Vũ Quang

Hà Tĩnh: Dân bị rào ngõ, chủ tịch bảo “mua máy bay mà đi

Thời gian qua, sự việc hai gia đình ở xã Đức Lĩnh (Vũ Quang, Hà Tĩnh) tranh chấp con đường đi hình thành mấy chục năm nay đã trở nên phức tạp khi người dân làm đơn lên xã để giải quyết. Vị Chủ tịch xã bảo “do ăn ở thế nào nên người ta mới rào đường lại, về mua máy bay mà đi”.

Đường chung thành đường riêng

Báo Tầm Nhìn nhận được phản ánh của gia đình ông Nguyễn Doãn Quỳnh ở thôn Bình Phong, xã Đức Lĩnh, (huyện Vũ Quang, Hà Tĩnh) về việc chính quyền xã đã đưa con đường đất hình thành hàng chục năm nay vào cấp trong bìa đất cho hộ ông Nguyễn Sỹ Kiều. Đó là con đường duy nhất để vào nhà ông Quỳnh cũng như người dân HTX Quang Thọ đi lại canh tác hoa màu, trồng cây trên núi Đông Triệu. Nay gia đình ông Kiều đã tiến hành cản trở, rào lại không cho gia đình ông đi trên con đường đó.

hatinh24h
 Đường đi có từ ngày trước tới giờ đã bị gia đình ông Kiều cày xới.

Để rộng đường dư luận, phóng viên tìm hiểu tại địa phương, người dân ở đây cho biết: Từ trước tới nay, con đường vào nhà ông Quỳnh là con đường vào núi Động Triệu. Ngọn núi này ngày trước được Xí nghiệp chè Ngoại Thương dùng trồng chè, con đường này hằng ngày công nhân đi hái và nhập chè. Con đường này, người dân thôn Quang Thọ đi canh tác đất hoa màu.

Cũng theo người dân: “Xí nghiệp Chè Ngoại Thương thành lập cách 50 năm, nay không còn hoạt động. Sau khi Xí nghiệp Chè giải tán, phần đất phía trên con đường liên huyện giao lại cho Trường Tiểu học Đức Lĩnh 2 sử dụng. Phần đất phía dưới con đường giao lại cho xóm sản xuất, nhưng trâu bò phá hoại, xóm không làm nên bỏ hoang. Năm 1987, gia đình ông Nguyễn Sỹ Kiều ra ở, xin xóm làm đất màu. Con đường vẫn tồn tại và được người dân sử dụng bình thường”.

Ông Nguyễn Thanh Bình nguyên bí thư – xóm trưởng Thôn Bình Phong từ năm 1985 đến 1986 kể lại “con đường từ nhà ông Nguyễn Doãn Quỳnh qua đường hói (suối) sang đất nhà ông Kiều hiện nay ra đường cái đã có rồi. Đất đai đo đạc theo Chỉ thị 299 lúc đó khu đất của ông Kiều không có, mà thuộc đất của Xí nghiệp chè”.

“Năm 1997, chủ trương của Nhà nước đo đạc đất cho các hộ dân để làm thủ tục cấp GCN QSD đất, lúc đó con đường vẫn được người dân sản xuất nông nghiệp sử dụng để đi làm. Cạnh con đường là bờ suối, khi đó cây cối vẫn còn um tùm, đất đai sản xuất nông nghiệp chưa khai hoang hết, nên vẫn thuộc phần đất của xã quản lý. Đến năm 2015, chủ trương cấp đổi GCN QSD đất, gia đình ông Kiều được xã chuyển đổi đất hoa màu thành đất sử dụng lâu dài, và cấp thêm phần diện tích của con đường cũ vào. Sau khi cầm được GCN QSD đất trong tay, ông Kiều đã ngăn cản không cho gia đình tôi đi lại trên con đường đó. Đó là con đường duy nhất của gia đình tôi đi ra con đường cái.” Ông Quỳnh cho biết.

  Con đường qua suối đi sang núi Đông Triệu nơi có nhà ông Quỳnh, người dân vẫn hằng ngày đi lại canh tác sản xuất.
  Từ đường cái vào núi Đông Triệu bao bọc bởi con suối và ruộng bờ thửa.

Cụ Nguyễn Văn Tài, 91 tuổi thôn Cao Phong cho rằng “con đường qua hói (suối) có sẵn từ lâu để đi lại, trước khi nhà ông Quỳnh ở. Nay nhà ông Kiều ngăn cấm là không được. Gia đình ông Quỳnh đề nghị UBND xã can thiệp để giữ con đường đó để đi lại là đúng”.

Cùng quan điểm với Cụ Tài, bà Nguyễn Thị Phương (67 tuổi thôn Tân Hưng, xã Đức Lĩnh) nhớ lại: “Khi tôi 16, 17 tuổi đi hái chè theo con đường đó sang Xí nghiêp chè (Ngoại Thương) để nhập. Sau đó gia đình ông Quỳnh sang ở gần chỗ nhà tôi cũng đi trên con đường đó cho đến nay không có con đường nào khác. Trừ khi lụt to thì đi ngược qua nhà chúng tôi để đi nhờ cầu ông Khít. Giờ rào đường nhà ông ấy và người dân biết đi đường nào”.

“Về mua máy bay mà đi”

Con đường vào nhà cũng được thể hiện một phần trong GCN QSD đất của ông Nguyễn Doãn Quỳnh nay bị biến mất trên thực tế. Cùng với đó, gia đình ông Kiều bịt lối đi lại của gia đình, ông Quỳnh đã làm đơn kêu cứu lên xã.

  Trong GCN QSD đất của gia đình ông Quỳnh cấp 2013, có thể hiện con đường cạnh nhà, nay con đường ấy trên thực tế đã bị rào không có điểm nối ra đường cái.

Ngày 03/11/2015, ông Quỳnh cầm đơn lên gặp Chủ tịch xã, và gặp địa chính để phản ánh sự việc. Ông Quỳnh nhận được câu trả lời từ ông Nguyễn Đường- cán bộ địa chính xã “Con đường đó vào bìa đỏ của gia đình ông Nguyễn Sỹ Kiều rồi, gia đình ông muốn đi đến gặp ông Kiều xin, nếu ông Kiều cho thì đi, không thì đành chịu thôi, tôi không giải quyết được”.

Ông Kiều ngăn cản và cày xới mất đường đi, ngày 12/11/2015 ông Quỳnh lên gặp ông Nguyễn Xuân Thê – Chủ tịch UBND xã để cầu cứu thì nhận được câu trả lời “Bựa ni mua máy bay mà đi, ông (ông Quỳnh) có lẹ ăn ở a răng hắn mì dè (rào) chơ, ông nói giọng bặt trợn, nói rứa quên đi. Xin lỗi dẹp đi, thái độ của ong a rứa hắn dè cũng đúng thôi. Tôi không mần việc nữa, trách nhiệm cá nhân ông chưa giải quyết được nữa là tôi, tôi không mần nữa” ghi âm của ông Quỳnh cung cấp.

Làm việc với Chủ tịch xã, ông Thê thừa nhận “lúc nói chuyện với ông Quỳnh có bức xúc trước thái độ của ông ấy nên có nói câu về mua máy bay mà đi. Còn việc hai gia đình đang tranh chấp con đường là có thật. Nhưng con đường đó nằm trong sổ đỏ của gia đình ông Kiều. Xã đã mời 2 gia đình và mặt trận thôn, đoàn thể của xã về thương lượng nhưng chưa xong. Đất giờ thuộc của ông Kiều, nhưng ông Quỳnh không xin thì không giải quyết được”.

“Gia đình ông Nguyễn Sỹ Kiều có bìa đất năm 1997, nay cấp đổi lại. Sau khi cấp đổi lại phần diện tích có lớn hơn, nhưng về hướng đất hoa màu. Đối với dân thế nào cũng là dân của mình cả, xã muốn giải quyết  về tình, nhưng ông Quỳnh đã làm đơn nên xã phải căn cứ vào lý để giải quyết”. Ông Thê cho biết.

Đơn khởi kiện của ông Quỳnh đối với các lãnh đạo xã

“Giờ xã bảo gia đình tôi làm con đường khác, nếu đi đường khác nhà tôi biết mở đường nào? Con suối và ruộng bao quanh nhà, đất đai nhà họ chứ phải nhà mình đâu mà đi qua được. Trong khi đó ông Kiều nói đến hạn ngày 31/1/2016 này là ông rào hẳn. Gia đình ông Kiều không sai vì ông làm theo sổ đỏ của nhà. Sai là chính quyền xã đã làm sai và dung túng cái sai không chịu sửa tìm cách bao biện cho nhau. Gia đình ông Kiều là anh họ của anh Tịnh đang làm Phó chủ tịch xã, khi tôi lên làm việc luộn bị họ nạt, dọa, sỉ nhục. Giờ tôi phải làm đơn cầu cứu lên huyện và Tòa án Nhân dân huyện để giữ con đường cha ông để lại cho người dân, và gia đình tôi tiếp tục đi lại” ông Quỳnh trình bày.

·    Thanh Hà- Minh Tâm

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP