Trong nước

Hà Tĩnh đề xuất làm cầu vượt cho bò đi

Một đại biểu HĐND tỉnh Hà Tĩnh đề nghị làm cầu vượt, hoặc cống ngầm riêng cho bò đi, tuy nhiên GĐ Sở GTVT cho rằng không có kinh phí để làm.

Vấn nạn trâu bò thả rông đã làm nóng phiên chất vấn tại kỳ họp thứ 5 HĐND tỉnh Hà Tĩnh sáng nay.

Toàn cảnh phiên chất vấn sáng nay

ĐB Bùi Nhân Sâm - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh phản ánh, thực trạng trâu bò đi nghênh ngang trên quốc lộ, tỉnh lộ gây ra nhiều vụ tai nạn thương tâm gây nhức nhối thời gian qua.

Mặc dù tỉnh đã có chỉ thị và đề ra 5 giải pháp để hạn chế thực trạng trên nhưng việc triển khai vẫn chưa được như mong muốn.

“Vừa rồi Phó Thủ tướng về Hà Tĩnh làm việc, đoàn xe chạy qua cũng bị trâu bò chặn lại, rất phản cảm. Trách nhiệm chính thuộc về ai và giải pháp sắp tới để hạn chế tình trạng trên” - ông Sâm nói.

Đồng quan điểm, ĐB Lê Ngọc Huấn - Chủ tịch UBND huyện Hương Khê cho biết, hiện các tuyến đường lớn vẫn chưa có đoạn giao cắt dành riêng cho bò đi, nên thường xuyên xảy ra tai nạn.

Chủ tịch huyện Hương Khê Lê Ngọc Huấn đề xuất làm cầu vượt, cống riêng cho bò đi

Qua đó, ông Huấn cũng đề xuất phương án khiến cả hội trường xôn xao khi cho rằng: Sở GTVT nên vạch những đoạn đường riêng để cho trâu bò đi qua.

“Tôi thấy không chỉ bò thả rông mà ngay cả có người dẫn thì vẫn không có đoạn đường nào dành cho bò đi. Vậy chúng ta nên xây cầu vượt hoặc làm cống ngầm dành cho bò qua đường” - ông Huấn đề xuất.

Tại phiên chất vấn, nhiều đại biểu cũng yêu cầu làm rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành, đồng thời cũng yêu cầu nêu rõ việc phân cấp quản lý thực trạng trên.

Không có tiền làm cầu vượt cho bò đi

GĐ Sở GTVT Lương Phan Kỳ cho biết, vấn nạn trâu bò thả rông gây mất an toàn, cảnh quan đã tuyên truyền nhiều năm nay.

GĐ Sở GTVT cho rằng, không thể bố trí ngân sách để làm đường, cầu vượt riêng cho bò

Sở GTVT nhiều lần trực tiếp làm việc với các địa phương, tuy nhiên ở dưới cơ sở việc xử lý vẫn còn rất chậm.

“Trước đây trâu bò qua đường bị đâm chết người dân bắt đền giá gấp 2 hoặc 3 lần, nhưng hiện nay, trâu bò bị đâm chết người dân không giám đứng ra nhận, thậm chí cơ quan chức năng cũng không tìm ra ai là chủ của trâu bò bị đâm chết” - ông Kỳ nói.

Theo ông Kỳ, hiện đã có các cơ chế xử lý trâu bò thả rông trên đường, nhưng chỉ dừng lại ở mức xử phạt hành chính và rất thấp, chỉ cốt nhắc nhở, răn đe. Đến nay lực lượng chức năng chỉ mới xử phạt được hơn 10 triệu đồng.

Liên quan đến đề xuất làm cầu vượt, cống ngầm cho trâu bò đi, ông Kỳ cho rằng ý tưởng trên không sai. Song, ngân sách địa phương rất hạn chế nên là rất khó thực hiện.

Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Đình Sơn

Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn cho rằng, để quản lý gia súc trên các tuyến đường, công tác vận động người dân vô cùng quan trọng. Phải có cam kết cụ thể và gắn trách nhiệm đến tận từng địa phương.

“Đơn vị nào làm tốt, đơn vị nào làm không tốt phải chỉ rõ. Tại sao một chỉ thị của Chủ tịch tỉnh mà người dân thực hiện quá thấp, cần phải làm rõ trách nhiệm của từng cá nhân” - ông Sơn nói.

Tác giả: Lê Minh

Nguồn tin: Báo VietNamNet

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP