Năm nay thời tiết thất thường, cùng với đó là miền Trung ảnh hưởng của nhiều cơn bão, làm cho nhiều gốc đào bị đổ, người trồng đào khó có biện pháp chăm sóc. Nhiều người dân trong xã cho biết, so với năm ngoái thì đào năm nay cả hoa và cành đều không đẹp bằng, thậm chí có một số hộ đang nghĩ tới biệp pháp ép đào nở chậm lại.
Ông Nguyễn Văn Lâm, một chủ trồng đào tại khu vực lo lắng: “Đào năm nay nở sớm hơn mọi năm, nếu cứ tình trạng này kéo dài, đến khoảng 25 tháng 12 (âm lịch) sẽ không có đào để bán” .
Ông Hà Văn sửu, một chủ trồng đào khác cũng không khỏi lo lắng “gia đình tôi cũng chỉ trông chờ vào vườn đào cuối năm này thôi, nếu thời tiết cứ nắng ấm thế này đào nở nhanh hơn, mọi công sức chăm bón đều đổ xuống sông xuống biển hết”.
Các vườn đào ở Hưng Thắng đều nở rộ. |
Đào là loại cây mang lại thu nhập cao cho người dân sống trong khu vực này. Bà Hoàng Thị Lan, chủ vườn đào ở thôn 9 Hưng Thắng chia sẻ: “Cây đào được trồng sau, tuy nhiên mang lại hiệu quả cao hơn các loại cây khác”.
Dù hiệu quả từ cây đào mang lại không nhỏ, song theo khảo sát của chúng tôi, đa số người dân trồng đào ở Hưng Thắng đều trồng theo thời vụ, thường trồng xen các loại cây khác như chè, cam, chanh.. gây trở ngại trong việc chăm sóc . Đào là loại cây không ưa bóng nhưng trong quá trình trồng một số chủ hộ ở Hưng Thắng đã không chia khoảng cách phù hợp giữa các gốc.
Dù nghề trồng đào ở Hưng Thắng đã phát triển hơn 30 năm, tuy nhiên nhiều chủ hộ trồng đào vẫn chưa chú trọng tới kĩ thuật trồng, cũng như cắt, tỉa cành để tạo thế cho cây, điều này đã ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng của đào nơi đây.
Được biết làng đào Hưng Thắng hiện có 300 chủ hộ , trung bình mỗi chủ đào có hơn 200 gốc. Trồng đào một trong những nghề mang lại nguồn thu lớn cho người dân, tuy nhiên để nghề trồng đào phát triển và có thương hiệu thì đòi hỏi chính quyền địa phương cần có những biện pháp hỗ trợ người dân trồng đào theo hướng chuyên môn hoá.
Phan Nga