân để kiếm sống. Hai mươi mấy năm biền biệt không hề về nhà thăm mẹ lấy một lần. Mãi đến năm 2000 chị mới quay về. Lúc ra đi bình thường, khỏe mạnh, ấy vậy mà lúc trở về nó lại có nhiều biểu hiện rất lạ. Năm 2003, bệnh tình càng nặng, bỗng một ngày chị Hồng cởi hết quần áo chạy ra khắp các con đường, ai lại gần cũng bỏ chạy mà không chịu mặc đồ”, cụ Tứ kể.
Bà Nguyễn Thị Huân cho biết, chị Hồng bị bệnh này cũng đã mười mấy năm nay, thần kinh không ổn định, luôn sợ “ma” hay “giang hồ” bắt mất mẹ. Cứ hễ tiếp xúc với ai là chị chửi bới rồi dùng dao đánh đuổi họ, chỉ có một vài người thường xuyên đến hỏi han, giúp đỡ mới tiếp xúc được với chị.
“Anh chị nhìn những ngôi nhà bỏ hoang xung quanh đây mà xem, đó là những nhà bị chị Hồng đập phá, rồi chửi bới suốt ngày, không thể chịu nổi đành phải bỏ nhà tìm nơi khác sống. Bây giờ hễ gặp ai là Hồng cứ nói có giang hồ đến đập phá đồ đạc, đòi giết. Nhiều người trong xóm luôn phải đề phòng, để ý” – bà Huân nói.

Hai mẹ con chị Hồng ăn xin ngoài chợ
Hai mẹ con chị Hồng ăn xin ngoài chợ

Ông Phan Tiến Dũng – Chủ tịch UBND xã Phù Lưu – nói, bệnh tình của mẹ con cụ Tứ rất đáng thương, hoàn cảnh của mẹ con cụ đã và đang khiến chính quyền xã đau đầu. “Ngoài chế độ chính sách theo quy định, gần như có sự ủng hộ nào cho người nghèo tại địa phương xã đều ưu tiên hỗ trợ mẹ con, bà cháu cụ Tứ trước. Nhưng với bệnh tình của chị Hồng đến nhà cửa chị ấy còn phá đi, thì việc hỗ trợ này không giải quyết được gì nhiều” – ông Dũng nói.
Theo ông Dũng, mới rồi xã đã đưa cụ Tứ vào Trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh, nhưng được ít ngày chị Hồng lại tìm đến khóc lóc đòi đưa mẹ về bằng được. Không còn cách nào khác cụ Tứ lại phải trở về nhà sống với mẹ con chị Hồng cho đến khi bị té ngã phải nằm một chỗ.
“Chúng tôi sẽ họp bàn với xóm đưa cụ Tứ vào Trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh, nơi đó thích hợp với một người có hoàn cảnh như cụ, thi thoảng xã cử người trực tiếp hoặc chở mẹ con chị Hồng vào thăm để mẹ con có điều kiện gặp nhau. Ở địa phương, do chị ấy hay phá nên phương án chúng tôi đưa ra là làm mái cao và có tôn che chắn phía dưới để chị ấy không dùng sào chọc phá được” – ông Dũng nói.
Nhìn cảnh một cụ già 87 tuổi đang từng ngày sống trong túp lều tối tăm, hôi thối; một đứa trẻ bị cô lập với thế giới bên ngoài và bị ảnh hưởng từ cuộc sống của người mẹ điên; hy vọng xã Phù Lưu sớm hiện thực hóa những giải pháp trên trước khi quá muộn.

Tiến Hiệp – Văn Dũng

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP