Người đương thời

Hà Tĩnh: Hành trình hoàn lương của hai ông chủ trẻ

Hẳn trong ký ức những người dân thôn Vĩnh Gia (Song Lộc – Can Lộc) vẫn chưa quên hình ảnh hai chàng thanh niên Hoàng Văn Thụ (1985) và Hoàng Văn Thông (1987) trong một gia đình cùng đi tù một lúc về tội danh cố ý gây thương tích cách đây mấy năm về trước. Nhưng cho đến bây giờ, khi hạnh phúc đang mỉm cười với hai anh, khi con đường làm ăn vẫn trên đà phát triển thì không ai không cảm phục vì ý chí vươn lên sau vấp ngã của hai ông chủ trẻ.

Vấp ngã…

Phải chờ từ đầu giờ chiều cho đến khi màn đêm bắt đầu buông thì chúng tôi mới gặp được anh Thông khi anh vừa chạy vật liệu cho công trình xây dựng về. Ấn tượng đầu tiên ở con người nhễ nhại mồ hôi và quần áo lấm bùn đất ấy là nét điển trai trên khuôn mặt và tính tình vui tươi hóm hỉnh. Nhưng mấy ai biết rằng ông chủ trẻ ấy đã một lần cùng anh trai vướng vào vòng tù tội.

Hỏi đến chuyện của mình từ 5 năm về trước, anh trầm ngâm hồi lâu rồi nói : Ấy là thời gian anh cảm thấy thất vọng về bản thân nhất. Sinh ra trong một gia đình không khá giả là mấy, mong muốn cho con có việc làm ổn định trên mảnh đất nghèo của quê hương, cha của 2 anh là ông Hoàng Văn Bính đã đầu tư cho hai anh em Thụ, Thông ba chiếc xe tải để chạy vật liệu xây dựng. Nhưng trong một buổi chiều chạy hàng về, Thông bị một người lái xe trong xã gây gổ và dùng kiếm chém hai nhát vào lưng. Tức giận với hành động và lời thách thức của người nọ, Thông gọi anh trai cùng đến nơi hẹn để quyết đấu và bị công an Hồng Lĩnh bắt tại Xí nghiệp sản xuất gạch ngói 6 (TX Hồng Lĩnh). Sau đó hai người cùng bị truy tố và lãnh 7 năm tù giam với tội danh cố ý gây thương tích.

“Ngày thụ án cũng là ngày anh biết Thơ – vợ sắp cưới của mình đã mang thai hơn 1 tháng. Tay bị còng, nhìn bố mẹ, em trai và vợ mà tôi không thể cầm được nước mắt, cảm thấy mình có lỗi với mọi người và đứa con đang chờ ngày chào đời trong bụng vợ” – anh Thông xúc động kể lại.

Những ngày hai anh em ở tù là những ngày cả hai cùng dằn vặt về những việc mình làm. Không ai bảo ai nhưng cả hai anh em cùng cố gắng cải tạo tốt để sớm nhận được sự khoan hồng của pháp luật, về với gia đình – anh Thụ chia sẻ.

Nói về quãng thời gian hai con mới đi tù, ông Bính rưng rưng : Thời gian ấy trong nhà lúc nào cũng mang một không khí u ám, buồn bã khác hẳn cái ồn ào, nhộn nhịp khi các con chạy xe về. Những ngày ấy, vợ chồng tôi mất ngủ liên miên, bà nhà và Thơ (vợ Thông) chỉ toàn khóc nên dù tốn kém đến bao nhiều thì 1 tuần chúng tôi cũng khăn gói vào trại giam Xuân Hà thăm con một lần.

Chị Nguyễn Thị Thơ – vợ anh tâm sự: “Ở trong tù anh ấy thường gửi thư về tâm sự cho vợ, mình chỉ cho anh ấy xem con qua ảnh. Anh luôn ân hận việc mình đã làm và hứa ra tù sẽ cố gắng tu chí làm ăn, yêu thương vợ con. Dù vất vả nhưng có sự động viên của chồng, sự thương yêu của hai bên bố mẹ tôi luôn cố gắng và tin vào ngày mai”

Niềm vui vỡ òa với gia đình ông Bính khi chỉ sau hai năm, đến 2/9/2001 nhờ cải tạo tốt cả hai anh em cùng được xóa hết hạn tù trở về quê hương và từ đây cuộc sống của hai anh em đã bước sang một trang mới.

               Hành trình trở thành ông chủ

Ra tù với hai bàn tay trắng trở về quê hương trong niềm vui của gia đình và làng xóm. Ấy là động lực lớn để hai chàng trai trẻ quyết tâm làm lại cuộc đời. Với hai chiếc xe tải cha còn giữ lại, hai anh cùng chạy xe chở vật liệu xây dựng. Ban đầu mang tiếng là dân đi tù về nên khách hàng còn rất e ngại. Nhưng nhờ sự chân thành, chu đáo và nhiệt tình, hai anh em sớm lấy lại niềm tin từ mọi người. Xoay xở thêm vốn, Thông quyết định mua lại một chiếc xe con chạy Taxi, Thụ góp vốn mua một máy ngoặm đất để nhận thêm hợp đồng với các công trình.

Những ngày đầu tiên ấy, những khó khăn vất vả bao lấy hai anh em, tiền của cha mẹ vừa phải lo bồi thường thiệt hại cho người ta, vừa phải trả số nợ hơn 300 triệu vì thói ham cờ bạc, lô đề của Thụ nữa nên chủ yếu là phải vay ngân hàng. Cũng may là khi ra tù, Thụ đã chọn cho mình con đường làm ăn chân chính, không còn tơ tưởng đến cờ bạc nữa – ông Bính chia sẻ. Không kể ngày nắng hay mưa, hai anh em đều đi làm từ sáng sớm đến tối mịt mới về. Riêng anh Thông còn chạy taxi nữa nên cho dù là nửa đêm hay tờ mờ sáng, có khách gọi là cũng dậy đi. Nhiều lúc thương chồng mà không biết làm sao – chị Thơ tâm sự.

Sau này, khi nhận được nhiều công trình lớn, anh chị bàn nhau bán chiếc xe con đi để tập trung vào một việc cho đỡ vất vả. Đến nay, sau ba năm từ trại giam trở về, hai anh em đã cùng nhau phấn đấu trở thành hai ông chủ trẻ của xã nhà. Anh Thụ giờ đây là đầu mối cho những chủ thầu xây dựng, với hai xe tải, một máy ngoặm đất và một xưởng gạch thu nhập 60 – 70 triệu đồng /tháng khi đã trừ hết chi phí; anh Thông mở quán bán vật liệu xây dựng, vừa chở vật liệu cho các công trình lớn nhỏ trong và ngoài xã, vừa chạy gạch cho bà con xã Song Lộc và Phú Lộc cho thu nhập 30 – 40 triệu đồng.

UploadGia đình anh Thông – chị Thơ

Anh Thụ chia sẻ thêm : Ngoài việc phát triển kinh tế cho gia đình, chúng tôi còn tạo công việc thường xuyên cho 3 – 5 lao động, thời điểm nhiều việc lên đến chục lao động. Tương lai anh em chúng tôi sẽ mở rộng quy mô sản xuất hơn nữa để có thể giúp nhiều lao động tại địa phương cũng vươn lên thoát nghèo.

Nhận xét về hai thanh niên Hoàng Văn Thụ và Hoàng Văn Thông, ông Nguyễn Quốc Việt (PCT xã Song Lộc) cho biết: “Từng lầm lỡ nên phải đi tù nhưng điều cốt yếu là họ biết vượt qua cái xấu để vươn lên làm những việc tốt đẹp cho cuộc sống. Hiện đây là hai thanh niên tiêu biểu làm kinh tế giỏi trong xã, có mối quan hệ tốt với xóm làng, giúp đỡ mọi người. Đó là những tấm gương sáng cho thanh niên học tập, nhất là những thanh niên đã lỡ sa vào vòng lao lý”.

Hoài Thu

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP