Hà Tĩnh ngày nay

Hà Tĩnh: Hiểm họa từ những cây cầu

Mùa mưa đang đến. Đối với những vùng quê đò giang cách trở, những cây cầu xuống cấp, hư hỏng vẫn ngày ngày chở trên nó bao tính mạng, tài sản của nhân dân đang tiềm ẩn những tai họa khôn lường…

Bấp bênh cầu phao

Là một xã nghèo của huyện Hương Khê lại thường xuyên chịu sự tàn phá nặng nề của bão lũ, người dân Phương Mỹ phải đối mặt với rất nhiều khó khăn. Nhiều năm nay, ước nguyện có một cây cầu bắc qua sông Ngàn Sâu nối liền 4 xóm bên tả và 4 xóm bên hữu vẫn đang là nỗi niềm canh cánh của cán bộ cũng như nhân dân trong xã.

Hiểm họa từ những cây cầu
Hiểm họa luôn rình rập đối với người dân khi qua những cây cầu như thế này. (Ảnh chụp cầu phao qua xã Phương Mỹ – Hương Khê)

Sau hàng chục năm lênh đênh trên những con đò và phải chịu những vụ tai nạn lật đò thương tâm, năm 2005, chính quyền cùng nhân dân Phương Mỹ đã xây dựng cầu phao chợ Hôm. Cầu dài 120m, lòng cầu rộng 1,6m, được thiết kế bằng nhiều thùng phi nối nhau nổi trên mặt nước và hai dây cáp chính làm trụ cho cầu. Tuy vậy, do không có lan can hay tay vịn nên mỗi lần qua cầu là người dân đối mặt với hiểm nguy.

Cùng với các hoạt động dân sinh khác, mỗi ngày có khoảng 500 học sinh cả 3 cấp học phải lưu thông qua cây cầu này. Người lớn đi qua đã khó, với trẻ em thực sự là cực hình. Em Nguyễn Thị Hà – học sinh Trường THCS Phương Mỹ cho biết: “Trường ở bên kia sông nên trước đây qua cầu phải có bố mẹ hoặc anh chị đi cùng. Bây giờ em đã tự qua cầu. Nhiều lần bị ngã xuống sông, may có các anh chị kéo lên, quần áo, sách vở ướt hết”.

Việc lưu thông qua cây cầu vốn đã khó khăn, nay người dân Phương Mỹ lại phải đối mặt với nhiều mối hiểm nguy hơn khi cầu đang bị xuống cấp nghiêm trọng. Những chiếc đinh được đóng cố định các tấm gỗ làm mặt bằng cho cầu đã bị han gỉ và bung ra, nhiều tấm ván bị gãy, dây nối giãn khiến thùng và ván xộc xệch… Nguy hiểm là vậy nhưng hằng ngày cầu vẫn oằn mình “cõng” hàng trăm lượt người qua lại.

Mùa mưa lũ đang đến gần, nỗi lo lại dày thêm trong lòng người dân nơi đây. Để xây một cây cầu an toàn, chắc chắn là việc quá tầm với một xã nghèo như Phương Mỹ.

Gian nan cầu treo

Kết quả rà soát hiện trạng toàn bộ cầu treo trên hệ thống quốc lộ và tỉnh lộ của Sở GTVT gần đây cho thấy một thực trạng đáng buồn. Toàn tỉnh hiện có 4 cầu treo và đều đang xuống cấp, tải trọng khai thác giảm nhiều so với tải trọng thiết kế. Bên cạnh đó, rất nhiều cây cầu dân sinh khác cũng không đảm bảo an toàn cho người và phương tiện…

Cầu treo ở Hà Linh (Hương Khê) được xây dựng từ năm 1999, là cây cầu nối các xóm 1, 2, 3, 4 với trung tâm xã và 12 xóm còn lại trong xã. Khi tuyến đường 15A đoạn qua địa phận xã Hà Linh, Hương Thủy, Phúc Đồng chưa được kiến thiết, cây cầu phục vụ nhu cầu đi lại của phần lớn người dân vùng hạ huyện. Hiện, một số hạng mục đã xuống cấp nghiêm trọng; mố neo, trụ tháp, cáp treo, dầm cầu, quang treo đã bị han gỉ, đặc biệt một số quang treo, bu lông bị đứt gãy, cáp treo võng xuống, một số giằng bị bật mối hàn… Mỗi khi có phương tiện đi qua, cầu bị rung lắc rất mạnh. Ông Đặng Văn Sơn – cán bộ phụ trách giao thông xã Hà Linh cho biết: “Vừa qua, UBND huyện đã cấp kinh phí để tu sửa cầu, xã cũng đã tiến hành nhưng chỉ sửa chữa một số hạng mục nhỏ”.

Hiểm họa từ những cây cầu
Cầu Thó (Thanh Lộc – Can Lộc), nỗi ám ảnh của người dân trong vùng

Thực trạng trên cũng đang tồn tại ở cầu treo Hương Giang – Hương Khê (xây dựng năm 1984) nối huyện lộ 6 với xã Hương Giang; cầu treo chợ Bộng (xây dựng năm 1983) nối liền Đức Thọ và Vũ Quang; cầu Nầm – Hương Sơn (xây dựng năm 1984) thuộc tuyến đường huyện qua các xã Sơn Ninh, Sơn An, Sơn Tiến… Những cây cầu này đang rơi vào tình trạng già cỗi, han gỉ, một số dầm cầu hư hỏng để lại nhiều “ổ gà” nguy hiểm. Như vậy, toàn tỉnh có 4 cầu treo thì hầu hết đều xuống cấp, gây mất an toàn cho người dân khi lưu thông.

Ngoài ra, còn rất nhiều cây cầu dân sinh chưa thống kê hết ở các huyện cũng đang bộc lộ nhiều điểm yếu, có nguy cơ mất an toàn. Cầu Thó tại xã Thanh Lộc (Can Lộc) nối 7 xã của huyện Can Lộc sang TX Hồng Lĩnh với thực trạng dầm cầu đã xuống cấp, xuất hiện nhiều vết nứt lớn, mặt cầu tróc từng mảng, không hề có lan can cũng đang là mối hiểm họa rình rập. Không khả quan hơn là mấy, cầu Dồng (Đức Giang, Vũ Quang) cũng đang xuống cấp nghiêm trọng.

Chủ động phòng tránh tai nạn

Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Quang Tuấn – Phó Giám đốc Sở GTVT cho biết: “Mục đích của ngành là sẽ xóa bỏ cầu treo, tuy nhiên, trong tình hình hiện nay quá khó khăn về nguồn vốn. Chúng tôi đang từng bước tháo gỡ và sẽ tích cực tham mưu, tranh thủ các nguồn vốn để ưu tiên đầu tư những cây cầu nằm trên tuyến tỉnh lộ, cầu có lưu lượng giao thông lớn”. Ông Tuấn cho biết thêm: “Hiện nay, UBND tỉnh đã giao ngành tiến hành các bước để xây dựng cầu Đồng Văn thay thế cầu treo chợ Bộng; các cầu treo khác đang được xem xét đưa vào chương trình, dự án lớn để sửa chữa; các cầu trên tuyến đường giao thông nông thôn do huyện quản lý đang được các huyện rà soát, phân loại để có hướng ưu tiên nâng cấp…”.

Chuyện những cây cầu xuống cấp đã rõ nhưng việc lưu thông vẫn phải duy trì. Và, trong khi đang chờ những dự án xây mới, để giảm thiểu nguy cơ mất an toàn, chính quyền địa phương cần tuyên truyền nâng cao ý thức phòng tránh tai nạn cho người dân và có giải pháp cụ thể, thiết thực trong việc quản lý, sử dụng cầu như: ngăn chặn triệt để xe quá khổ, quá tải, gắn biển báo hạn chế số lượng người đi tối đa trên cầu, mùa nước lên cấm người dân qua lại để tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra…

Thu Hà

  Từ khóa: Hiểm họa , cây cầu , Hà Tĩnh

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP