Chăm sóc sức khỏe

Hà Tĩnh: Kiến ba khoang tấn công hàng trăm sinh viên

Được biết, kiến 3 khoang đi vào nhà qua lỗ thông gió, cửa sổ, nên mỗi tối các bạn SV luôn đóng kín cửa sổ. Thế nhưng kiến ba khoang vẫn bò vào được bên trong.

Nhiều ngày qua, hàng trăm sinh viên (SV) ở Ký túc xá (KTX) trường Đại học Hà Tĩnh (có địa chỉ ở Xã Cẩm Vịnh, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) luôn thấp thỏm, lo lắng vì bị kiến ba hoang “tấn công” liên tục, gây vết thương ngứa khó chịu, càng gãi càng lây lan khắp cơ thể.
hatinh24h anh22Một nam sinh viên bị kiến ba khoang tấn công
Nhiều bạn SV đã rơi vào tình trạng “dở khóc dở cười” khi cả mấy tháng nay bị kiến ba khoang tấn công.

Kiến ba khoang bò khắp sàn nhà

Bạn Phan Anh ở khu KTX B3 cho biết: “Em cũng không biết kiến ba khoang đốt lúc nào, nhưng hôm sau thấy đau và vết thương sau lưng to bằng bàn tay. Tưởng là bệnh mà dân gian gọi là giời leo nên không đi khám, một tuần sau nó lan ra lên vai, cũng to bằng bàn tay, thì mới lên bệnh xá trường, nhân viên ý tế trường nói e không phải bị bệnh giời leo mà do kiến 3 khoang cắn. Do ngứa nên em gãi nên giờ nó lan ra khắp người. Phòng em có 4 bạn, thì đều bị kiến 3 khoang cắn cả”.
Cùng “cảnh ngộ”, dù đã dùng thuốc do phòng y tế của ký túc xá cấp, nhưng sinh viên Nguyễn Văn Hòa vẫn bị ngứa ngáy khó chịu nơi vết thương do kiến ba khoang đốt cách đây mấy hôm. “Trong phòng em có bạn bị đốt nặng quá nên giờ hầu như chỉ nằm một chỗ, chẳng đi được đâu. Cũng không dám gọi về nhà thông báo, vì sợ ba mẹ lo lắng. Nghe các chị bác sĩ nói, vài ngày là khỏi, nhưng có bạn bị tới 2 tuần vết thương mới bắt đầu kéo da non” – Hòa lo lắng nói.

Đưa cánh tay còn loang lỗ những vết mụn đỏ, bạn Hưng, phòng 513 nhà B3, KTX  ĐH Hà Tĩnh kể: “Nửa đêm nằm ngủ, em bỗng thấy con gì đang bò trên cổ, thấy ngứa, em lấy tay gạt, rồi sau đó thấy hơi hơi rát. Ngày hôm sau ở vùng xung quanh cổ phồng rộp lên, mưng mủ suốt 3 ngày nay”. Còn em Trang, ngành SP tiếng anh mấy ngày nay cũng “khóc ròng” vì kiến ba khoang cắn ở gần mắt trái nên không đi học được, nước mắt chảy cả ngày. Mấy bạn khác bị cắn ở tay, chân, lưng còn dung thuốc được còn em bị ở mắt nên không dùng thuốc được, càng ngày càng nặng thêm. Ngứa lắm nhưng không dám gãi, vì càng gãi vết thương càng lan rộng.

Cũng theo nhiều bạn sinh viên, do kiến ba khoang thường xuất hiện nhiều vào ban đêm, nên rất khó đề phòng. Chỉ cần sơ xảy một chút là có thể bị đốt.

Theo tìm hiểu của PV thì tình trạng kiến ba khoang xuất hiện dày đặc tại KTX ĐH Hà Tĩnh đã gần 3 tháng nay, nhất là những hôm trời mưa nhưng nhà trường vẫn chưa có biện pháp nào để khắc phục triệt để. Hằng ngày SV vẫn sống trong cảnh thấp thỏm, sợ hãi khi phải đối diện với “kẻ thù” nguy hiểm này. Tất cả những SV bị kiến ba khoang “tấn công” đều được cấp thuốc bôi ngoài da…, tuy nhiên, vẫn không có hiệu quả.

Trao đổi với phóng viên, bà Phan Thị Thanh Hải, phó GĐ Trung tâm Y tế môi trường cho biết: “Do KTX trường gần cánh đồng, nên kiến ba khoang xuất hiện nhiều. Trước tình trạng kiến ba khoang “tấn công” SV,  nhà trường cũng đã thông báo cho sinh viên mua bình xịt kiến, ban đêm hạn chế mở của phòng. Những trường hợp SV bị kiến cắn, nhà trường cũng đã cấp thuốc và hướng dẫn cụ thể cách điều trị”.

Bà Hải cho biết thêm: “Do đã lường trước được việc kiến ba khoang hay các loại côn trùng khác có thể tấn công sinh viên, nên ngay từ đầu năm học, Trạm Y tế đã chủ động ra thông báo, hướng dẫn sinh viên cách phòng tránh dịch bệnh theo mùa cũng như các bệnh sinh viên nội trú thường gặp như: bệnh viêm da do tiếp xúc với côn trùng, kiến ba khoang, … trên bảng tin, website Ký túc xá, CLB phát thanh sinh viên, từ đó nâng cao hiểu biết và nhận thức và cách phòng tránh trong sinh viên. “Ngay khi Trạm tiếp nhận những bệnh nhân bị kiến cắn đầu tiên, chúng tôi đã khuyến cáo các em nên thường xuyên đóng cửa sổ phòng… để tránh những trường hợp đáng tiếc xảy ra”.

Được biết, kiến ba khoang là loại côn trùng thuộc loài bọ cánh cứng, có khoang đen đỏ hoặc vàng nhạt, hình dáng tròn dài 5 -7mm. Đáng lo ngại là trên bụng của loại kiến này có 2 tuyến độc, tên khoa học là pederin. Khi tiếp xúc với da người, kiến ba khoang tự tiết ra chất này để phòng vệ. Khi bị kiến bò lên người, không được dùng tay giết kiến mà nên thổi cho nó bay đi, tránh tiếp xúc trực tiếp với kiến bởi có thể dính phải chất độc.

Kiến ba khoang có tên khoa học là Paederus Fuscipes, thân mình thon, dài như hạt thóc, có hai màu đỏ và đen. Trong bụng chứa Pederin, một loại chất độc có độc tính gấp 12 – 15 lần rắn hổ.

Theo nhiều chuyên gia, loại kiến này không trực tiếp đốt người mà do con người vô tình tiếp xúc với chất độc trong cơ thể kiến. Vì vậy, có thể phòng kiến 3 khoang bằng cách: đóng kín cửa, buông rèm, làm lưới ngăn côn trùng, buổi tối không nên ngồi gần các nguồn sáng như bóng đèn. Mặc quần áo dài, quan sát kỹ đồ vật trước khi sử dụng, giũ sạch khăn mặt, khăn lau, quan sát kỹ trước khi lau.

Nguyễn Bình- Thu Hường

ảnh 1: Nhiều sinh viên bị viêm da, lỡ loét do bị kiến 3 khoang đốt
ảnh 2: nơi kiến 3 khoang ẩn nấp vào ban ngày là trên các kẻ tường.

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP