Nhiều doanh nghiệp kinh doanh gỗ trên địa bàn huyện Hương Khê, Hà Tĩnh phản ánh, hơn một năm nay, hàng tỷ đồng tiền hoàn thuế chưa được các cơ quan chức năng hoàn trả. Trong khi tiền hoàn thuế đang bị “giam”, ngày 30/12/2014, Bộ Tài chính ban hành Công văn số 19128 chỉ đạo các Cục Hải quan, Cục Thuế địa phương “không được thực hiện thủ tục hoàn thuế đối với các mặt hàng rượu, bia, thuốc lá, gỗ nhập khẩu sau đó tái xuất nhưng quá hạn 365 ngày kể từ ngày nhập khẩu”. Đối với các trường hợp trong hạn 365 ngày thì phải kiểm tra thực tế 100% lô hàng khi nhập khẩu và kiểm tra thực tế 100% lô hàng khi tái xuất thì mới đủ điều kiện hoàn thuế.
Ông Trần Phát Đạt, Chủ tịch Hội doanh nghiệp Hương Khê cho biết, gỗ nhập khẩu là mặt hàng nguyên liệu phục vụ cho sản xuất được nhà nước ưu tiên với thuế suất bằng không. Các quy định tại Luật quản lý thuế, Luật thuế xuất nhập khẩu thì hàng hoá nhập khẩu đã nộp thuế nhập khẩu nhưng phải tái xuất được hoàn thuế theo quy định.
“Luật Hải quan quy định thời gian thông quan cho một lô hàng không quá 8 tiếng, với trường hợp đặc biệt có thể kéo dài nhưng không quá 2 ngày. Với khả năng và nguồn lực hiện có, việc hải quan thực hiện đúng yêu cầu kiểm hóa 100% lô hàng trong thời gian như trên gần như là không thể”, ông Trần Phát Đạt cho biết. Và thực tế, tại cửa khẩu La Lay (Quảng Trị), khi lực lượng chức năng tiến hành thực hiện đã gây ra tình trạng ách tắc nơi đây.
“Gỗ khi nhập khẩu về đều có hồ sơ đầy đủ. Khi đưa về nhập kho đều phải vào phiếu nhập kho của cơ quan kiểm lâm sở tại. Khi xuất đi thì cơ quan kiểm lâm cũng kiểm tra, xác nhận trong hồ sơ xuất kho. Chẳng nhẽ những xác nhận của kiểm lâm không có giá trị. Nếu để siết chặt quản lý, để đỡ gây khó khăn cho doanh nghiệp, Bộ Tài chính nên quy định, khi doanh nghiệp đóng hàng để xuất khẩu, cơ quan hải quan sở tại trực tiếp cùng với kiểm lâm, kiểm tra hồ sơ, thực tế”, ông Nguyễn Minh Thiệu, Trưởng phòng kinh doanh, doanh nghiệp tư nhân Xuất nhập khẩu Vân Hà, trụ sở tại Hương Khê phân tích.
Không thực tế
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Hoàng Trọng Tài, Phó Chi cục trưởng Hải quan Hồng Lĩnh, Cục Hải quan Hà Tĩnh thừa nhận, số tiền hoàn thuế của nhiều doanh nghiệp trên địa bàn huyện Hương Khê từ năm 2013 đến nay chưa hoàn. “Doanh nghiệp khai báo rõ ràng nhưng cấp trên bắt phải báo cáo, chúng tôi đã báo cáo. Còn lý do tại sao chưa được hoàn đó là việc của cấp trên”, ông Tài nói.
Trả lời PV Tiền Phong, căn cứ nào để Bộ Tài chính đưa ra quy định “lạ” không được hoàn thuế nếu như gỗ tái xuất quá 365 ngày kể từ ngày nhập khẩu? “Nghị định 87 của Chính phủ không bắt buộc, Thông tư 128 yêu cầu báo cáo Tổng cục Hải quan khi quá 365 ngày, Luật Hải quan không quy định. Nhưng công văn của Bộ Tài chính chỉ đạo nên phải tuân theo”, ông Tài cho biết.
Về việc bắt phải kiểm hóa 100% mặt hàng gỗ khi nhập và khi xuất, Phó Chi cục Hải quan Hồng Lĩnh cho biết, với cơ sở vật chất, phương tiện, nhân lực, bến bãi như hiện nay để thực hiện việc này rất khó khăn. Luật, Nghị định và các văn bản hướng dẫn lâu nay không có quy định này. “Quy định quản lý rủi ro (Luật Hải quan), mặt hàng gỗ thường vào “luồng vàng”, chỉ kiểm hóa 5-10%. Nếu theo chỉ đạo của Bộ Tài chính phải can thiệp vào hệ thống mới thực hiện được. Nếu liên tục can thiệp vào hệ thống sẽ không ổn”, ông Hoàng Trọng Tài nói.
“Kinh doanh gỗ giờ rất khó khăn. Từ tháng 5/2014 đến nay không có lô hàng nào xuất qua đây. Lưu kho thời gian quá 365 ngày, doanh nghiệp có vốn còn đỡ, nếu vay ngân hàng thì chết”, ông Tài chia sẻ. Ông Tài cho rằng, do chỉ đạo từ cấp trên nên phải tuân theo. “Khi đánh giá tầm vĩ mô cơ quan chỉ đạo không thực sát thực tiễn nên không phù hợp”, Phó Chi cục Hải quan Hồng Lĩnh cho biết.
“Gỗ là mặt hàng phục vụ sản xuất vốn không chịu thuế lại bị quy vào với rượu, bia, thuốc lá vốn là những mặt hàng tiêu thụ đặc biệt, là vô lý, trái luật. Doanh nghiệp kinh doanh nào cũng phải có hàng tồn kho, cũng phải tìm đối tác… Cứ áp đặt thủ tục, áp đặt thời hạn là giết chết doanh nghiệp”, Chủ tịch Hội doanh nghiệp Hương Khê nói.
Văn phòng Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính trả lời
Ngày 21/1/2015, Văn phòng Chính phủ (VPCP) đã có văn bản chuyển Bộ Tài chính, đề nghị Bộ này có văn bản trả lời cho Hiệp hội Doanh nghiệp Hà Tĩnh. Trước đó, VPCP đã có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ về việc tháo gỡ vướng mắc hoàn thuế nhập khẩu sau đó tái xuất.