Công đoạn đầu tiên chuẩn bị khắc phục
Tìm hiểu chúng tôi được biết, tuyến đường được khởi công vào cuối năm 2014, hoàn thành đưa vào sử dụng vào tháng 5/2015. Đơn vị thi công tuyến đường là công ty Cổ phần Đầu tư Thịnh Phát (có trụ sở tại TP Vinh-Nghệ An).
Nguồn vốn được Quỹ KUWAIT về phát triển kinh tế Arab (Quỹ Cô-oét về Phát triển kinh tế Ả-rập) tài trợ, Ban điều phối dự án phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn (HIRDP) Hà Tĩnh được giao trực tiếp quản lý, kiêm chủ đầu tư.
Biện pháp khắc phục được đánh giá không đảm bảo
Theo đó, chương trình được thực hiện từ tháng 3 năm 2011 đến tháng 7 năm 2016, tổng vốn của dự án là: 18.626.009 USD, trong đó nguồn vốn ODA là 14.619.724 USD, vốn đối ứng: 4.006.285 USD.
Mục đích của tuyến đường nói trên là nhằm phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn ở xã Sơn Bằng, thúc đẩy sự phát triển kinh tế tại địa phương và tạo ra sự gắn kết về sản xuất trong vùng.
Thế nhưng, theo người dân tại địa phương phản ánh, vào thời gian cuối năm 2015 gần như toàn bộ mặt đường của tuyến bắt đầu có dấu hiệu bong tróc. Đến giữa năm 2016 hiện tương bong tróc diễn ra rất mạnh, có những đoạn đã xuất hiện lổ thủng rất to.
Lực lượng khắc phục được đơn vị thi công thuê người dân làm, không đảm bảo yếu tỗ kỹ thuật
“Tại xã Sơn Bằng có rất nhiều đường bê tông nhưng đoạn đường này là kém nhất, vừa mới làm xong chưa lâu những toàn bộ mặt đường đã trồi lên toàn đá. Do mặt đường bị sủi nên mỗi khi trời nắng có xe máy chạy qua là bụi lại được thổi lên”, ông Thái Vĩnh, người thôn Đông Sơn phản ánh.
Có mặt tại công trình khi nhóm công nhân đang khắc phục lại tuyến đường, chúng tôi nhận thấy sự phản ánh của người dân địa phương là đúng. Chỉ cần cầm vòi nước xịt nhẹ, mặt đường trồi lên toàn đá.
Ông Bình, người dân thôn Phan Định được đơn vị nhà thầu thuê khắc phục lại tuyến đường cho biết: “Chúng tôi là người làm công, thấy họ thuê là chúng tôi làm. Trong quá trình khắc phục đơn vị nhà thầu chỉ bảo sao chúng tôi làm vậy”.
“Quy trình làm khắc phục trước tiên là xịt nước làm sạch mặt đường rồi tưới nước xi măng lên. Sau đó trộn hồ theo tỉ lệ 1/1 (một cát một xi) rồi trát lại với độ dày một phân (1cm). Riêng việc có đảm bảo chất lượng hay không vì chúng tôi không biết, vì đây là đường nên có xe cộ qua lại chứ không phải là sân nhà”, ông Bình cho hay.
Công trình được gắn biển
Theo nhận xét của một số người có chuyên môn thì cách khắc phục như trên chỉ có tác dụng tạm thời vì lớp bê tông mặt đường cũ và lớp vữa mới trát phủ bề mặt khó có thể kết dính. Hơn nữa với độ dày 1cm của lớp mặt được làm mới chỉ trong một thời gian ngắn xe cộ chạy lên trên nhất định sẽ vỡ và bong ra.
Là đơn vị hưởng lợi từ dự án, ông Phạm Kim Tuyến-Chủ tịch UBND xã Sơn Bằng cho biết: Tuyến đường của dự án có chiều dài 1,5km, mặt đường rộng 3,5m; lớp bê tông được đỗ dày 18cm. Hiện nay có khoảng trên 300 m bị bong tróc nặng.
“Chúng tôi không biết được tổng mức đầu tư là bao nhiêu. Chỉ biết trước khi khắc phục nhà thầu có thông báo qua chính quyền địa phương. Tuy nhiên với cách khắc phục như vậy thì khó đảm bảo về chất lượng”, ông Tuyến nhận xét.
Tác giả: Sỹ Thông – Đức Cảnh
Nguồn tin: Báo Tài nguyên và Môi trường