Ông dặn thế là bởi vì, ở trường bên cạnh có vị Hiệu trưởng nọ, cách đây mấy năm, đánh trống khai trường chỉ một hồi. Trống khai trường mà thành trống tan trường. Buổi khai giảng vì thế mất đi không khí trang trọng và như một điềm gở, xui xẻo…
Ông Cù Xuân Hợi, bảo vệ cho Trung tâm GDTX huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh |
Anh Vũ Hữu Tình, GV Văn, về hưu đã hai năm nay tạt qua trường tâm sự: “Những ngày đầu về nghỉ, được an nhàn, không phải giáo án, lên lớp, nhưng nhớ bạn bè, học sinh và nhất là nhớ tiếng trống trường của ông Hợi”. Ông Hợi mà anh Tình vừa nhắc, sinh năm1935 tại Sơn Bình, Hương Sơn, Hà Tĩnh.
Cuộc đời ông trải qua nhiều gian khổ và sóng gió. Mồ côi cha mẹ, thất học. Khi bạn bè cùng trang lứa cầm bút, thì ông cầm cuốc, cầm cày. Năm 1965, đế quốc Mỹ đánh phá ác liệt các tuyến đường quốc lộ, ông trở thành công nhân giao thông tình nguyện ở cung đường trọng điểm từ cầu Nầm đến cầu Phố và được tín nhiệm làm cung trưởng.
Năm 1987 ông về hưu. Đồng lương hưu không đủ trang trải cuộc sống của một gia đình đông con, thuần nông nghiệp, ông lại xin đi làm bảo vệ Trạm bơm Sơn Bình. Từ năm 2000 đến nay, ông làm bảo vệ cho Trung tâm GDTX huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh.
Chú Bùi Tuấn Anh- Kế toán TT nói: “Thật ra trong hợp đồng bảo vệ của ông Cù Xuân Hợi, nhiệm vụ chính là trực bảo vệ cơ quan 24/24, nhưng những việc thầm lặng không tên, ít ai nhớ, mà nhớ nhất là ông Hợi đánh trống trường. Tiếng trống trường của ông Hợi có giai điệu, mẫu mực, ẩn chứa nhiều nỗi niềm, chứa đựng tâm trạng, rất riêng, nhưng lại rất chung, vừa bình thường vừa khác lạ”.
Tôi là người đảm nhận trọng trách quản lý Trung tâm giáo dục thường xuyên ở một huyện miền núi đã đối mặt với không ít thách thức về cơ sở vật chất, về đội ngũ, về chất lượng đào tạo, về tình hình xuống cấp của đạo đức học trò…và những lúc khó khăn, ông Hợi là người đã chia sẻ không chỉ bằng niềm thông cảm mà bằng chính công việc mà ông đảm nhận. Bảy năm, tiếng trống của ông không lỡ nhịp, không sai một phút, chính xác đến lạ kỳ. Dù là mưa hay nắng, tiếng trống cứ đều đặn, dõng dạc vang lên vừa là mệnh lệnh, vừa là lời nhắn gửi tâm huyết. Công việc đánh trống ngỡ là đơn giản, nhưng góp phần tạo nên nề nếp dạy và học của nhà trường.
Cứ mỗi buổi sáng mai, hay buổi chiều, đúng vào lúc 6 giờ 30 (sáng), 13 giờ (chiều) là tiếng trống báo giờ đến trường lại dõng dạc vang lên. Ông Hợi khoan thai cầm dùi trống, thong thả gõ lên mặt da. Hình như, đánh trống với ông là thời khắc chơi nhạc. Khuôn mặt ông tươi lên, rạng rỡ. Ông dạng chân, xoay mặt trống, mắt nhìn ra cổng, rồi gõ nhẹ dùi lên mặt trống như dạo nhạc, đoạn mới thong thả vung dùi trống lên. Mười tiếng trống đầu, thong thả, chờ cho âm thanh lan tỏa, ông mới tiếp tục tiếng khác. Nhưng đến nửa hồi trống sau lại giục giã, gấp gáp báo hiệu cho những học sinh còn la cà nhanh chân đến lớp. Khi ba tiếng trống đến trường vừa dứt, ông gác dùi trống lên tủ, rồi mở cổng đón học sinh đến trường.
Ông đứng cạnh cổng, mắt nheo cười, miệng bỏm bẻm nhai trầu như người ông đón cháu. Ông đứng ở cổng như vị tướng thu quân. “Ê! Nắng thế, nón mũ đâu không đội cháu!”. “Đến trường mà quần áo xộc xệch lôi thôi thế là không được!”. “Hải lại đây ông hỏi: Sao mặt mày thâm tím thế? Đánh nhau hả?”. “ Xe đạp xếp gọn cho đúng lớp!” “Các cháu này ở Sơn Giang, chuyên đi chậm nhé. Lần này ông tha, lần sau còn chậm, ông báo với thầy cô và cha mẹ”. “Cặp ở đâu mà mấy quyển sách đút túi quần?”…
Những lời dạy bảo thường xuyên, kịp thời như thế vô cùng thấm thía với các “cậu ấm, cô chiêu”. Và người đánh trống trường bình thường, giản dị bằng những việc làm cụ thể đã trở thành nhà giáo dục đầy quyền uy. Cho nên, học sinh đến TTGDTX Hương Sơn ngay khi bước vào cổng trường đã được giáo dục để làm người.
Còn chuyện ông Hợi đánh trống trường báo hiệu giờ vào, giờ ra lớp có muôn vàn giai thoại. Ông kể rằng, mấy năm trước, vào khoảng tháng 5, gió Lào, nắng như nung, có giáo viên đã đến rỉ tai ông mỗi giờ bớt cho 5 phút. Học sinh lười học, 5 phút có nghĩa lý gì? Ông Hợi đã trao đổi với tôi và nhẩm tính. Mỗi ngày 4 tiết, bớt 5 phút mỗi tiết là mất 20 phút. Trường có 1200 học sinh mất 6000 phút, như vậy cả trường mất bay một tháng. Tham nhũng, lãng phí ở đó chứ đâu!?
Còn nhớ vào dịp tháng 3 năm 2009, nhà trường tổ chức hội thảo khoa học đổi mới phương pháp. Giáo viên phải dạy thực nghiệm 3 tiết cho đồng nghiệp cả tỉnh nghe. Có người lo lắng về thời gian. Ông Hợi đã cam đoan: “Xin thầy không lo, tôi đánh trống không sai đến 3 giây”. Rồi những tiết thao giảng, kiểm tra, thi cử, tiếng trống trường của ông Hợi đã điểm đúng thời khắc. Ông nói: “Sớm hay muộn một phút là ảnh hưởng đến các cháu làm bài. Biết đâu, một phút các cháu có thể kiếm thêm 5 ly hay một điểm, và điều đó liên quan đến hỏng hay trượt, nghĩa là liên quan đến cuộc đời”.
Đã mấy năm gắn bó với ông Hợi tôi hiểu bản tính chất phác, thật thà, tận tụy của người giúp việc. Cách đây mấy tháng, chiếc trống của nhà trường bị hỏng. Có ý kiến cho rằng cần mua cái mới. Nhưng ông Hợi trao đổi: “Cái trống này đang tốt, chỉ hỏng một mặt da thôi. Bây giờ cho bưng lại. Mua cái mới chắc gì đã tốt hơn cái cũ”.
Rồi ông phân tích về cái trống cũ. Nào là tang trống được làm bằng gỗ mít. Trải qua thời gian đã khô, khít. Bây giờ tìm được gỗ mít thế này là hiếm. Vành đai bằng song còn chắc và bóng. Nghe lời ông, chúng tôi cho người đưa trống đi bưng lại. Nhưng ông kỹ tính lại tư vấn thêm: “Chỗ đó không được. Người ta lấy da trâu, nhuộm. Da trâu dày, ủng, tiếng không trong. Phải tìm được da bò. Da bò cũng ba bảy loại. Da bò laisin chẳng khác da trâu. Tốt nhất là da bò cỏ, bò ta, vừa mỏng, vừa dai”. Lại chuyện đóng đinh vào tang trống. Ông kiên quyết: “Vật liệu phải bằng tre gốc tre già qua ngâm nước. Mà phải tre tháng 6 không mọt”. ..
Có một lúc nào đó đến trường bạn được xem bộ dùi trống của ông. Dùi trống phải được làm bằng gỗ dung, vừa dai vừa mịn thớ. Cứ xem cách ngồi chuốt dùi trống, biết ông kỳ khu như thế nào. Còn đánh trống, ông trao đổi: “Không nên nhằm vào tâm điểm, mà phải đánh vòng quanh, rê lụa để cho trống nhẵn và mòn đều”. Có như vậy, mỗi chiếc trống có thể dùng được mười năm.
“Trường còn nghèo. Phải tiết kiệm”. Mùa đông, không khí lạnh, da trống ẩm, không căng, tiếng vỡ. Trước lúc đánh trống, ông Hợi đã dùng tay xoa lên mặt trống cho đến khi ông cảm nhận được mặt trống không còn chùng.
Tôi hỏi ông Hợi: “Làm bảo vệ như con mọn, trăm việc không tên, cột chân, cột cẳng lại, sao ông chọn nghề này?”. Ông không dấu nỗi niềm tâm sự: “Tôi đi làm, trước ơn, sau ích. Suất lương hưu dành lại có thể giúp cháu chắt học hành. Đời tui thất học. Sáu đứa con không ai vô được cấp 3. Tui lên làm việc ở trường là có cơ sở cho cháu dùi mài sách vở. Cho nên gian khổ, khó khăn mấy, thấy cháu được học hành là tui mở mặt, mở mày rồi!”.
Đã qua mấy mùa khai giảng. Cứ mỗi lần được giới thiệu lên đánh tiếng trống khai trường là tôi rưng rưng bao nỗi niềm. Ông Hợi đã thức đêm không ngủ, cắt những hoa văn quấn lên mặt trống, lấy giấy màu bọc dùi trống và khi trao dùi trống cho tôi vẫn không quên dặn dò: “Mở màn cho dõng dạc, hoành tráng vào nhé. Nhớ ba tiếng đấy!”. Ông dặn thế là bởi vì, ở trường cạnh có vị Hiệu trưởng nọ, cách đây mấy năm, đánh trống khai trường chỉ một hồi. Trống khai trường mà thành trống tan trường. Buổi khai giảng vì thế mất đi không khí trang trọng và chẳng biết thật hay giả đó như một điềm gở, xui xẻo…
Khi tôi đánh trống, người đánh trống trường đứng ở góc phòng dõi theo từng tiếng, gật đầu, mỉm cười. Chờ cho tiếng trống khai trường dứt, ông Hợi giơ hai bàn tay lên vỗ mãn nguyện. Cả trường hòa theo tiếng trống, nhất loạt tràng pháo tay giòn giã vang lên.
Năm nay, ngày khai giảng, chúng tôi dành vinh hạnh đánh tiếng trống khai trường cho ông Hợi. Đã cầm dùi trống quen thuộc, nhưng sự kiện này với ông vô cùng trọng đại. Ông đã ăn mặc, chải chuốt chỉnh tề và khi tiếng trống ông cất lên, tiếng vỗ tay của đại biểu, thầy, cô giáo và học sinh như pháo giòn giã. Đánh xong hồi trống khai trường, ông cúi chào , mắt rơm rớm lệ. Học sinh ùa lên tặng hoa, chúc sức khỏe ông.
Tôi biết, ngày khai trường năm nay, ông là người hưởng trọn niềm vui hạnh phúc.