Môi trường ở nông thôn cũng quá ô nhiễm
Một vấn đề được đặt ra tại HĐND tỉnh là các hợp tác xã (HTX) thu gom rác thải trên địa bàn tỉnh còn gặp nhiều khó khăn, hoạt động chưa hiệu quả; môi trường ở khu vực nông thôn còn ô nhiễm, ảnh hưởng đến sức khỏe, đời sống của người dân. Các đại biểu yêu cầu phải làm rõ trách nhiệm cá nhân, cơ quan chủ quản và phương án xử lý sắp tới.
Kỳ họp thứ 3, HĐND tỉnh Hà Tĩnh sáng 15/12 |
Trả lời cho vấn đề này, ông Võ Tá Đinh, Giám đốc Sở TNMT cho biết: Thực tế, HTX thu gom rác thải các địa phương còn rất hạn chế, chưa có trụ sở, thiếu phương tiện thu gom, vận chuyển rác, phần lớn các HTX chưa được đầu tư xe vận chuyển rác chuyên dụng gây khó khăn cho vận chuyển rác từ bãi tập kết, trạm trung chuyển đến điểm xử lý. Tỉ lệ thu gom chỉ đạt 40-50% khu vực nông thôn và 60-70% khu vực đô thị.
Ông Võ Tá Đinh cũng cho biết thêm, trong các mục tiêu xây dựng nông thôn mới tại Hà Tĩnh, tiêu chí môi trường luôn được đề cao nhưng thực tế đến nay đa số lại… chưa đạt. Tình trạng rác đổ bậy, tồn đọng, dồn ứ gây hôi thối, ô nhiễm ảnh hưởng đời sống nhân dân. Biết rõ, nhưng các địa phương không thực hiện được.
Một câu hỏi khác cũng được đặt ra, ngân sách dành cho thu gom, xử lý rác thải của tỉnh là khá lớn, nhưng vẫn tồn động ô nhiễm môi trường, rác vẫn dồn ứ khắp các ngõ ngách, gây nhiều phiền toái cho cư dân. Trả lời vấn đề này, ông Đinh cũng nhấn mạnh, ngân sách cho thu gom rác là còn thiếu, cần xây dựng lại đề án về giá rác, nâng lên để phù hợp cho cung và cầu.
Vấn đề tồn đọng môi trường tại nông thôn cũng xuất phát từ thực tế, trên địa bàn tỉnh hiện nay chưa xây dựng đủ các điểm trung chuyển và xử lý (toàn tỉnh mới chỉ có 02 nhà máy xử lý, 5 lò đốt và 5 bãi chôn lấp hợp vệ sinh). Vì vậy, rác thải được thu gom nhưng chưa có điểm để vận chuyển, xử lý đặc biệt là các vùng sâu, vùng xa, khu vực miền núi.
Ông Nguyễn Quốc Hà, Chủ tịch thị xã Kỳ Anh trả lời PV Báo Infonet bên lề họp HĐND tỉnh. |
Vậy giải quyết tồn đọng môi trường như thế nào? Ông Giám đốc Sở TNMT đã đưa ra phương án như: Đề nghị tỉnh cần có cơ chế, chính sách phù hợp cho vấn đề môi trường, nhất là đầu tư lại cơ sở vật chất trong thu gom, vận chuyển rác. Sớm điều chỉnh mức thu phí vệ sinh sang ban hành giá dịch vụ theo quy định để đảm bảo cơ chế nguồn thu đủ trang trải chi phí cho hoạt động thu gom xử lý rác thải của các HTX môi trường.
Kêu gọi, thu hút các nhà đầu tư ngoài tỉnh về tìm hiểu, xây dựng nhà máy rác thải công nghiệp, rác thải sinh hoạt mang tầm quy mô, hiện đại, đó là cách tốt giả quyết “phiền nhiễu” về rác. Chỉ có như vậy, vấn đề rác nông thôn cơ bản đi vào giải quyết sạch sẽ. Cụ thể, phải có nhà máy xử lý rác thải quy mô cấp huyện, lò đốt rác, bãi chôn lấp đảm bảo đáp ứng hết lượng rác thải được thu gom.
Giám đốc Sở có chắc kiểm soát được môi trường tại Formosa?
Giám đốc Sở TN&MT Võ Tá Đinh cũng đã trả lời các câu hỏi của đại biểu liên quan đến những vướng mắc trong công tác bồi thường, GPMB, phần nào làm ảnh hưởng đến tiến độ của các dự án.
Về công tác quản lý nhà nước về đất đai, tài nguyên khoáng sản, môi trường còn nhiều tồn tại, hạn chế. Cử tri và đại biểu HĐND đã có nhiều ý kiến, kiến nghị, chất vấn nhưng việc khắc phục, chấn chỉnh chưa đạt yêu cầu. Việc xem xét, xử lý trách nhiệm của cá nhân chưa nghiêm. Kiểm soát, xử lý các khu rác thải công nghiệp, nông thôn chưa tốt, gây quá nhiều phiền toái cho cư dân, nhất là các khu chăn nuôi bò, lợn, ô nhiễm về nguồn nước, mùi hôi thối, gây bức xúc trong dân?
Mặc dù đưa ra các viện dẫn, các lý do khách quan, chủ quan trong việc công tác quản lý tài nguyên, môi trường, các giải pháp khắc phục. Tuy nhiên, theo chủ tọa kỳ họp, ông Lê Đình Sơn, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Tĩnh và một số đại biểu thì phần trả lời của ông Đinh còn vòng vo, chưa đi vào trọng tâm, yêu cầu trả lời câu hỏi sát và đúng thực tế.
Số lượng bùn thải nguy hại Formosa được chôn lấp trong vườn nhà dân |
Liên quan đến môi trường tại thị xã Kỳ Anh, ông Nguyễn Quốc Hà, Chủ tịch thị xã Kỳ Anh nhấn mạnh, để gây tồn đọng về rác thải tại địa bàn, trách nhiệm thuộc về cơ quan quản lý nhà nước, ở đây là phòng TN&MT thị xã, “Họ không phải là yếu mà quá yếu”. Muốn vậy, các ngành liên quan phải thực hiện đúng nghị quyết 132, ở đó cơ bản là đầy đủ. Muốn vậy, tỉnh, sở ngành liên quan phải xây dựng lại đề án phí môi trường, nâng giá lên để phục vụ tốt công tác thu gom, vận chuyển. Cái này các tỉnh đã làm rồi, nhưng tỉnh ta vẫn đứng yên.
Ông Hà cũng đề nghị “tư lệnh” ngành môi trường, mà trách nhiệm đầu là ông Võ Tá Đinh về vấn đề kiểm soát môi trường sau sự cố tại Formosa. Ông Hà nhấn mạnh, việc quản lý rác thải của Công ty TNHH Hưng Nghiệp Formosa, sau sự cố môi trường vừa qua, liệu ngành tài nguyên môi trường có thể khẳng định kiểm soát được việc xả thải của công ty này?
Vấn đề này, ông Đinh trả lời, việc kiểm soát môi trường tại Formosa trách nhiệm đầu là của Sở TN&MT, nhưng vấn đề của Formosa không còn việc của tỉnh nhà nữa mà là của Chính phủ.
Hiện, phía Sở TN&MT đã yêu cầu Formosa xây dựng trạm xử lý nước thải sinh hoạt, nước thải sinh hóa, nước thải công nghiệp lắp đặt thêm thiết bị tự động quan trắc 10/14 hạng mục. Trong đó, trạm xử lý nước thải sinh hoạt quy hoạch xây thêm 2 bể hoãn xung nước thải với thể tích mỗi bể là 3.000 m3. Trạm xử lý nước thải sinh hóa, nước thải công nghiệp quy hoạch lắp đặt hồ sinh học, trường hợp nước không đạt tiêu chuẩn sẽ được bơm trở về xử lý lại và thiết bị quan trắc online 14 hạng mục. Lắp đặt bể nuôi cá (bể thủy tinh) tại trạm nước thải công nghiệp và hồ sinh học để kiểm tra độ an toàn của nước thải trước khi xả ra môi trường.
Như vậy, các loại chất thải sau khi tập kết tại 16 khu lưu trữ, FHS sẽ chuyển chất sinh hoạt cho Công ty Hoành Sơn vận chuyển, xử lý; chất thải công nghiệp thông thường, chất thải nguy hại sẽ ký hợp đồng với Công ty chế biến chất thải công nghiệp Hà Tĩnh vận chuyển, xử lý… Các chất thải có thể tái sử dụng (gang phế, thùng giấy phế) Cty chuyển bán cho nhà thầu có năng lực theo quy định.