Du lịch

Khánh thành Di tích văn hóa Đền thờ Đông Hải – Làng Cam Lâm

Ngày 11/12, Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh Đền Đông Hải, Làng Cam Lâm được chính quyền, nhân dân xã Xuân Liên (huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh) long trọng tổ chức lễ khánh thành.

Tham dự buổi lễ có ông Thuận Hữu, nguyên UVBCH TƯ Đảng, nguyên Tổng Biên tập Báo Nhân dân, nguyên Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; lãnh đạo Chi cục Thủy sản, Sở NN&PTNT tỉnh Hà Tĩnh, lãnh đạo huyện Nghi Xuân và đông đảo bà con nhân dân xã Xuân Liên.

Văn nghệ chào mừng lễ khánh thành Di tích văn hóa Đền thờ Đông Hải – Làng Cam Lâm - Ảnh: Trần Phong


Đền Đông Hải xã Xuân Liên còn được gọi là đền Cá Ông, nằm trên địa phận thôn Lâm Hải Hoa, xã Xuân Liên, huyện nghi Xuân, Hà Tĩnh, là nơi thờ vị Đông Hải Đại vương hay còn gọi là Thần Cá ông.

Theo truyền thuyết, vị thần Đông hải Đại vương được lưu truyền tại đền Đông Hải từ thuở xưa, vào một buổi sáng ngoài biển dạt trôi vào bãi cát làng Cam Lâm một bộ xương cá Voi (Cá Ông), người dân trong làng thấy điều linh thiêng bèn đưa về đặt trong đền làng, và mỗi khi ra khơi vào lộng đều đến làm lễ cầu xin. Từ đó đời sống cư dân ngày càng thịnh vượng, về sau người dân trong làng xin lập đền riêng để thờ vị Ngư thần, gọi là đền Đông Hải và hiệu của vị thần Đông Hải là “Đương giới quản hải đạo ngư ông lịch nậm ứng linh nông nhuận tùng ba lịch triều phong tặng hàm hoàng quang đại thượng đẳng tối linh thần”. Hiện trong đền còn lưu giữ 4 sắc phong.

Năm 2018, Đền Đông Hải (Xuân Liên) đón nhận bằng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.

Để thể hiện lòng biết ơn, tôn kính, ngoài lễ mai táng, hằng năm, ngư dân xã Xuân Liên còn tổ chức các lễ cầu cúng như: Lễ cúng tất niên dịp tết nguyên đán, lễ dâng hương trước khi ngư dân ra khơi và sau khi từ biển trở về, lễ thắp hương ngày mùng 1, ngày 15 âm lịch hàng tháng, lễ cúng rằm tháng giêng, tháng 7 âm lịch.

Đặc biệt, lễ hội cầu ngư vào ngày rằm tháng giêng được người dân dành nhiều nghi thức trọng thể. Tiếc rằng, do nhiều nguyên nhân mà trong một thời gian dài, lễ hội bị mai một. Hiện nay, chính quyền địa phương đang có kế hoạch phục dựng để bảo tồn, phát huy nét văn hóa truyền thống của cư dân làng biển.

Ông Thuận Hữu, nguyên UVBCH TƯ Đảng, nguyên Tổng Biên tập Báo Nhân dân, nguyên Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam (người con xã Xuân Liên) phát biểu tại lễ khánh thành


Hiện tại, ngoài ngôi mộ cá voi được chôn ngay giữa gian chính điện, còn có 17 ngôi mộ khác được đặt trong khuôn viên ngôi đền này. Ban đầu chỉ là ngôi miếu nhỏ, bà con thường lui tới lễ tạ cúng viếng mỗi dịp ra khơi và vào các ngày sóc vọng lễ tết. Sau đó, theo sự phát triển của xã hội và theo nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân, Đền được nâng cấp, xây sân và bờ rào xung quanh nhưng do địa thế thấp nên vẫn bị ngập lụt mỗi khi mùa mưa xuống.

Thời gian qua, Ban quản lý di tích Đền Đông Hải nhận được 140 triệu đồng từ nguồn hỗ trợ chống xuống cấp của UBND Hà Tĩnh, và nguồn xã hội hóa lên tới gần 6 tỷ đồng của các mạnh thường quân và Nhân dân công đức. Tiêu biểu là gia đình Luật sư Phan Văn Hải, một người con xã Xuân Liên, đang sinh sống và công tác tại TP. Hồ Chí Minh…

Cùng với hoạt động văn hóa, hưởng thụ văn hóa theo tinh thần “Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, coi Văn Hóa là mục tiêu, là động lực thúc đẩy sự phát triển của xã hội. Những năm qua, Đảng bộ và Nhân dân xã Xuân Liên đã khơi dậy và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân, lấy Văn hóa làm mục tiêu, động lực, là nền tảng tinh thần phát huy những giá trị truyền thống vốn có của làng xã, dòng họ, huy động nội lực và tranh thủ mọi sự hỗ trợ để xây dựng quê hương ngày càng phát triển. Đặc biệt trong công cuộc xây dựng huyện Nông thôn mới kiểu mẫu điển hình về văn hóa gắn với phát triển du lịch.

Các đại biểu cắt băng khánh thành đền Đông Hải...


Phát biểu tại lễ khánh thành, ông Thuận Hữu, nguyên UVBCH TƯ Đảng, nguyên Tổng Biên tập Báo Nhân dân, nguyên Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam (người con xã Xuân Liên) khẳng định, tín ngưỡng thờ cúng Cá Ông có ảnh hưởng rất sâu đậm trong tâm thức của cư dân làng Cam Lâm từ thời xa xưa. Thông qua tín ngưỡng thờ cúng Cá Ông đã trở thành bản sắc văn hóa sâu sắc, thể hiện lòng thành kính, biết ơn của các thế hệ người dân trong Làng. Đồng thời đây là hoạt động tâm linh, cầu mong Cá Ông phù hộ cho ngư dân đi biển gặp nhiều may mắn, bội thu, thuận buồm xuôi gió và bình an trở về.

“Mỗi người con Xuân Liên dù đi đâu, làm gì vẫn luôn hướng về quê hương. Ngoài việc khánh thành đền Đông Hải có ý nghĩa quan trọng, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng thờ cá ông của nhân dân Việt Nam nói chung và người dân xã Xuân Liên nói riêng, người dân Xuân Liên cũng đang tập trung để khôi phục lại các lễ hội khác của quê hương với mục tiêu lấy văn hóa làm động lực, là nền tảng tinh thần phát huy những giá trị truyền thống vốn có của làng, xã...”, ông Thuận Hữu nhấn mạnh.

... và dâng hương tại đền thờ


Tại buổi lễ các đại biểu đã cắt băng khánh thành Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh Đền Đông Hải, Làng Cam Lâm, đáp ứng tâm tư nguyện vọng của Nhân dân trong xã, góp phần động viên khích lệ tinh thần lao động sản xuất, đánh bắt hải sản trên biển của ngư dân…

Trong niềm vui khánh thành ngôi Đền thờ, người dân địa phương và du khách thập phương đã đến dâng hương hành lễ cầu mong cho mưa thuận gió hòa, ngư dân bình an, mùa màng bội thu.

Trước đó, Ban quản lý di tích Đền Đông Hải đã tổ chức nhiều hoạt động hưởng ứng lễ khánh thành Đền như: Lễ cầu siêu tại bãi biển xã Xuân Liên, giao lưu bóng chuyền, biểu diễn văn nghệ trong toàn xã…

Tác giả: Trần Phong

Nguồn tin: Báo Công Luận

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP