7h30 phút sáng 7/8, tại hồ Đập Lổ, thôn Tiến Hưng, xã Thạch Hưng, TP.Hà Tĩnh, hàng nghìn người dân từ già, trẻ, gái, trai đổ xô về đây để tham gia lễ hội bắt cá. Họ là những người dân địa phương và các huyện lân cận TP.Hà Tĩnh.
Hàng trăm người dân hồ hởi xuống hồ Đập Lỗ bắt cá (Ảnh: Ngân Hà). |
Sau hồi trống khai hội cất lên, hàng trăm người dân tay cầm nơm, vó, nhủi, lưới mò xuống hồ Đập Lổ bắt cá trong tiếng reo hò cổ vũ của bà con nhân dân. Chốc chốc, khi ai đó bắt được con cá to thì phía trên bờ những tiếng reo hò lại đồng loạt vang lên. Một không khí hứng khởi hiếm gặp tại địa phương.
Vui mừng khi bắt được một "chú" cá... (Ảnh: Ngân Hà). |
Ông Hồ Quốc Tuấn, Trưởng phòng Văn hóa thông tin UBND TP.Hà Tĩnh cho biết, lễ hội bắt cá xã Thạch Hưng là lễ hội truyền thống dân gian, có từ lâu đời gần 100 năm trước. Hàng năm, cứ đến mùa hè khi mùa màng thu hoạch xong, xã lại tổ chức cho toàn dân bắt cá ăn Rằm Tháng Bảy.
Vào Thập Niên 80 của thế kỷ trước, hàng năm, xã Thạch Hưng đã từng tổ chức Vậy cá tại Đập Đồng Hà (nay gọi là Đầm Sác Hà). Những ngày ấy, từ sáng sớm tinh sương bà con nhân dân trong xã và các xã bạn lân cận già, trẻ, gái, trai đã hội tụ về đây rất đông để chờ hiệu lệnh được xuống bắt cá. Đàn ông thì mang theo nơm, lưới mò, nhủi. Các bà và chị, em thì đầu đội cạu (rổ), vai mang oi trái bần, người nào cũng hồ hởi, phấn khởi vui như ngày hội.
Phía trên bờ người dân hò hét, cổ vũ... (Ảnh: Ngân Hà). |
Mục đích của việc tổ chức vậy cá là tạo không khí sôi nổi, vui tươi, kết nối tình đoàn kết giữa các thôn xóm, tạo điều kiện cho bà con nhân dân bắt được nhiều tôm cá cải thiện bữa ăn cho gia đình, đồng thời khuấy đảo bùn ở đáy đập để tái tạo nguồn thức ăn cho các loại thủy sản tự nhiên sinh sản vào mùa vụ tiếp theo.
|
... càng khiến những người tham gia hưng phấn (Ảnh: Ngân Hà). |
Tuy nhiên, trải qua bao thăng trầm lịch sử, lễ hội bắt cá truyền thống của xã Thạch Hưng đã bị mai một. Việc khôi phục lễ hội bắt cá hồ Đập Lổ góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa địa phương, tạo sân chơi lành mạnh, không khí vui tươi sôi nổi, gắn chặt tình đoàn kết trong nhân dân, phát huy, duy trì và bảo tồn những giá trị văn hóa của địa phương, từng bước xây dựng hồ Đập Lổ vừa là nơi cung cấp nước tưới phục vụ sản xuất vừa là điểm du lịch sinh thái góp phần phát triển kinh tế xã hội của xã. Kể từ đây, lễ hội này sẽ được tổ chức hàng năm vào dịp Rằm Tháng Bảy.
Kết thúc lễ hội, giải nhất thuộc về anh Trương Công Đồng, xã Đồng Môn, TP.Hà Tĩnh với chú cá gáy nặng hơn 5kg (Ảnh: Ngân Hà). |
Xã Thạch Hưng tiền thân là xã Trung Tiết, tổng Thượng Nhị thuộc phủ Thạch Hà, nay thuộc TP.Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh. Xã Thạch Hưng được tái thành lập ngày 25/12/1955, gồm có 4 làng dân cư đó là: làng Kinh Thượng, làng Hậu Hạ, làng Thuý Hội, làng Kinh Hạ và được chia thành 6 thôn: thôn Kinh Nam, Trung Hưng thuộc làng Kinh Thượng, thôn Hoà, thôn Bình thuộc làng Hậu Hạ, Thuý Hội, Tiến Hưng.
Địa hình xã có nhiều sông, hồ, ao, rạch, ven dòng sông Phủ. Một bộ phận không nhỏ nhân dân địa phương sinh sống bằng nghề cá. Cũng do địa hình có nhiều đập hồ, khe, hói nhỏ nên công cụ bắt cá của người dân xã Thạch Hưng cũng khác với những nơi có hồ to, sông lớn. Ngoài các dụng cụ chài, lưới, vó, nơm… truyền thống thì Thạch Hưng còn có một công cụ độc đáo tạo nên nét văn hóa truyền thống không lẫn vào đâu được đó là bắt cá bằng lưới mò.
Dụng cụ bắt cá truyền thống của người dân xã Thạch Hưng (Ảnh: Ngân Hà). |
Lưới Mò là 1 mảnh lưới nhỏ, phía trên có dây đeo vào cổ, hai bên lưới mắc vào 2 cánh tay. Khi bắt cá người đeo lưới mò dùng tay để trực tiếp bắt cá và sử dụng mảnh lưới để hỗ trợ bắt cá. Trước đây, xã Thạch Hưng có làng nghề lưới mò với vài trăm hộ hành nghề.
Tác giả: Bùi Thị Ngân
Nguồn tin: nguoiduatin.vn