Trụ sở Trung tâm Trung tâm phục hồi chức năng trẻ khuyết tật dựa vào cộng đồng xã Cẩm Yên cửa đóng then cài.
Nộp tiền để nhận quà từ thiện!
Đi vào hoạt động từ năm 2001 do bà Trần Thị Thảo trú tại xã Cẩm Yên làm Giám đốc. Trung tâm đang là địa chỉ để 48 cháu trên địa bàn toàn huyện phục hồi chức năng. Tuy nhiên, những việc làm bất thường của bà Giám đốc đối với những món quà từ thiện và tiền hỗ trợ của Nhà nước cho các em khiến dư luận bức xúc.
Ngày 24/9 chúng tôi có mặt tại nhà chị Trần Thị Nguyệt ở thôn Bình Minh, xã Cẩm Bình, huyện Cẩm Xuyên. Gia đình chị có cháu Lê Văn Tiếnsinh năm 1997 hiện đang gửi tại Trung tâm phục hồi chức năng trẻ khuyết tật dựa vào cộng đồng xã Cẩm Yên được gần 3 năm nay. Hàng tháng con chị được nhận hỗ trợ của Nhà nước là 160.000/tháng, nhưng thực tế chỉ nhận 140.000 đồng qua trung tâm với lý do “giữ lại để phục vụ bữa ăn cho các cháu và mua máy tính cho bà Giám đốc trung tâm”. Tuy nhiên, chị cho biết “các cháu chỉ ăn ở trung tâm 1 bữa vào ngày quốc tế thiếu nhi năm ngoái, từ đó đến nay không có thêm lần nào”. Bất ngờ hơn số tiền trích ra để phục vụ bữa ăn cho các cháu và mua máy tính cho Giám đốc trung tâm được “trích” từ khi thành lập đến nay. Phải chăng Giám đốc trung tâm chưa trích đủ?
Năm 2014 Trung tâm xin lại trường Tiểu học bỏ trống trên địa bàn xã Cẩm Yên để tu sửa làm cơ sở cho các cháu. Giám đốc trung tâm đã yêu cầu trích lại từ hỗ trợ hàng tháng 500.000/em để tu sửa cơ sở mới. Tuy nhiên, hiện trạng tu sửa được như thế nào đến nay phụ huynh không rõ và hằng ngày Trung tâm vẫn đóng cửa cài then không có bất kỳ cháu nào ở và tập luyện tại đây.
Điều làm chúng tôi ngạc nhiên hơn khi chị cho biết, vài tháng trước Trung tâm có nhận được ủng hộ và mỗi cháu được nhận hơn một thùng sữa. Nhưng khi đến nhận thì Giám đốc yêu cầu nộp mỗi cháu 70.000 đồng mới được nhận sữa?. Với lý do “đóng tiền để bà báo biếu trong quá trình kêu gọi từ thiện”?.
Chị Nguyễn Thị Thìn, tại thôn Đông Châu, xã Cẩm Bình có cháu Nguyễn Thị Hoài sinh năm 1998 gửi tại Trung tâm là một trường hợp tương tự. Chị cho biết, lâu nay cháu Hoài không đến trung tâm, và hàng tháng cháu nhận 160.000 đồng trên giấy và 140.000 trên thực tế. Việc trung tâm xin trích lại 20.000/tháng của cháu với lý do gì “chị cũng không rõ nữa”.
Không dám lên tiếng!
Chị Nguyệt chia sẻ, không chỉ riêng chị mà rất nhiều phụ huynh bức xúc trước những khoản “trích lại” của Giám đốc Trung tâm đối với trợ cấp của các cháu. Nhưng không ai dám lên tiếng bởi tâm lý chung của phụ huynh là “riêng mình nói cũng không làm được gì cả”. Chị Nguyệt buồn bã chia sẻ, ở Trung tâm con chị là trường hợp nặng nhất, con phụ huynh khác còn có thể đi học, tự xúc cơm ăn, tự lo cho bản thân con mình thì… cho nên được đồng nào thêm vào cũng được, chứ riêng mình nói cũng chẳng đến đâu cả”. Vả lại, mình nói đến khi họp phụ huynh cán bộ trung tâm cứ “nhắc lên đặt xuống” lần này đến lần khác” đâm ra không ai dám.
Lợi dụng người bất hạnh- hành vi trái pháp luật, đạo đức
Theo luật pháp Việt Nam, bộ luật Hình sự quy định rõ hành vi quyên góp tiền dưới danh nghĩa câu lạc bộ từ thiện, tổ chức từ thiện, nhóm từ thiện, quỹ hoặc một cá nhân đứng ra nhận tiền từ thiện rồi bớt, chiếm đoạt là hành vi vi phạm pháp luật hình sự ( hành vi chiếm đoạt tài sản của người khác đã được quy định trong Bộ luật hình sự – tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người khác). Còn xét về mặt đạo đức thì đó là một hành vi trái đạo đức nghiêm trọng. Hành vi này cần phải được xử lý nghiêm minh về mặt luật pháp để lập lại trật tự xã hội và phải bị xã hội lên án để trả lại giá trị đích thực của hoạt động từ thiện vì cộng đồng.
Những trẻ em khuyết tật, những mảnh đời bất hạnh nếu không rộng lòng giúp đỡ thì cũng đừng “bớt” của các em – những người vốn đã không may mắn rồi.
(Chúng tôi tiếp tục đưa tin ý kiến các cơ quan quản lý trả lời về vấn đề này)
Hải Đăng-Thiên Phú-Hồ Hải/TCVTOTO
(theo Đại Lộ)